Việt Nam vẫn chưa trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao từng đạt được trong giai đoạn 19

18/10/2018

Chuyên mục:

Tốc độc tăng GDP đạt 6,88% trong quý III và 6,08% trong 9 tháng đầu năm 2018, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước đó. Áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong quý IV giảm đáng kể. Dù vậy, Việt Nam vẫn chưa trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao từng đạt được trong giai đoạn 1990-2006.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục khơi dòng và củng cố niềm tin đầu tư” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 17/10, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – cho biết: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì đà phục hồi, tăng 3,46% so với cùng kỳ nhờ một số yếu tố như giá bán sản phẩm ổn định, thị trường xuất khẩu mở rộng, hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu ngành, và việc triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy nông nghiệp sáng tạo và đổi mới.

Khu vực công nghiệp – xây dựng lấy lại đà tăng trưởng vững chắc hơn, đạt 8,61%. Tốc độ tăng GDP chung có thể cao hơn nếu đóng góp của phân ngành khai khoáng tương đương với mức trung bình của giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt 6,87%, giải so với cùng kỳ năm 2016-2017.

Quý III chứng kiến những diễn biến phức tạp hơn của chỉ số giá tiêu dùng, giảm 0,07% trong tháng 7, sau đó, tăng lần lượt 0,45% và 0,49% trong các tháng 8 và 9. Lãi suất huy động VNĐ tăng tại một số thời điểm trong quý III, chủ yếu với kỳ hạn dài. Dư nợ tín dụng tăng chậm hơn. Tổng phương tiện thanh toán ước tăng 8,74% so với cùng kỳ năm 2017. Xu hướng gia tăng đầu tư tiếp diễn trong quý. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017 và 21,6% so với quý II.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 65,3 tỷ USD trong quý III, tăng 14,1%. Xuất khẩu của khu vực FDI đạt 126,6 tỷ USD, tăng 15,8%. Nhập khẩu hàng hóa đạt 62,3 tỷ USD, tăng 16,1%. Khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 69,3 tỷ USD, tăng 11,8%; khu vực FDI nhập khẩu 103,8 tỷ USD, tăng 11,5%. Việt Nam đang thặng dư thương mại gần 3 tỷ USD trong quý III và hơn 6,3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2018.

Tổng thu ngân sách nhà nước trong quý III đạt 310,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 22% GDP. Tính chung, 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 962,5 nghìn tỷ đồng, đạt 73% dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước đạt 340 nghìn tỷ đồng trong quý III, tương đương 24% GDP. Lũy kế đến hết tháng 9, tổng chi ngân sách nhà nước đạt 989,3 nghìn tỷ đồng, đạt 64,9% dự toán.

Hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ tiếp tục duy trì sự linh hoạt. Quý III cũng chứng kiến một số động thái tích cực từ chính sách tài khóa: Tinh thần sửa đổi Luật quản lý thuế đã tiếp thu một số góp ý theo hướng phục vụ người nộp thuế nhiều hơn; phát hành trái phiếu cũng không có biến động lớn, qua đó hạn chế tác động chèn lấn đối với đầu tư tư nhân và mặt bằng lãi suất; điều hành chính sách tài khóa không “vội vàng” theo hướng nới lỏng, mà hướng hơn đến phối hợp với chính sách tiền tệ để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời duy trì dư địa để ứng phó nếu có thêm diễn biến bất lợi sau này.

Ông Nguyễn Đình Cung nhận định, hoạt động thương mại của Việt Nam phải đối mặt với cả thách thức và cơ hội đan xen, bao gồm, các biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc, một số nhà đầu tư từ Mỹ và Trung Quốc có thể cũng cân nhắc chuyển dịch đầu tư tới Việt Nam như một lựa chọn để tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, giảm thiểu được thiệt hại cho căng thẳng thương mại. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể vấp phải những hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu ở các thị trường Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam có thể phải chịu nhiều sức ép hơn do sự “đổ bộ” của hàng hóa Trung Quốc. Tác động có thể phức tạp hơn ở thị trường tài chính.

Diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý IV/2018 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố. Theo đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung còn diễn biến khó lường, do còn phụ thuộc vào khả năng đàm phán thương mại giữ Mỹ và Trung, cung như độ nhất quán chính sách thương mại của Mỹ sau bầu cử giữa kỳ. Cạnh đó, thị trường tài chính thế giới nói chung và các thị trường mới nổi trở nên dễ bị tổn thương hơn trước xu hướng gia tăng bảo hộ và biến động của dòng vốn đầu tư. Thứ ba, các nền kinh tế chủ chốt chưa công khai can thiệp trực tiếp vào chính sách tỷ giá. Tiến triển trong quá trình đàm phán/phê chuẩn một số hiệp định thương mại tự do mới (RCEP,CPTPP,EVFTA) có thể củng cố niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Với những cân nhắc ấy, cam kết ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế là cần thiết, song chưa đủ. Việt Nam cần nhiều hơn khả năng giám sát lưu chuyển vốn và hàng hóa từ các thị trường vào Việt Nam và cách tiếp cận linh hoạt, thực dụng trong quan hệ kinh tế với các đối tác chủ chốt. Ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động. Song song với các biện pháp kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả, tiền lương, chính sách FDI cũng cần tính đến.

Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 13,34%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 5,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,97%.

Lê Hậu

Tổng hợp

Vietnam Report