78% doanh nghiệp tin rằng chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng vào năm 2025

29/05/2024

Chuyên mục:

Nhận định về thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp, phần đông doanh nghiệp đại chúng tham gia khảo sát đặt niềm tin rằng năm 2025 sẽ là thời điểm đánh dấu dấu mốc này.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vietnam Report vừa công bố kết quả khảo sát với nhiều điểm đáng chú ý trên thị trường chứng khoán.

PHẦN LỚN DOANH NGHIỆP KỲ VỌNG NĂM SAU CHỨNG KHOÁN NÂNG HẠNG

Kết quả khảo sát cho thấy, theo góc nhìn của các doanh nghiệp đại chúng, năm 2024 vẫn là “vùng giao tranh” giữa các nhịp điều chỉnh và phục hồi của thị trường.

Có tới 88,9% số doanh nghiệp đánh giá diễn biến tăng, giảm đan xen là trạng thái chủ đạo xuyên suốt năm. Một số yếu tố có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay cũng như chiều hướng tác động của chúng đã được chỉ ra.

Trong đó, việc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường bao gồm cải thiện hệ thống pháp lý, nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp hóa thị trường, giúp thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam đang là trọng tâm chú ý khi đã vươn lên ở vị trí số 1 trong số các yếu tố ảnh hưởng, với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn là 77,8%.

Đây đồng thời là yếu tố được kỳ vọng có tác động tích cực nhất đối với thị trường chứng khoán theo bình chọn của 66,7% số doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, việc nâng hạng thị trường được doanh nghiệp đánh giá rất quan trọng với bản thân doanh nghiệp, ở mức 4,3 điểm trên thang điểm 5.

Trong đó, ba lợi ích lớn nhất theo quan điểm của doanh nghiệp bao gồm: Nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế; Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và Tăng thanh khoản cho cổ phiếu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc thị trường chứng khoán được nâng hạng cũng được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ lan tỏa tác động tích cực đến lan tỏa đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế cũng như hệ thống quản trị công ty sẽ thúc đẩy cải thiện và hoạt động minh bạch để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn.

Nhận định về thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp, phần đông doanh nghiệp đại chúng tham gia khảo sát đặt niềm tin rằng năm 2025 sẽ là thời điểm đánh dấu dấu mốc này. Trong đó gần một phần ba số doanh nghiệp tin tưởng vào kịch bản nâng hạng vào nửa đầu năm sau và 44,4% số doanh nghiệp tin tưởng rằng nửa cuối năm 2025 sẽ ghi nhận sự trưởng thành của thị trường chứng khoán Việt Nam, sau khi các nút thắt tồn tại trên thị trường được sớm cởi bỏ trong những tháng còn lại của năm 2024.

78% doanh nghiệp tin rằng chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng vào năm 2025 - Ảnh 1

 

Báo cáo cũng đưa ra top 5 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong năm 2024 theo góc nhìn của doanh nghiệp đại chúng. 5 ngày được chọn dựa trên 4 tiêu chí quan trọng: Kết quả kinh doanh - phản ánh hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp; Định giá hợp lý - thường tỷ lệ P/E (giá/lợi nhuận) thấp hơn so với mức trung bình ngành hoặc có tỷ lệ P/B (giá/giá trị sổ sách) hấp dẫn; Thu hút dòng tiền - thường đi kèm với tính thanh khoản cao và Có yếu tố vĩ mô hỗ trợ - đảm bảo rằng doanh nghiệp hoạt động trong một môi trường kinh tế thuận lợi. 

Với tỷ lệ 88,9% số doanh nghiệp lựa chọn, ngân hàng – trụ cột quan trọng của thị trường đã ghi nhận năm thứ hai liên tiếp nắm giữ vị trí số một trong số các ngành được dự báo có thể ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng trưởng nhất.

Kết quả khảo sát năm 2024 chứng kiến bất động sản đã quay trở lại top những nhóm ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng nhất theo đánh giá của các doanh nghiệp đại chúng. Dù kết quả kinh doanh trong quý 1 của ngành kém sắc, cổ phiếu của ngành vẫn được đặt kỳ vọng với điểm tựa từ câu chuyện hỗ trợ chính sách.

Tâm lý thị trường cải thiện nhờ động lực đến từ ba Luật quan trọng (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản) đã được Quốc hội thông qua và thậm chí đang được Chính phủ đề xuất có hiệu lực sớm hơn 6 tháng từ ngày 01/7/2024, cùng các thông tư, nghị định góp phần tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; các chính sách tín dụng dần được nới lỏng, lãi suất cho vay giảm dần thẩm thấu.

Với bán lẻ, động lực chính đến từ triển vọng kinh doanh hấp dẫn và việc hưởng lợi từ nền tảng vĩ mô cải thiện. Ngành đã có tín hiệu thoát đáy với cuộc trở lại “ngoạn mục” về tăng trưởng lợi nhuận trong hai quý gần nhất. Điển hình, lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 của ngành bán lẻ đã tăng mạnh 367% so với cùng kỳ, lên mức cao nhất trong 6 quý. Trong những tháng tiếp theo, lợi nhuận có thể tiếp tục phục hồi từ mức nền thấp năm 2023 khi vấn đề áp lực hàng tồn kho tại dần được khắc phục và sức mua được kỳ vọng cải thiện.

Ngoài ra, top 5 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023 còn có sự góp mặt của ngành công nghệ thông tin với triển vọng vững chắc về nhu cầu chi tiêu công nghệ tăng lên trong xu thế chung của cả thế giới.

Và ngành dầu khí trong bối cảnh giá dầu ở mức cao khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt, cùng động lực chính từ Chuỗi dự án Lô B - Ô Môn và các dự án dầu khí lớn Lạc Đà Vàng, Cá Voi Xanh được kỳ vọng được đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, hoạt động thăm dò và khai thác sôi động hơn sẽ củng cố triển vọng tăng trưởng của các công ty thượng nguồn.