“Điểm thoát tốt nhất cho các doanh nghiệp năm 2012 là đánh giá khách quan tình hình, tìm ra thế mạnh thế yếu, tiềm năng đặc biệt là thế yếu để tìm cách khắc phục, từ đó căn cứ vào những diễn biến thị trường để có chiến lược kinh doanh, sản xuất dịch vụ mới”- Ông Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận định.
Ngày 21/02, công ty Cổ phần báo cáo đánh giá VietNam Report phối hợp với báo điện tử VietNamNet công bố bảng xếp hạng Top500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất định kì hàng năm. Đây là năm thứ hai lien tiếp bảng xếp hạng được công bố. VietNamNet ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia kinh tế về kết quả của bảng xếp hạng này.
500 DN tăng nhanh nhất 2011: Khối tư nhân đột phá
TS Nguyễn Minh Phong: Bảng xếp hạng Top500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất là cần thiết với xã hội
Việc xếp hạng các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất là cần thiết. Nên tổ chức định kì và quảng bá rộng rãi đến công chúng cũng như cộng đồng doanh nghiệp biết những tín hiệu của nền kinh tế bởi doanh nghiệp rất cần những thông tin như vậy.
Điều đó còn tạo động lực cho các doanh nghiệp nỗ lực tranh đua để vào được bảng xếp hạng. Có một kết quả thấy rõ trong bảng xếp hạng năm nay là những doanh nghiệp ít xuất hiện trên truyền thông lâu nay lại có hứa hẹn thăng tiến như tập đoàn Thái Hòa, công ty Massan, Ngọn lửa thần…. là tín hiệu tích cực.
Điểm khác trong bảng xếp hạng năm qua đáng chú ý là tổng số lao động của các doanh nghiệp tăng, có thể cuối năm còn thay đổi nhưng như vậy đã là tín hiệu tốt. Năm nay sẽ có một số doanh nghiệp tuyển thêm lao động do được phục hồi cao hơn, mặc dù khó khăn thời điểm đầu năm nhưng đến giữa và cuối năm sẽ khá hơn nên tin rằng các doanh nghiệp năm nay sẽ có sự phục hồi.
Một số doanh nghiệp mới lọt vào bảng xếp hạng và một số doanh nghiệp cũ không vào cũng là điều dễ hiểu vì chẳng hạn có những doanh nghiệp cũ nằm trong phân khúc thị trường đang đi xuống, còn những doanh nghiệp mới lại nằm trong phân khúc thị trường đang lên thì lại được vào.
Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp phản ánh đúng như kết quả bảng xếp hạng cho thấy các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất và xây dựng, nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong bảng xếp hạng FAST 500 với khoảng 29% cho thấy hai điểm: Thứ nhất là cố gắng nỗ lực của các doanh nghiệp để được lọt vào top500 lần này, thứ hai là khâu chế biến sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn phải cố gắng tiếp tục phấn đấu hơn nữa để tận dụng hết thế mạnh là một nước nông nghiệp.
Điểm thoát tốt nhất cho doanh nghiệp 2012: đổi mới chiến luợc kinh doanh, sản xuất dịch vụ mới
Ông Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận định về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp qua kết quả bảng xếp hạng Fast500 năm 2011 cho rằng trong hệ thống doanh nghiệp có những doanh nghiệp khó khăn, bế tắc nhưng cũng có những doanh nghiệp phát triển được bởi trong tình hình khó khăn họ chớp được thời cơ, tranh thủ đuợc những thuận lợi để vượt lên, chuyển hướng chiến luợc kinh doanh kịp thời kể cả về chính sách lẫn diễn biến thị trường.
Đó là sự phát triển bình thường của những doanh nghiệp đã có những yếu tố vững bền ngay từ đầu và trong quá trình làm ăn họ quản lí chặt chẽ sẽ vượt lên và thoát ra khỏi tình hình khó khăn. Đây là biểu hiện tốt bởi kinh tế thị trường vào thì những đơn vị làm ăn tốt, có khả năng quản lí tốt thì vẫn vượt lên đuợc.
Còn đối với những doanh nghiệp do khách quan chủ quan, đặc biệt là chủ quan thì vẫn còn tiếp diễn khó khăn và có thể sẽ đi xuống. Khi qua đợt sóng gió này những đơn vị nào tồn tại trong trạng thái tốt xấu sẽ biểu hiện rất rõ.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ động viên doanh nghiệp khi phải chuẩn bị đối đầu với việc tái cấu trúc trong năm 2012 sẽ có biểu hiện về sự sàng lọc rất chính xác của thị trường. Tất các các doanh nghiệp muốn vượt qua khó khăn, muốn tiến lên phải đánh giá khách quan tình hình, tìm ra thế mạnh thế yếu, tiềm năng đặc biệt là thế yếu để tìm cách khắc phục để từ đó căn cứ vào những diễn biến thị trường để có chiến lược kinh doanh, sản xuất dịch vụ mới. Đó là điểm thoát tốt nhất, nhanh nhất của tất cả các doanh nghiệp và doanh nghiệp nào cũng làm đuợc.
Tất nhiên tình hình là khó khăn chung nhưng từ khó khăn đó chính sách của nhà nước kết hợp với những diễn biến thị trường sẽ mở ra và nếu doanh nghiệp nhìn ra điểm tốt ngay và tận dụng, khai thác thì dứt khoát sẽ vượt lên được.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp bởi chính vì khó khăn mà các doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc. Trong quá trình tái cấu trúc sẽ gặp không ít thách thức bởi tái cấu trúc gắn liền với định hướng tái cấu trúc nên nếu đi sai sẽ nguy hiểm. Khó khăn thứ hai là phải đổi mới khi tái cấu trúc. Thứ ba là yếu tố lực lượng lao động, việc lao động bị đào thải và lao động mới nhận vào sẽ là cản trở trong tái cấu trúc vì phải đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tái cấu trúc còn gắn liền với những rủi ro khác phải tính toán đên như vốn, vay nợ mới nếu không sẽ bị đầu tư lãng phí nên doanh nghiệp cần thận trọng. Thực hiện từng bước, nếu làm luôn ngay thì sẽ khó.
Cuối cùng ông Phong cho rằng trong trường hợp cần thiết phải tính đến việc liên kết với nhau để tạo tiếng nói chung trong cộng đồng doanh nghiệp để phát triển, giải quyết những việc có lợi cho doanh nghiệp.
Buổi Lễ tôn vinh và Diễn đàn FAST500 sẽ diễn ra vào ngày 10/04/2012 tại TP. Hồ Chí Minh, với sự đồng hành của VIETNAMWORKS. Đặc biệt trong buổi Lễ sẽ có sự xuất hiện của các diễn giả quốc tế đến từ Hoa Kỳ trình bày trước các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam về việc quản trị doanh nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp.. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Bảng xếp hạng FAST500 được công bố để nghi nhận một cách khách quan thứ hạng về tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh mà các doanh nghiệp xuất sắc của Việt Nam đã nỗ lực đạt được. Thông tin chi tiết đuợc đăng tải trên website: www.fast500.vn