“Ngấm đòn” COVID-19, doanh nghiệp Việt "thắt lưng buộc bụng" tránh phá sản

11/09/2020

Chuyên mục:

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ phá sản, trong đó có cả các “ông lớn” bị “ngấm đòn”, hầu hết đều phải cắt giảm tối đa chi phí.

60% doanh nghiệp bị giảm doanh thu

Trong khuôn khổ điều tra những doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2020 (Profit500), Vietnam Report cho biết, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam, ngay cả những “ông lớn” trên thị trường cũng bị “ngấm đòn” từ tác động của đại dịch.

Kết quả kinh doanh và các chỉ tiêu tài chính của phần lớn doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực do COVID-19. Ảnh: Internet

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, có tới 60% doanh nghiệp cho biết doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ 2019, gần 15% trong số đó có doanh thu bị sụt giảm mạnh.

Tương tự, tình hình lợi nhuận cũng không mấy khả quan khi có tới 54% doanh nghiệp cho biết lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ 2019, đặc biệt trong số này có đến 31% doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh về lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nghiêm trọng.

Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 phù hợp và sát với thực tế hơn. Điều này được thể hiện rõ nét khi 77,1% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết đã hoàn thành trên 50% kế hoạch doanh thu năm 2020, trong đó 36,1% doanh nghiệp đã hoàn thành trên 80% kế hoạch cả năm.

Về mức độ hoàn thành lợi nhuận năm 2020, 68,9% doanh nghiệp cho biết đã hoàn thành trên 50% kế hoạch, 31,1% trong số đó đã hoàn thành trên 80% kế hoạch của cả năm 2020.

Theo đơn vị khảo sát, giãn cách xã hội kịp thời đã giúp ngăn chặn và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan của COVID-19 nhưng đánh đổi lại, không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng lao đao khi thị trường bị thu hẹp, đa phần hoạt động kinh doanh bị cản trở do các biện pháp cách ly phòng dịch và khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng mới.

Không chỉ riêng Việt Nam, "lệnh" đóng cửa biên giới và tạm dừng xuất nhập cảnh của nhiều quốc gia trên thế giới đã gây ra những khó khăn rất lớn, như: đứt gãy nguồn cung, lộ trình nhập dây chuyền thiết bị, vật tư sản xuất của doanh nghiệp cũng như cơ hội tiếp cận với các chuyên gia nước ngoài đều không thể thực hiện.

Cắt giảm chi phí, ứng phó với nguy cơ phá sản

Phần lớn doanh nghiệp đã khẩn trương đưa ra nhiều biện pháp để ứng phó lại các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 vì nguy cơ phá sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Có 86,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết họ đang nỗ lực duy trì khách hàng trung thành, song song với đó, 66,7% doanh nghiệp đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro và quản lý tài chính.

 

P3_1

Phần lớn doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu để ứng phó dịch bệnh. Ảnh: Vietnam Report

Bên cạnh đó, 65% doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm cắt giảm chi phí; 53,3% doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ mới; 50,1% doanh nghiệp thay đổi kế hoạch bán hàng, đổi mới cách thức marketing.

Trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp và khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng mới, đa phần doanh nghiệp phải lựa chọn cho mình hướng đi an toàn và khả thi hơn.

Thay vì tìm kiếm nhóm khách hàng tiềm năng hay mở rộng thị trường, 86,7% doanh nghiệp đã tìm cách giữ chân lượng khách hàng trung thành vốn có, đây được coi là quyết định đúng đắn và khôn ngoan, giúp doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Mặt khác, những rủi ro khó lường có thể ập tới bất cứ lúc nào mà khả năng lây lan với tốc độ chóng mặt và tạo ra những biến chủng nguy hiểm của virus corona là ví dụ điển hình. Do vậy, có tới 66,7% doanh nghiệp phản hồi rằng họ đã ra quyết định đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro và quản lý tài chính.

Nói một cách khách quan, không chỉ riêng các doanh nghiệp lớn hay ngành đặc thù như ngân hàng mới cần hệ thống quản trị rủi ro mà theo Vietnam Report, mỗi doanh nghiệp dù quy mô lớn - nhỏ ra sao cũng đều nên thiết lập cho mình một quy trình quản trị rủi ro hiệu quả nhằm đạt được những mục tiêu đề ra cũng như có các phương án ứng phó khi cần thiết.

Về các phương án như cắt giảm chi phí nhân sự, chi phí quản lý, chi phí sản xuất, chi phí marketing... theo nhóm khảo sát, đây không phải là mới nhưng đến khi phải gánh chịu những tác động rất nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra thì một số doanh nghiệp mới quan tâm đến vấn đề này.

Bảng xếp hạng PROFIT500 năm nay ghi nhận một số ngành tiếp tục có số lượng doanh nghiệp nhiều hơn so với mặt bằng chung của toàn bảng là xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (23,9%); tài chính (11,6%); thực phẩm đồ uống (10,9%%) và điện (6,3%).

Xem xét các chỉ số đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong bảng xếp hàng năm nay, Vietnam Report cho hay, các doanh nghiệp trong nước có khả năng sinh lời (ROA, ROE) thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên khoảng cách này đã được thu hẹp đáng kể so với hồi năm ngoái.

Các doanh nghiệp FDI trong bảng xếp hạng năm nay có hiệu quả sử dụng tài sản đạt khoảng 12,5% so với mức 11,7% và 9,8% tương ứng của khối nhà nước và ngoài nhà nước. Hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp FDI cũng nhỉnh hơn, với ROE của khối này là 25,2% so với mức 23,6% của khối doanh nghiệp Nhà nước và 20,8% của khối doanh nghiệp tư nhân.

Mai Chi

Theo Dân trí