Nợ xấu ngân hàng là thành tích?

10/08/2015

Chuyên mục:

Phần lớn các ngân hàng thương mại đều có tỷ lệ nợ xấu thấp, thậm chí rất thấp và đó như là thành tích trong bối cảnh hiện nay...

Cho đến thời điểm này vẫn rất ít ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2015. Nguyên do, có lẽ đây là kỳ báo cáo khá đặc biệt và có nhiều thông tin “không muốn công bố sớm”.

Với thông tin cơ bản, trong nửa đầu năm nay, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục là thành viên thể hiện khả năng tạo được con số tuyệt đối về lợi nhuận lớn, cũng như tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, và chính thức có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống.

Về nợ xấu, so với tiêu chuẩn ngành đang hướng tới, cũng có thể xem là một thành tích khi BIDV kiểm soát ở mức khá thấp, chỉ xấp xỉ 2%. Tuy nhiên, con số tuyệt đối lên tới khoảng 10.000 tỷ đồng.

Trong thông tin chủ động công bố sớm vừa qua, BIDV chưa “chơi đẹp” khi không nêu cụ thể chi phí trích lập dự phòng rủi ro trong kỳ, cũng như mức độ nợ xấu đã bán lại cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Quy mô bán lại nợ xấu cho VAMC là một trong những thông tin đáng chờ nhất trong kỳ báo cáo tài chính quý 2/2015 sắp đến. Do từ tháng 3, cao điểm trong tháng 6, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng nhà băng phải bán lại.

Chính yêu cầu tập trung bán lại đó góp phần tạo tỷ lệ nợ xấu khá thấp tại nhiều ngân hàng thương mại. Dự kiến sẽ có loạt ngân hàng lớn nhỏ tỷ lệ nợ xấu cuối quý 2/2015 sẽ rút về dưới 3%, phổ biến quanh 2% và thậm chí chỉ nhỉnh hơn 1%.

Những tỷ lệ thấp đó là thành tích thực sự với riêng họ, khi phần lớn lợi nhuận nửa đầu năm nay hạn chế. Thành tích tránh được những giới hạn trong kinh doanh. Bởi không giảm thấp được tỷ lệ nợ xấu, không bán nợ đúng tiến độ cho VAMC, đặc biệt với những trường hợp trên 3%, cơ hội kinh doanh và cạnh tranh sẽ bị Ngân hàng Nhà nước kiểm tỏa qua hạn chế mở rộng mạng lưới, nghiệp vụ hoặc sản phẩm kinh doanh mới…(?).

Có một điểm tưởng như nghịch lý: vì sao nợ xấu nhiều ngân hàng đều giảm về mức thấp mà lợi nhuận lại không cải thiện rõ, vì thông thường thấp thì sẽ bớt níu kéo?

Như trên, một tác động rất lớn là phần bán lại cho VAMC. Nợ xấu theo đó giảm được ngay và có thể rất nhanh theo số liệu báo cáo. Liên quan với lợi nhuận là, sau khi bán cho VAMC, các ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng như thế nào, trích luôn 20% hay nán lại cuối năm mới trích?

Từ câu hỏi trên, thận trọng với số liệu lợi nhuận các ngân hàng công bố kỳ nửa đầu năm nay cũng không thừa.

Có một điểm dường như mâu thuẫn nữa, nợ xấu nhiều ngân hàng bước đầu báo cáo khá thấp và rất thấp trong nửa năm đầu tiên thực hiện mở rộng vùng nhận diện nợ xấu theo Thông tư 02 và Thông tư 09. Lẽ ra trước tác động của hai thông tư này thì sẽ tăng rất cao. Để lý giải, quy mô bán lại cho VAMC, quy mô tự xử lý và mức độ thu hồi được cần có số liệu công bố cụ thể.

Song, tác động tiêu cực từ mở rộng vùng nhận diện nợ xấu đối với lợi nhuận là rõ ràng. Chi phí dự phòng rủi ro tăng cao, trực tiếp cắt vào lợi nhuận.

Ngoài ra, nửa đầu năm nay cũng chứng kiến sự “bùng nổ” trở lại của hoạt động mở rộng mạng lưới của các ngân hàng thương mại, qua nhiều đợt cấp phép mở mới chi nhánh và phòng giao dịch. Chi phí đội lên và lợi nhuận chưa bắt nhịp cùng (thông thường mỗi chi nhánh, phòng giao dịch sẽ bắt đầu có lãi sau 6 - 8 tháng nếu thuận lợi).

Trong khi đó, cơ hội sinh lời của hầu hết các ngân hàng hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao nửa đầu năm nay là sự bù đắp đáng kể cho chênh lệch lãi suất cho vay - huy động co hẹp trong những năm gần đây. Chính tín dụng mở rộng khá mạnh cũng giúp co hẹp tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp, xét tổng thể cũng như tại nhiều thành viên.

Lãi tín dụng giãn theo từng kỳ thu, trong khi yêu cầu trích lập dự phòng chung 0,75% phải tính ngay. Điều này cũng ảnh hưởng nhất định đến lợi nhuận, trong bối cảnh quy mô tổng dư nợ gia tăng khá mạnh.

Bên cạnh tín dụng, nửa đầu năm nay hoạt động ngân hàng nói chung có thể đạt kết quả tốt hơn từ các đợt sóng trên thị trường chứng khoán.

Cùng đó, thị trường ngoại hối nửa đầu năm cũng khá nhiều con sóng gắn với biến động tỷ giá USD/VND, tạo cơ hội cho một số thành viên có thế mạnh ở nghiệp vụ này.

Với những điểm cụ thể về nợ xấu, mối liên hệ với VAMC, chi phí trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận chung và kết quả các hoạt động đầu tư ngoài tín dụng như trên…, báo cáo tài chính nửa đầu năm 2015 của các ngân hàng trở nên rất đáng chú ý. Nó cũng sẽ giúp nhìn nhận cụ thể hơn nợ xấu thấp của nhiều nhà băng có thực sự là một thành tích hay không.

Dự kiến bắt đầu từ cuối tuần này các báo cáo sẽ đồng loạt được công bố.

Theo Hồng Nhung (Vneconomy)