*Phỏng vấn ông Nguyễn Văn Khanh – Giám đốc Công ty TNHH Bình Minh Tải
Công ty TNHH Bình Minh Tải là một thương hiệu mạnh trong ngành logistic Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng giám đốc công ty về hoạt động kinh doanh và những câu chuyện quản lý, bài học thương trường…
* Để làm giám đốc công ty anh đã chuẩn bị những gì?
- Trước đó, tôi đã được học quản lý ở ngành kỹ sư chế tạo máy. Nhưng thời gian khá lâu, những lý thuyết về thị trường, khách hàng, nguồn nhân lực, dòng tiền… thời mở cửa đã khác xa thời đó, vậy là tôi về đại học Bách khoa để học chuyên ngành ngành quản trị doanh nghiệp, thuộc khoa Quản lý Kinh tế. Sau khi tốt nghiệp, tôi học luật kinh doanh và MBA. Bởi tôi nghĩ, chuyện học sẽ giúp tôi rất nhiều trong việc ra quyết định và hoạch định chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp.
* Nhưng khi bắt tay vào thực tế anh thấy sao giữa lý thuyết và thực tiễn kinh doanh trên thương trường?
Khi Hội đồng thành viên (HĐTV) tín nhiệm bầu làm GĐ, tôi chưa hình dung được bối cảnh và mô hình của công ty dịch vụ logistic trên thương trường với sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các đơn vị, nhất là cạnh tranh về giá, chứ không phải là chất lượng của dịch vụ. Tôi nghĩ rằng, nếu cứ theo mãi đà giảm giá thì sẽ bị lỗ, thậm chí lỗ nặng dẫn đến phá sản mà thương hiệu của công ty thì chẳng được gì, ngoài tiếng xấu còn để lại. Do vậy, tôi quyết định rẽ ngang hướng khác, tìm chọn đối tác yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ, nhưng về giá thì cứ để đấu thầu công khai. Hai tháng đầu tiên, tôi thực sự bối rối. Tôi phải tập làm quen với công việc các phòng ban, các dự án. Trên lĩnh vực logistic có rất nhiều tình huống xảy ra. Vì thế một mặt tôi phải nhìn nhận một cách cầu thị để học tập những người đi trước, cùng HĐTV xây dựng một mô hình dịch vụ công ty mới, đủ sức linh hoạt và cạnh tranh với các đối thủ khác. Lúc này rất khó khăn. Khó khăn về tài chính, khó khăn về vấn đề nhân sự… và cả những mối quan hệ.
* Và ông đã từng bước tháo gỡ những khó khăn đó như thế nào?
- Tôi và thành viên công ty tận dụng uy tín và mối quan hệ để vay vốn ngân hàng phát triển đoàn xe mới và tăng thêm nguồn vốn lưu động. Và có lẽ, chính cái thương hiệu triển vọng mang tên Bình Minh Tải, tuy mới mẻ nhưng có khả năng vượt qua được khó khăn và nhiều cơ hội tăng trưởng nên đã tạo được niềm tin để ngân hàng “bơm” vốn. Khó khăn về tài chính được tháo gỡ, các dự án liên tục được triển khai. Lúc này, cán bộ trẻ, có năng lực và tâm huyết được bổ nhiệm chức vụ quản lý để cùng gánh vác công việc. Chỉ một thời gian ngắn, công việc vận hành một cách suôn sẻ. Như thế, công ty đã có sẵn một nguồn nhân lực “khỏe” và đây chính là tài sản quí giá của công ty trên chặng đường phát triển sau này.
Hình ông Nguyễn Văn Khanh- Giám đốc Công ty TNHH Bình Minh Tải trả lời phỏng vấn
* Tên anh thì ít được biết đến, nhưng Phó giám đốc Nguyễn Thị Huỳnh Liên thì nhiều người biết tiếng và quý mến? Tại sao vậy anh?
- Thực ra, tôi điều hành công ty theo kiểu làm việc nhóm. Mỗi người mỗi mảng. Có cái chung và riêng. Chị Liên là người đưa ra ý tưởng và thực hiện phương án kinh doanh. Còn tôi đưa ra quyết định và lo toan những việc của khối hành chính, kế toán quản trị, đối ngoại… Tôi nghĩ, mỗi thành viên công ty thời gian qua đều có công lớn trong việc xây dựng thương hiệu Bình Minh Tải cho đến ngày hôm nay đứng vào top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam do Vietnamnet phối hợp cùng Công ty cổ phần Đánh giá bình chọn.
* Điều hành doanh nghiệp phải có nghệ thuật, anh có nghệ thuật gì?
- Thực ra, từ “Art” trong tiếng Anh đã là một khoảng mênh mông cho suy luận. Có thể vì vậy mà các bằng cấp khối khoa học xã hội đều có gắn từ “Art”. Trở lại vấn đề quản lý-điều hành và lãnh đạo một doanh nghiệp, thì lẽ đương nhiên cần có những nghệ thuật cá nhân riêng. Làm sao vừa điều hành tốt công việc và nhân viên công ty cảm thấy được động viên nhằm đưa đến mục đích chính mà công ty hướng đến là tốt rồi. Điều hành doanh nghiệp tôi phải tính toán các chỉ số kinh tế, tài chính một cách khoa học, nhằm mang lại hiệu quả kinh doanh. Mặt khác, khi đã làm việc nhóm thì phải tin tưởng và giao việc cho anh em quản lý trung gian, công nhân trung thành với mình. Tôi luôn tâm niệm là tạo khối đoàn kết trong công ty, làm sao cho mọi người xem công ty là mái nhà chung cần tôn tạo và giữ gìn.
* Để có được một hợp đồng logistic với các doanh nghiệp lớn như Trung Nguyên, Metro, Tân Hiệp Phát, sữa cô giái Hà Lan… là rất khó, nhiều khi phải có “chi phí ngầm”. Anh làm gì để Bình Minh Tải có được hợp đồng dài hạn?
- Thực ra trên thế giới tại các nước tiên tiến, vấn đề chi phí ngầm cũng có, trên kế toán quản trị người ta cho là “cost sink”. Tuy nhiên, thực tế kinh doanh cho tôi thấy, với đối tác là các thương hiệu lớn thì không thể dùng một khoản chi phí nào gọi là ngầm để có hợp đồng được. Hoàn toàn phải dựa vào uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Khi làm ăn, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là phải làm lợi cho đối tác và doanh nghiệp mình cũng phải có hiệu quả. Một khi hai bên đều thỏa mãn về nhau thì sự hợp tác, đồng hành sẽ là đương nhiên.
* Trong kinh doanh, anh có hài lòng với những gì mà công ty đã đạt được?
- Tôi nghĩ công ty giờ đã trưởng thành và cần những bước đi chậm mà chắc. Có thể sẽ mở thêm ngành nghề trong tương lai, nhưng như đã nói phải chắc mới làm. Có thể nói là tôi bằng lòng với sự kinh doanh hiện tại của công ty.
* Có người nói làm kinh doanh không có thủ đoạn thì không thành công được, anh nghĩ sao?
- Tôi không đồng tình với ý kiến đó. Sử dụng thủ đoạn để triệt hạ đối thủ cạnh tranh trong sách vở tôi học không hề có, mà chỉ luôn bằng những dịch vụ, tiện ích, sự hài lòng cho đối tác… do công ty mình mang lại. Tôi tin rằng mọi sự việc diễn ra đều có tính nhân quả. Và do vậy, không lý do gì mà để hậu quả lớn xảy ra, vì trước đó ta đã chưa thông đạo lý này.
* Bình Minh Tải vốn đi lên từ kinh doanh dịch vụ logistic. Nhưng anh nói trong tương lai công ty sẽ mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác. Xin anh tiết lộ các lĩnh vực mở rộng này được không?
- Người ta nói kinh doanh phải bí mật. Nhưng theo tôi là chọn thời cơ thích hợp. Những ngành nghề mở rộng đối với công ty đầu tiên là các lĩnh vực dịch vụ sửa chữa, đại lý bán hàng, đại lý bảo hiểm… Sau đó, tôi muốn mở trường đào tạo lĩnh vực logistic.
Xin cảm ơn và chúc ông toại nguyện với mong ước của mình!