Mía đường Quảng Ngãi - từ truyền thống đến hiện đại

17/03/2016

Chuyên mục:

Quảng Ngãi là vùng đất có nhiều nghề thủ công hình thành và phát triển từ lâu đời, như đúc đồng, làm gốm, nuôi tằm dệt vải, làm mắm, nấu đường, dệt thổ cẩm... Trong số những nghề thủ công tiêu biểu đó, nghề trồng mía – chế biến đường muỗng

Câu ca dao sau đây nói về chuyện ép mía nấu đường, mà cũng là nói đến lối sống giàu nhân nghĩa, nặng ân tình của con người Quảng Ngãi:  

Anh thương em đừng để ai biểu, ai bày,
Thâm thâm, dìu dịu mỗi ngày mỗi thương.
Nước mía trong, họ nấu lọc thành đường
Anh thương em, anh biết chớ thói thường biết đâu.


Toàn bộ diện tích của tỉnh Quảng Ngãi nằm trong vành đai nhiệt đới, thừa hưởng chế độ bức xạ năng lượng mặt trời rất phong phú, đồng thời dưới tác động của các yếu tố khí hậu, hoạt động bồi đắp của sông biển, lớp thổ nhưỡng tỉnh Quảng Ngãi đa dạng phong phú trong đó nhóm đất cồn cát trắng vàng, nhóm đất phù sa dọc ven sông, suối chiếm diện tích lớn, phù hợp với nhiều loại cây trồng có thời gian sinh trưởng kéo dài, như cây mía.  

 

 Thợ nấu đường.
  Bộ che ép mía.

 

 Thợ nấu đường.
Thợ nấu đường.


Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 513.520ha, trong đó đất nông nghiệp là 99.055ha, chiếm 19,8%.  Trên diện tích đất nông nghiệp, ngoài việc trồng lúa, rau màu, từ lâu người nông dân Quảng Ngãi dành phần lớn đất thổ phù sa dọc những con sông lớn của tỉnh cho việc trồng mía để làm nguyên liệu cho nghề làm đường muỗng.
 
Số liệu thống kê cho biết, dưới thời Pháp thuộc, diện tích đất trồng mía toàn tỉnh là 10.000 mẫu Tây với mức đường sản xuất 20.000 tấn. Từ năm 1946 đến đến 1961 diện tích đất trồng mía có giảm vì một phần là để dành đất trồng hoa màu, phần khác là do nạn chuột phá. Từ năm 1963, việc trồng mía được khuyến khích nên diện tích đất trồng mía trong toàn tỉnh không ngừng được mở rộng.

Đường muỗng- một sản phẩm tinh chế từ nước ép cây mía, bằng các chòi mía, lò đường thủ công là một món thổ sản chắc lọc từ tinh hoa của đất trời, kết hợp với sức lao động cần cù, bàn tay khéo léo và khối óc thông minh của người Quảng Ngãi. Nơi đây, nhiều làng quê đã gắn tên mình vào tên sản phẩm, khiến người đi xa mỗi khi nhắc đến tên làng, nghe như hương đường, mật mía dậy lên trong tâm khảm.

Sản phẩm từ đường muỗng Quảng Ngãi, đặc biệt là đường cát. không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh, mà từ những năm đầu thế kỷ XX còn được xuất khẩu ra nước ngoài như: Hồng Kông, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc…

Trong một bản phúc trình dâng lên vua Bảo Đại năm 1933, Tuần vũ Quảng Ngãi Nguyễn Bá Trác cho biết, bình quân mỗi năm khoảng trên 12.000 tấn đường Quảng Ngãi xuất ra nước ngoài theo cảng Cổ Lũy. Trước đó, vào năm 1925, viên công sứ Quảng Ngãi A. Laborte trong một chuyên khảo toàn diện về tỉnh Quảng Ngãi nhan đề “La Province de Quảng Ngãi”, đăng trên “Bulletin des Amis du Vieux Hue”, có nhắc nhiều đến nghề trồng mía, chế biến đường và cho đây là một nghề mang lại nhiều lợi ích cho tỉnh Quảng ngãi. Gần đây, nhà nghiên cứu người Đài Loan La Tina, trong công trình “Xứ Đàng Trong” nghiên cứu công phu về vùng đất phía Nam sông Gianh thời cận đại đã cho rằng, mía đường, trong đó đáng kể nhất là mía đường Quảng Ngãi đã góp phần cho sự thịnh vượng nhanh chóng của Đàng Trong thời các Chúa.

 

Đường muỗng.
Đường muỗng.



Từ nguyên liệu chính là đường muỗng, những người thợ thủ công tài hoa ở Thu Xà, Vạn Tượng, Chánh Lộ đã chế biến thành đường phổi, đường phèn, kẹo gương nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc, làm cho Quảng Ngãi càng xứng danh “Đất mía, quê đường”.

Để khai thác triệt để lợi thế nơi có nguồn nguyên liệu mía dồi dào cũng như thương hiệu vốn có từ đường muỗng truyền thống của tỉnh, từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, một Nhà máy đường đã được xây dựng ở Quảng Ngãi với công xuất thiết kế 1.500 tấn mía/ngày (TMN).

Gần năm mươi năm hình thành, hoạt động và không ngừng cải tiến, đến nay, ngoài sản phẩm đường kính trắng (RS) chất lượng, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi còn phát triển đa ngành với 14 nhà máy, xí nghiệp sản xuất 19 mặt hàng các loại. Sản phẩm của Công ty, đường RS và các sản phẩm sau đường không chỉ có mặt trên thị trường Việt Nam mà còn có mặt ở nhiều nước trên thế giới, được xếp vào loại hiện đại đứng vào hàng thứ 2 của ngành đường Việt Nam, đã thể hiện được vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh và đất nước, góp phần xứng đáng làm cho nền công nghiệp mía đường lớn mạnh.

Công ty hiện giải quyết việc làm ổn định cho 5.500 lao động, thu nhập bình quân đạt gần 7 triệu đồng/người/tháng, làm tốt công tác an sinh xã hội. Đây cũng là doanh nghiệp có mức nộp ngân sách cao của tỉnh Quảng Ngãi, với mức nộp ngân sách tăng bình quân 32%/năm. Năm 2014, Công ty CP đường Quảng Ngãi đã nộp vào ngân sách 620 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2015, doanh nghiệp đã nằm trong top 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập cao nhất trong cả nước

Nghề làm đường muỗng, kĩ thuật chế biến truyền thống và tài năng lao động sáng tạo của thế hệ cha ông người Quảng Ngãi là những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần quý mà chúng ta cần phải biết trân trọng giữ gìn. Vừa bảo tồn, phục hồi những đặc sắc của một nghề thủ công truyền thống địa phương, vừa mạnh mẽ phát huy, cải tiến công nghệ, mở rộng mặt hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm là hướng đi đúng đắn đưa ngành đường mía trở thành một ngành mũi nhọn trong nền kinh tế tỉnh nhà.

Đường Quảng Ngãi