Top 10 công ty du lịch, lữ hành uy tín năm 2018

04/01/2019

Chuyên mục:

Ngày 04/01/2019, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet đã công bố Top 10 Công ty Du lịch, lữ hành uy tín năm 2018.

Top 10 Công ty Du lịch, lữ hành uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng vốn); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát khách du lịch và chuyên gia trong ngành; Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 12/2018 về quy mô vốn, thị trường, lao động, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2019…

Lễ công bố chính thức Top 10 Công ty Du lịch, lữ hành uy tín năm 2018 dự kiến tổ chức vào ngày 16/01/2019 tại Khách sạn Rex, TP. Hồ Chí Minh.

Danh sách Top 10 Công ty du lịch, lữ hành Việt Nam uy tín năm 2018

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty du lịch, lữ hành Việt Nam uy tín năm 2018

Ngành du lịch lữ hành Việt Nam: Nhìn lại năm cũ và dự báo tương lai

Trong những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam đều có sự tăng trưởng ổn định, bình quân tăng trên 15% cả về số lượng khách du lịch nội địa và khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2018 tiếp tục được đánh giá là một năm thành công của du lịch Việt Nam khi đón nhận khoảng 15,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng. Về tốc độ tăng trưởng khách quốc tế, Việt Nam hiện đang ở mức rất cao (21%), trong khi Thái Lan, Singapore, Malaysia đều có dấu hiệu chững lại. Đây là cơ hội tốt cho du lịch Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các quốc gia mạnh về du lịch trong khu vực.

Hình 1: Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa tại Việt Nam (đơn vị: nghìn lượt khách)

Nguồn: Tổng cục Du lịch

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, Việt Nam hiện đứng hạng 67/136 nền kinh tế về năng lực cạnh tranh du lịch, xếp thứ 5 trong khối ASEAN. Trong số 14 chỉ số trụ cột, Tài nguyên tự nhiên (hạng 34) và Tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 30) của Việt Nam được đánh giá là tích cực nhất.

Các chuyên gia nhận định, ngành du lịch, lữ hành Việt Nam năm 2019 hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng khi Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới. Việc quảng bá hình ảnh quốc gia qua các hoạt động như xúc tiến du lịch, hội chợ ITB, WTM…, hay qua phim ảnh, cuộc thi hoa hậu, thể thao… được thực hiện rất tốt. Với xu thế phát triển mạnh mẽ về kinh tế cũng như thu nhập như hiện nay, du lịch Việt Nam có triển vọng phát triển hơn nữa, hướng tới hoàn thành trước hạn mục tiêu đến năm 2020 "thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp" (Nghị quyết Ttung ương 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn).

Ba thách thức lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam

Theo nhận định của các doanh nghiệp và nghiên cứu của Vietnam Report, hiện ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn nhất bao gồm: (1) Khai thác tài nguyên du lịch chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; (2) Chưa huy động được nguồn lực hỗ trợ phát triển du lịch; (3) Cơ sở hạ tầng còn thiếu, giao thông chưa thuận tiện.

Hình 2: Những hạn chế, khó khăn lớn nhất của ngành du lịch, lữ hành tại Việt Nam

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp du lịch lữ hành, tháng 12/2018

Thứ nhất, mặc dù được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch nhưng khả năng khai thác chưa tưng xứng với tiềm năng sẵn có. Khách du lịch quốc tế vẫn chủ yếu tập trung ở các địa điểm du lịch đã có thương hiệu (Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…), trong khi nhiều di sản mới (Cô Tô, Lý Sơn…) lại chưa thu hút đông du khách, thời gian lưu trú (nếu có) ngắn, chi tiêu của khách chưa cao.

Thứ hai, để phát triển ngành du lịch cần có sự định hướng chính sách phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ có liên quan như vận tải hành khách, y tế, viễn thông…, nhưng hiện nay chế tài cũng như thực trạng liên kết ngành còn nhiều bất cập, do đó khó giữ chân du khách trong các lần sau.

Thứ ba, cùng với sự gia tăng thu nhập, lượng khách du lịch trung và thượng lưu ngày càng nhiều, đòi hỏi hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật ngành cần phải cải thiện tương ứng cả về lượng và chất, tuy nhiên thực tế số lượng khách sạn cao cấp, chất lượng dịch vụ phụ trợ, an ninh, môi trường… vẫn chưa đáp ứng được, gây ảnh hưởng đến cảm nhận của khách du lịch.

Xu hướng du lịch tự túc, sự phát triển của công nghệ và vấn đề cấp thiết xây dựng hình ảnh truyền thông của doanh nghiệp du lịch lữ hành

Một nghiên cứu mới đây của Cục Thống kê và Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã chỉ ra xu hướng du lịch tự do, tự tổ chức tour theo cách riêng của khách du lịch đang ngày càng gia tăng. Khảo sát các công ty du lịch lữ hành cho thấy, số khách hàng mua tour trọn gói vẫn nhiều, nhưng số lượng khách mua dịch vụ lẻ (tour tham quan tại điểm đến) đang có chiều hướng gia tăng. Xu hướng này vô hình chung làm giảm tương đối doanh thu của các công ty du lịch.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ thường xuyên sử dụng internet để tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ du lịch. Hơn 85% khách du lịch tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết, họ tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam đầu tiên trên internet/ báo điện tử, trước khi tham khảo người quen và bạn bè. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp du lịch lữ hành nếu không tận dụng được kênh truyền thông này một cách hiệu quả sẽ rất dễ bỏ lỡ những khách hàng tiềm năng của mình.

Hình 3: Các kênh tìm kiếm thông tin về du lịch tại Việt Nam

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách du lịch tại Việt Nam, tháng 12/2018

Kết quả phân tích dữ liệu truyền thông của Vietnam Report chỉ ra rằng, số lượng bài báo về doanh nghiệp rất ít, sự xuất hiện của các đại diện doanh nghiệp không nhiều (so sánh với các ngành dịch vụ khác như vận tải, thực phẩm - đồ uống, bán lẻ…). Xét về sự đa dạng nhóm chủ đề bao phủ, đa số thông tin của doanh nghiệp tập trung vào các chủ đề Hình ảnh/ PR và Giá cả.

Hình 4: Các nhóm chủ đề bao phủ nhiều nhất trên truyền thông ngành du lịch lữ hành Việt Nam

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành du lịch lữ hành Việt Nam từ tháng 11/2017 đến tháng 11/2018

Có thể thấy, các doanh nghiệp đang chưa nhận thức đầy đủ vai trò của internet/ báo điện tử trong quảng bá thương hiệu du lịch, do đó chưa có sự đầu tư đúng mức. Đây là một vấn đề "đi ngược thời đại" của các doanh nghiệp du lịch lữ hành nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung.

Khuyến nghị giải pháp tăng trưởng ngành du lịch Việt Nam

Các chuyên gia trong ngành đã đưa ra nhóm năm giải pháp khuyến nghị để phát triển ngành du lịch lữ hành Việt Nam, bao gồm:

  • Hoàn thiện các quy định về quản lý du lịch, ngăn ngừa và loại bỏ tình trạng tổ chức tour du lịch bất hợp pháp
  • Quy hoạch du lịch đồng bộ, đầu tư cơ sở hạ tầng (sân bay, đường cao tốc…), cơ sở vật chất - kỹ thuật phù hợp với tiềm năng khai thác du lịch tại các địa phương
  • Có chính sách miễn thị thực dài hạn cho các thị trường trọng điểm (Việt Nam hiện là nước hạn chế miễn thị thực nhất so với các nước trong khu vực)
  • Phát triển du lịch xanh, giáo dục cộng đồng về du lịch bền vững, nâng cao ý thức ứng xử với du khách, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
  • Tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ và an ninh du lịch, loại bỏ tình trạng ép giá, trộm cắp, cò mồi… tại các điểm tham quan, du lịch.

Ngành du lịch lữ hành Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên những yếu điểm còn tồn tại là không ít. Do đó, để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn ngành một cách hiệu quả rất cần sự chung sức của tất cả các doanh nghiệp. Sự lớn mạnh của từng doanh nghiệp sẽ đóng góp tạo đà tăng trưởng cho toàn ngành, đồng thời sự phát triển uy tín doanh nghiệp sẽ là cơ sở để đưa thương hiệu du lịch Việt Nam đi xa hơn, không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty du lịch, lữ hành Việt Nam uy tín năm 2018 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông đã được Vietnam Report và các đối tác ứng dụng từ năm 2012, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ, Ngân hàng, Bảo Hiểm, Chứng khoán, Dược, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Vận tải và Logistics...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp du lịch, lữ hành được đăng tải trên 6 kênh truyền thông có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 11/2017 đến tháng 11/2018. Tổng số có 363 bài báo, với tương ứng 608 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường ... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Theo Vietnam Report

Nguồn VietNamNet

Vietnam Report