Động lực lớn nhất đã được doanh nghiệp tăng trưởng khẳng định chính là năng lực cốt lõi và khả năng đổi mới của doanh nghiệp. Đây có thể được coi là “bí kíp” để duy trì tăng trưởng bền vững, vượt qua thời kỳ khó khăn và suy thoái và tận dụng cơ hội trong khó khăn.
Với tỷ lệ đầu tư chiếm vào mức trên dưới 40% GDP, năm 2008 Việt Nam đã là nước có tỷ lệ tổng đầu tư /GDP đứng thứ 2 trong số 145 nước được xếp hạng. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra đầu tư nhiều không nhất thiết mang lại sự ổn định và tăng trưởng bền vững. Vấn đề là hiệu quả đầu tư.
Có thể nhận thấy vấn đề này khi xem xét tới các bí quyết tăng trưởng của nhóm FAST500 – 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam. Với cùng một tỷ lệ đầu tư, hiệu quả mang lại có thể là rất khác nhau.
Đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và nâng cao công nghệ là một trong 3 yếu tố quyết định tới thành công và tăng trưởng của doanh nghiệp. Đây là câu trả lời được đa số doanh nghiệp FAST500 (23,12%) trả lời trong cuộc khảo sát nhanh của Vietnam Report.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của CEO của The Store Corporation, doanh nghiệp công nghệ tăng trưởng nhanh nhất Trung Quốc 2011, với Delloitte, một trong những lời khuyên cho các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh về chiến lược tăng trưởng trong thời kỳ kinh tế đầy biến động hiện nay là: tập trung vào năng lực cốt lõi và đừng làm theo số đông một cách mù quáng; luôn cam kết đổi mới và sáng tạo.
Lãnh đạo báo VietNamNet trao chứng nhận cho DN lọt vào bảng xếp hạng FAST500. Ảnh: LAD Theo nghiên cứu về tăng trưởng của McKinsey năm 2007 và 2011 với 100 công ty thuộc 17 lĩnh vực ngành nghề tại Hoa Kỳ, động lực tăng trưởng của doanh nghiệp có thể chia thành 3 yếu tố, trong đó tăng trưởng nhờ các lĩnh vực tăng trưởng nhanh trong danh mục kinh doanh của mình (profile momentum) là một yếu tố hữu cơ và chiếm vai trò quan trọng nhất trong tăng trưởng hàng năm của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên đầu tư thời gian và nguồn lực vào những lĩnh vực mà mình có đủ khả năng, tài sản, và hiểu biết thị trường. Quan trọng nhất là doanh nghiệp nhận ra được lợi thế cạnh tranh của mình và tập trung vào 1 số hạng mục kinh doanh tăng trưởng. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phải thực hành rất tốt (great execution) trong lĩnh vực kinh doanh chính của mình vì nếu không, rất có thể họ sẽ bị đánh bại bởi những đối thủ nhỏ hơn nhưng liên tục đổi mới và có chi phí thấp.
Như vậy, dù được thể hiện dưới khái niệm nào, thì động lực tăng trưởng lớn nhất đã được doanh nghiệp tăng trưởng ở khắp nơi khẳng định là năng lực cốt lõi và khả năng đổi mới của doanh nghiệp. Đây có thể được coi là “bí kíp” để duy trì tăng trưởng bền vững, vượt qua thời kỳ khó khăn và suy thoái và tận dụng cơ hội trong khó khăn.
Nhìn lại các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) được công bố lần đầu tiên năm 2011, ta có thể thấy điều này thể hiện khá rõ.
Doanh nghiệp thuộc loại hình tư nhân (DNTN) không những áp đảo về số lượng và mà còn vượt xa doanh nghiệp có vốn sở hữu nhà nước (DNNN) về cả tốc độ tăng trưởng trong Bảng xếp hạng FAST500 (BXH). Chỉ xét riêng về tiêu chí doanh thu, DNNN có tốc độ tăng trưởng 42% trong giai đoạn 2006-2009. Đây là con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, nếu so sánh với con số 56% của nhóm DNTN, thì thành tích trên có vẻ khá lu mờ. Chỉ xét riêng trong ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, một ngành đứng đầu về tốc độ tăng trưởng, đồng thời cũng là ngành đòi hỏi vốn lớn và là dường như thế mạnh của các DNNN, tốc độ tăng trưởng của 2 nhóm DN này lại càng có sự chênh lệch lớn hơn: 38% và 51%. Chỉ tiêu CAGR (tốc độ tăng trưởng kép) của DNNN đứng đầu ngành chỉ bằng 1/3 của DNTN đứng đầu ngành.
Những con số trên cho thấy nhiều điều và cũng đặt ra nhiều câu hỏi.
Với quy mô lớn hơn, điều kiện ưu tiên nhiều hơn về tiếp cận vốn, công nghệ, thậm chí cả đấu thầu dự án, nhưng tại sao DNNN lại có vẻ tụt hậu hơn so với DNTN? Phải chăng vấn đề nằm ở chính nội tại doanh nghiệp, cách hoạt động, điều hành và chiến lược phát triển?
Khảo sát của Vietnam Report về BXH FAST500 có thể chỉ ra một vài nguyên nhân giải thích cho sự thực trên.
Thứ nhất, phần lớn các DNTN, dù là DN đa ngành nghề, đều định vị doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi và thực hành tốt (great execution) trong lĩnh vực này. Điều này được thể hiện rõ trong định hướng chiến lược và tầm nhìn của mỗi doanh nghiệp, đồng thời thể hiện ở sự đầu tư về chuyên môn và năng lực trong mỗi doanh nghiệp, chủ động tìm kiếm thị trường trong nước và xuất khẩu, nguồn nguyên liệu, và mở rộng hệ thống bán hàng nhằm tăng thị phần và uy tín của doanh nghiệp. Những DNNN làm tốt trong những khâu này cũng là những hạt nhân tăng trưởng tốt nhất trong nhóm này.
Thứ hai, DNTN tỏ ra khá nhạy bén và năng động trong việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh. Các ngành nghề không chỉ bó hẹp trong những lĩnh vực được gọi là “thời thượng” của các DNNN, như bất động sản hay ngân hàng, mà đa dạng theo khả năng đầu tư, nguồn lực và hiểu biết của doanh nghiệp về chính lĩnh vực đó, cùng với nhận định của doanh nghiệp về tiềm năng tăng trưởng của những lĩnh vực đó. Một doanh nghiệp xây dựng có thể đầu tư vào lĩnh vực vận tải hành khách; một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể kinh doanh hàng nông sản và thủ công mỹ nghệ, v.v. Chính sự mở rộng có cơ sở đó là nguyên nhân cốt lõi tạo nên thành công nối tiếp của doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát trên khá tương thích với nghiên cứu của McKinsey, trong đó các DNTN trong BXH FAST500 đã tận dụng tốt 2 động lực hữu cơ của tăng trưởng, đó là các lĩnh vực kinh doanh tăng trưởng nhanh và thực hành tốt nhằm mở rộng thị trường và tăng thị phần, cũng chính là động lực tăng trưởng chính của các doanh nghiệp tăng trưởng tốt tại Mỹ.
Thêm vào đó, các kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khái niệm về “ngành tăng trưởng” và “ngành bão hòa” chỉ là tương đối. Ví dụ, ngành viễn thông hiện nay đang được coi là một ngành tăng trưởng nóng; tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành này có tốc độ tăng trưởng hàng năm rất khác nhau và có thể từ 30 đến 100% (số liệu CAGR các doanh nghiệp viễn thông FAST500 năm 2010). Chính vì vậy, không có một giới hạn nào về các lĩnh vực mà doanh nghiệp có thể mở rộng và tăng trưởng thành công. Điều quan trọng là lựa chọn của chính doanh nghiệp có dựa trên một cơ sở bền vững hay không.
Cũng theo khảo sát của trên của Vietnam Report, một số DNNN cũng thực hiện rất tốt trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình, thể hiện ở việc chủ động khai thác vùng nguyên liệu và tìm kiếm thị trường cũng như đầu tư trang thiết bị. Tuy nhiên, các DNNN thường xu hướng đầu tư dàn trải với chiến lược “trở thành một tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực”. Xu hướng này dường như khá phổ biến đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn và rất lớn. Việc đặt ra những chiến lược phát triển chung chung và theo số đông như vậy sẽ khiến cho doanh nghiệp đặt ra những mục tiêu không thực tế, và dẫn tới việc thất bại trong khi thực hiện mục tiêu. Thực tế cũng đã chứng minh điều đó bằng những con số đã được dẫn chứng ở trên. Trường hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN với những dự án đầu tư của mình không thành công và những khoản lỗ khổng lồ chính là lời cảnh tỉnh cho xu hướng này.
Chính từ thực tế trên, câu chuyện tăng trưởng của các DNTN FAST500 mang lại một bài học kinh nghiệm lớn và không còn xa lạ đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng. Thành công trong định vị lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, tránh đầu tư dàn trải và không có cơ sở chính là hạt nhân cho tăng trưởng bền vững.