Xu hướng mới của ngân hàng:Hy sinh tăng trưởng cao trong ngắn hạn cho mục tiêu dài hạn

11/06/2019

Chuyên mục:

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn trong quản trị rủi ro của Basel 2 chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng, do phải dành nhiều nguồn vốn hơn để dự phòng cho các loại rủi ro, khiến chi phí hoạt động của ngân hàng tăng lên.

Chạy đua xin áp dụng Basel 2

Hàng loạt ngân hàng dường như đang chạy đua với thời gian để được áp dụng Basel 2 theo quy định tại Thông tư số 41/2016-NHNN. Theo đó, các ngân hàng sẽ tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR - Capital Adequacy Ratio) theo các tiêu chuẩn quốc tế thay vì như quy định tại Thông tư số 36/2014-NHNN. Tính tới thời điểm hiện nay, đã có các ngân hàng như Vietcombank, VIB, OCB, TPBank, VPBank, MB và ACB được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho phép tính CAR theo quy định mới.

Tại sao các ngân hàng lại đang phải chạy đua để xin được áp dụng Basel 2 sau một thời gian dài hờ hững suốt từ năm 2016 đến nay, trong khi Thông tư số 41 phải đến đầu năm 2020 mới có hiệu lực thi hành? Câu trả lời là nhằm có được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao cho năm 2019. Bởi lẽ, NHNN đang định hướng điều hành để tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống chỉ ở mức 14% cho cả năm 2019. Trong đó, cơ quan này sẽ ưu tiên phân bổ chỉ tiêu cao hơn cho các ngân hàng đã đáp ứng được các quy định về tính hệ số an toàn vốn mới. Hệ quả là các ngân hàng đang tranh nhau để có được miếng bánh tín dụng to hơn từ NHNN. Chính vì vậy mà có lẽ trong thời gian tới sẽ còn nhiều ngân hàng khác đăng ký tham gia.

Chi phí vốn của các ngân hàng sẽ tăng lên

Basel 2 sẽ đòi hỏi các ngân hàng phải có nhiều vốn tự có hơn để dự phòng rủi ro cho các tài sản. Một điểm khác biệt rất lớn giữa Basel 2 và quy định hiện hành của Việt Nam là việc yêu cầu các ngân hàng phải dự phòng bổ sung cho rủi ro hoạt động (operational risk) và rủi ro thị trường (market risk) thay vì chỉ yêu cầu dự phòng rủi ro cho các khoản tín dụng như trước (credit risk).

Rủi ro hoạt động là rủi ro do các quy trình nội bộ quy định không đầy đủ hoặc do yếu tố con người dẫn đến tổn thất về tài chính. Như vậy, các ngân hàng có quy mô hoạt động càng lớn thì sẽ càng phải trích lập dự phòng rủi ro hoạt động càng nhiều.

Rủi ro thị trường là rủi ro biến động bất lợi của lãi suất, tỷ giá, giá chứng khoán và giá cả hàng hóa trên thị trường. Đây là rủi ro sẽ tác động trực tiếp đến các ngân hàng tập trung phát triển các nghiệp vụ phái sinh. Bên cạnh đó, Basel 2 còn yêu cầu phải tăng hệ số rủi ro cho hàng loạt tài sản có sinh lời cao (earning assets) như cho vay kinh doanh bất động sản, cho vay đầu tư chứng khoán hay cho vay tiêu dùng...

Do vậy, mặc dù hệ số an toàn vốn tối thiểu theo Basel 2 chỉ còn 8% thay vì 9% như quy định tại Thông tư 36/2014, nhưng các ngân hàng sẽ phải có nhiều nguồn vốn tự có hơn. Bối cảnh hiện nay cho thấy việc tăng vốn tự có thông qua việc phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn. Do đó, để có thể duy trì được hệ số CAR theo quy định thì có lẽ các ngân hàng sẽ buộc phải hạn chế tăng trưởng quy mô của tài sản và/hoặc giải ngân nguồn vốn vào các tài sản an toàn hơn.

Giảm lợi nhuận thay vì tăng lãi suất cho vay?

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn trong quản trị rủi ro của Basel 2 chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, việc phải dành nhiều nguồn vốn hơn để dự phòng cho các loại rủi ro sẽ khiến chi phí hoạt động của ngân hàng tăng lên. Chi phí hoạt động ở đây được nhấn mạnh đến và hiểu chủ yếu là chi phí về nguồn vốn. Chi phí nguồn vốn tăng không phải là do các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động mà các ngân hàng sẽ phải dành nhiều nguồn vốn hơn để phân bổ vào các tài sản có rủi ro thấp hơn như trái phiếu chính phủ hay các khoản cho vay được đảm bảo bằng các loại tài sản an toàn.

Theo nguyên tắc hoạt động thông thường thì khi chi phí tăng các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay nhằm duy trì được hiệu quả kỳ vọng của các cổ đông. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mục tiêu kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2019 thì dường như đã có sự thay đổi trong chiến lược hoạt động của nhiều ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng đã chấp nhận hy sinh lợi nhuận thay vì chọn giải pháp là tăng lãi suất cho vay. Phần lớn các ngân hàng chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng từ 10-15% so với năm 2018. Đây là con số thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân từ 20-25% của năm 2018 so với năm 2017. Có lẽ đây là sự lựa chọn mang tầm chiến lược của các ngân hàng trong bối cảnh mà mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng.

Các ngân hàng đang vừa phải cạnh tranh trực tiếp với nhau vừa phải cạnh tranh với các định chế tài chính khác đến từ thị trường vốn. Nguyên nhân là do Việt Nam đang ngày càng chủ động mở cửa thị trường tài chính, khiến cho dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có xu hướng đổ mạnh vào các doanh nghiệp của Việt Nam.

Động thái của các ngân hàng vừa qua được xem là hy sinh tăng trưởng cao trong ngắn hạn để có tăng trưởng ổn định trong dài hạn. Theo đó, các ngân hàng sẽ sẵn sàng duy trì hoặc thậm chí là giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp lành mạnh để có thể giữ chân được khách hàng, đồng thời sẽ chủ động mở rộng cơ sở khai thác các nguồn thu từ phí dịch vụ thông qua hệ sinh thái của khách hàng.

Ngọc Khanh

Theo Saigon Times

Vietnam Report