Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng dự trữ dầu toàn cầu sẽ chỉ tăng 200.000 thùng mỗi ngày trong nửa cuối năm 2016, do giá dầu thấp làm giảm sản lượng dầu bên ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Trong báo cáo cập nhật thị trường hằng tháng công bố hôm nay (12/5), IEA nhận xét sau khi được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Iran đang tăng sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ với tốc độ "nhanh hơn dự báo". Hiện quốc gia này đã nâng sản lượng lên bằng tháng 11/2011.
Tháng trước, Iran sản xuất 3,56 triệu thùng mỗi ngày, tăng 300.000 thùng so với tháng 3. Xuất khẩu cũng chạm 2 triệu thùng mỗi ngày, tăng mạnh so với 1,4 triệu thùng trước đó.
Báo cáo của IEA có đoạn: “Không có nghi ngờ nào đối với hướng đi cân bằng cung-cầu của dầu. Có những dấu hiệu cho thấy đà sụt giảm sản lượng của dầu đá phiến ở Mỹ đang tăng tốc”.
Hãng tin Bloomberg đưa tin báo cáo của IEA dự báo trong sáu tháng cuối của năm 2016, dư thừa dầu toàn cầu sẽ xuống chỉ còn mức 200.000 thùng/ngày so với mức dư thừa dầu 1,5 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2016. IEA nhận định sản lượng dầu bên ngoài OPEC sẽ giảm ở mức mạnh nhất kể từ năm 1992 khi cơn bùng nổ dầu đá phiến Mỹ tan biến.
Dù vậy, IEA cho rằng thị trường dầu toàn cầu đang tiến tới điểm cân bằng trong nửa cuối năm, do giá thấp sẽ khiến các quốc gia ngoài OPEC giảm hoạt động. Sản xuất tại các nước này sẽ giảm thêm 800.000 thùng một ngày năm nay.
Dự trữ dầu toàn cầu sẽ chỉ tăng 200.000 thùng một ngày trong nửa cuối năm, từ 1,3 triệu thùng nửa đầu năm. IEA cũng tự tin rằng tiêu thụ xăng dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 1,2 triệu thùng mỗi ngày năm nay. Tuy nhiên, IEA cho rằng, thỏa thuận đóng băng sản lượng, dự kiến được ký kết ở Doha (Qatar) vào cuối tuần này, sẽ có tác động rất ít đến tình hình cung cầu thị trường dầu. Lý do là sản lượng khai thác dầu của Nga và Ả rập Saudi, hai nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, đang ở sát các mức kỷ lục. Trong tháng 3, sản lượng dầu của Nga đã lên mức 10,91 triệu thùng/ngày, cao nhất trong 30 năm qua.
Về phương diện cầu, IEA nhận định tiêu thụ dầu sẽ tăng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2016, trong đó, Ấn Độ sắp sửa vượt qua Trung Quốc để trở thành “động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu”.
Mai Anh
Tổng hợp
Vietnam Report