ADB: Thế giới bất ổn và vấn đề tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

10/04/2019

Chuyên mục:

Mặc dù, môi trường bên ngoài suy giảm có thể tác động tới triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay và năm sau, nhưng các chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng: Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo đó, ADB dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam tuy giảm nhẹ so với năm trước, nhưng vẫn được duy trì ở mức khá cao là 6,8% trong năm nay (năm 2018 GDP đạt 7,08%, cao nhất trong vòng 10 năm).

Dù giảm nhưng vẫn ở mức cao

Các chuyên gia ADB chỉ ra rằng, yếu tố rủi ro bên ngoài đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam là tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn có thể giảm mạnh hơn, bao gồm Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc – đây là các đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, chuyên gia kinh tế của ADB cũng cho biết, vào tháng 12/2018, ADB đã nghiên cứu 3 tình huống: thứ nhất là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn căng thẳng như hiện nay; thứ 2 là Mỹ áp 200 tỷ USD thuế vào hàng xuất khẩu Trung Quốc; thứ 3 là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lan sang cả khu vực khác tạo nên căng thẳng thương mại toàn cầu.

Đây được cho là những rủi ro ảnh hưởng từ những nền kinh tế lớn trên thế giới, vốn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, đang suy giảm sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế nội địa. Việt Nam là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trong khu vực với tổng kim ngạch thương mại đạt gấp đôi quy mô GDP. Chưa kể đến ở trong nước tiến trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước chưa thực sự đạt hiệu quả tối đa. “Đây có thể sẽ là lực cản đối với tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam,” ông Cường nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia của ADB vẫn lạc quan cho rằng: “Trong cả 3 bối cảnh đó thì kinh tế Việt Nam vẫn được hưởng lợi khoảng 2% GDP, tuy nhiên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố đặc biệt là năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh… Cho dù yếu tố nào xảy ra thì Việt Nam vẫn được hưởng lợi một cách tích cực.”

Mặc dù vậy, ADB cũng cho rằng các lợi ích này sẽ không thể hiện ngay lập tức. Bên cạnh đó, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ năng suất lao động đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Các rủi ro nội địa cũng sẽ thành hiện thực nếu quá trình cải tổ doanh nghiệp nhà nước chậm lại.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng tăng trưởng chậm lại trong năm nay là điều hợp lý. Ông Hiếu phân tích: “Năm 2019 để đạt được mức tăng trưởng GDP như năm 2018 sẽ không khả thi, chính vì vậy dự báo của ADB cũng như một số tổ chức quốc tế khác cho biết Việt Nam có thể sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn năm ngoái tôi cho là hợp lý vì đây là năm tình hình tế thế giới vẫn bất ổn. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã có hướng giải quyết nhưng cho dù như vậy thì hậu quả của cuộc chiến tranh này vẫn có thể kéo dài trong nhiều năm tới.”

Đặc biệt, trong năm nay, nền kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm so với năm ngoái do tác động của cuộc chiến tranh, tình hình của Mỹ cũng không được sáng sủa như trước nên Fed đã quyết định không tăng thêm lãi suất. Cơ quan này đã dự báo nền kinh tế Mỹ có thể sẽ gặp một số khó khăn, chính vì thế Fed quyết định không áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ bằng cách nâng lãi suất.

“Tất cả những vấn đề trên chứng tỏ nền kinh tế thế giới đang suy giảm so với năm trước. Việt Nam là nước dựa nhiều vào xuất khẩu, trong khi đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Hai thị trường này suy giảm thì nền kinh tế Việt Nam cũng không tránh khỏi những khó khăn. Vì vậy, tôi nghĩ dự báo 6,8% là mức tăng trưởng kinh tế hợp lý trong năm nay,” ông Hiếu nhấn mạnh.

Thách thức từ chính sách

Trong quý 1, một số dịch vụ như điện, xăng, y tế, giáo dục liên tiếp tăng giá, ông Sigwik cho rằng với tình hình kinh tế hiện tại, việc tăng giá là “cần thiết và tích cực”.

“Đây là các chi phí được điều chỉnh thường xuyên để giảm áp lực ngân sách. Nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp không trả, chính phủ sẽ phải trả chi phí này. Quan trọng là phải xác định thời điểm tăng,” ông Sigwik cho biết.

Ông cũng khẳng định việc này sẽ có tác động đến lạm phát, tuy không lớn nhưng ADB vẫn sẽ theo dõi sát sao để đánh giá ảnh hưởng liên quan.

Đề cập đến thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay cũng như năm sau, chuyên gia ADB cũng cho rằng, việc tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu - một trong những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - đang gặp nhiều khó khăn. Vì doanh nghiệp Việt Nam hầu hết ở quy mô vừa và nhỏ, không tạo ra được sản phẩm và dịch vụ chất lượng có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam từ trước tới nay chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

ADB đã chỉ ra “điểm yếu” của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam là chỉ coi việc đổi mới sản phẩm như một cách giảm chi phí chứ không phải để nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, rất ít doanh nghiệp vừa và nhỏ mua sắm hoặc đăng ký sử dụng các công nghệ mới được phát triển ở các nước khác.

Ông Eric Sidgwick nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Năng lực mua sắm và ứng dụng công nghệ mới bị hạn chế bởi khó tiếp cận vốn và thiếu lực lượng lao động có kỹ năng cần thiết. Doanh nghiệp thường khó tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý do các điều kiện thế chấp vay vốn ngặt nghèo và thủ tục phức tạp.”

Về tình trạng thiếu lao động có tay nghề, một khảo sát mới đây của ManpowerGroup cho biết chỉ có 11% doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp được các kỹ năng cần thiết để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, kỷ nguyên phát triển dựa trên “chi phí thấp, kỹ năng thấp” của Việt Nam đã qua và Việt Nam phải trở thành một nền kinh tế dựa trên kỹ năng cao.

Để giải quyết được những căn nguyên gốc rễ của vấn đề chất lượng sản phẩm không đồng đều, các chuyên gia nhấn mạnh, các chính sách cần khuyến khích và hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ mới và trên hết là đổi mới sáng tạo ở trong nước.

Việc phát triển các kỹ năng cần thiết đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện và đồng bộ với sự vào cuộc của chính phủ, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tư nhân để cung cấp các dịch vụ đào tạo chuyên môn, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu. Nếu không cải thiện được khả năng tiếp cận vốn và kỹ năng, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tiếp tục tụt hậu trên con đường hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thúy Hà - Minh Hiếu

Theo TTXVN

 

Vietnam Report