Kinh doanh bất động sản 2016: Liều lĩnh nhưng phải tỉnh

23/03/2016

Chuyên mục:

Tại hội thảo về kịch bản kinh tế 2016 mới đây, ông Marc Townsend - CEO công ty tư vấn CBRE Việt Nam đưa ra nhận định rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang tiềm ẩn những khó khăn như: kém lạc quan, đầu tư ra nước ngoài tăng mạnh, các nhà cung cấp không chịu giảm giá, chứng khoán đầu tư bị hạn chế và nhà đầu tư ngày càng thận trọng.

Tại hội thảo về kịch bản kinh tế 2016 mới đây, ông Marc Townsend - CEO công ty tư vấn CBRE Việt Nam đưa ra nhận định rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang tiềm ẩn những khó khăn như: kém lạc quan, đầu tư ra nước ngoài tăng mạnh, các nhà cung cấp không chịu giảm giá, chứng khoán đầu tư bị hạn chế và nhà đầu tư ngày càng thận trọng.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2016, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng kí cấp mới và tăng thêm vào lĩnh vực bất động sản chỉ đạt 29,07 triệu USD (giảm mạnh với cùng kì 2015 là 111,43 triệu USD).

Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang khá thận trọng với thị trường bất động sản Việt Nam.

Nguồn ảnh: Internet

Báo cáo thị trường bất động sản TPHCM trong năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016 vừa được Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) công bố cho thấy, năm 2015 thị trường bất động sản đã có dấu hiệu tăng trưởng nóng, có xu hướng tăng rất mạnh các dự án bất động sản cao cấp.

Số lượng người kinh doanh thứ cấp, phần lớn nhằm mục đích mua đi bán lại cũng tăng gấp 3 lần, chiếm khoảng 15% giao dịch.

Số liệu thống kê của HoREA cũng cho thấy, giá bán bất động sản cao cấp tại nhiều dự án bất động sản cũng tăng từ 5% đến trên dưới 15% so với năm trước. Toàn thành phố hiện có 1.409 dự án bất động sản nhưng có đến 190 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư hoặc hết hạn đầu tư.

Trong số 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai có đến 405 dự án chưa khởi công, trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công. Như vậy, số lượng các dự án bị thu hồi, bị tạm ngưng thi công và chưa khởi công đến hết tháng 2/2016 đã lên đến 692 dự án, chiếm 49,1% tổng số dự án. “Đây là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản cần phải có giải pháp hợp lý”, HoREA nhận định.

Dù thực tế thị trường bất động sản đang có dấu hiệu thừa cung và thậm chí “bong bóng”, tuy nhiên có những nhà đầu tư đã thể hiện sự “liều lĩnh” ngay từ đầu năm như Quỹ đầu tư Creed Group từ Nhật Bản ngày 6/3 đã kí kết hợp tác cùng với Công ty An Gia Investment và Công ty bất động sản Phát Đạt (PDR) triển khai dự án River City tại quận 7, với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD.

Ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Creed Group lý giải về việc “liều lĩnh” khi đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam thời điểm này là do đã có hơn 10 năm để tìm hiểu và nghiên cứu sâu về thị trường bất động sản mới nổi Việt Nam.

Theo ông Toshihiko Muneyoshi, thị trường bất động sản Việt Nam đang giống như thị trường ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... những năm đầu mới hình thành và phát triển. Khi đó, nhu cầu về các loại hình bất động sản của người dân và doanh nghiệp rât lớn, đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính vững mạnh.

“Mặt khác, đất nước các bạn hiện đang có tỷ lệ dân số vàng, người trẻ chiếm tỷ lệ rất cao nhưng quỹ nhà ở còn khiêm tốn. Đặc biệt, Việt Nam hiện nay đã bước vào thời kì hội nhập sâu rộng, chính phủ đã có những chính sách mở cửa với nhiều ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư, không chỉ vậy còn tích cực tham gia các hiệp định quốc tế để phát triển mạnh mẽ nền kinh tế. Mới nhất Chính phủ các bạn đã ký kết Hiệp định TPP, điều này sẽ càng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế đến làm ăn, sinh sống”, ông Toshihiko Muneyoshi chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Yoshinori Yakabe - Phó Tổng Lãnh Sự Quán Nhật Bản tại TPHCM đánh giá Việt Nam đã bước vào sân chơi toàn cầu, cũng là nước đang phát triển, dân số rất đông, đứng thứ 3 của Đông Nam Á, nên nhu cầu về nhà ở còn rất lớn và pháp luật về nhà ở cũng đã mở cửa cho người nước ngoài được sở hữu nhà theo thông lệ quốc tế.

“Chỉ tính riêng năm 2015, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 3 về đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn 1,84 tỷ USD, 281 dự án đăng ký cấp mới và 129 dự án đăng ký tăng vốn. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 trong các lĩnh vực đầu tư, chỉ sau ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành xây dựng. TPHCM, Hà Nội đang là 2 thị trường thu hút nguồn vốn lớn nhất hiện nay.

Về lâu dài, đặc biệt là trong năm 2016, năm được dự kiến sẽ có sự bùng nổ trong lĩnh vực bất động sản, nguồn vốn đầu tư Nhật Bản sẽ tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam dưới các hình thức như: liên doanh, hợp tác đầu tư hoặc mua bán dự án”, ông Yoshinori Yakabe nhận định.

Ông Nguyễn Bá Sáng – Chủ tịch Công ty An Gia Investment thừa nhận ông là nhà đầu tư “liều lĩnh” vì dự án River City dự kiến cung cấp 8.000 căn hộ cho một thị trường đang có dấu hiệu “dư cung”. Nhưng cũng tỉnh táo để thấy rằng cơ hội là có thực cho những ai giải quyết được cơ bản nhu cầu nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, người nhập cư đồng thời đưa ra đưa ra những giải pháp về tài chính, các phương thức thanh toán linh hoạt cho khách hàng.

Theo Duy Khánh

Theo Trí Thức Trẻ