Tính đến ngày 30/6/2013, số doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh là 24.931 doanh nghiệp.
Báo cáo do ông Chi trình bày cho thấy một số điểm quan trọng về phát triển doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm. Theo số liệu thống kê của ngành thuế, tính đến ngày 30/6/2013, toàn quốc có 40.523 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó có 249 doanh nghiệp nhà nước, 542 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và 39.732 doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Trong khi đó, số doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh là 24.931 doanh nghiệp, trong đó có 202 doanh nghiệp nhà nước, 269 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, 24.460 doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Như vậy, đến thời điểm 30/6/2013, toàn quốc hiện có 457.343 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 39.700 doanh nghiệp, tương ứng tăng 9,5% so với cùng kỳ 2012 và tăng 4,9% so với thời điểm 31/12/2012. Trong số này, số doanh nghiệp nhà nước là 6.852; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là 11.984; doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 438.507.
Đáng chú ý là so với tháng 5/2013, số doanh nghiệp đang hoạt động tăng 5.381 doanh nghiệp, tương ứng tăng 1,2%, cho thấy một tín hiệu tốt.
Liên quan đến việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, ông Chi cho biết đến hết tháng 6/2013, Bộ Tài chính đã “cơ bản triển khai thực hiện xong các giải pháp về tài chính – ngân sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu”.
Cụ thể, về các giải pháp về thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, Bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện việc gia hạn từ 3-6 tháng, giảm một số khoản thu ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ, tiền thuê đất. Việc ban hành các chính sách này được đánh giá là kịp thời, có tác dụng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường.
Về giải quyết hàng tồn kho, Bộ đã hoàn thành sớm việc phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn trái phiếu chính phủ năm 2013.
Về tín dụng nhà nước, Bộ đã phân bổ 10.000 tỷ đồng vốn cho vay cho Chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương cho các địa phương để thực hiện.
“Chúng tôi đang triển khai và phối hợp nghiên cứu, xây dựng cơ chế và phương án giải quyết nợ xấu đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam; xây dựng đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC); xây dựng cơ chế tài chính cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”, ông Chi nói.
VnEconomy