Áp lực tăng trưởng dồn lên 3 quý cuối...

29/07/2015

Chuyên mục:

Kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi quy luật GDP quý I tăng trưởng thấp do đầu tư thấp, gây áp lực cho những quý còn lại trong năm. Để xóa bỏ quy luật này, theo TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), phải đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư công, ngay từ những tháng đầu năm.

Theo ông, quý I/2013, GDP chỉ tăng 4,89% có phải là do đầu tư, đặc biệt là đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước, còn chậm?

Trước hết phải khẳng định, trong bối cảnh kinh tế còn rất khó khăn, tốc độ tăng GDP quý I năm nay là chấp nhận được, mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011 và 2010 (tăng tương ứng là 5,53% và 5,84%), nhưng đã cao hơn so với quý I/2012 (GDP tăng 4,64%). Tốc độ tăng GDP của quý I năm nay càng có ý nghĩa hơn, khi Chính phủ kiên định với mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, đẩy mạnh xuất khẩu…

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các chính sách của quý I/2012 là thắt chặt, trong khi quý I/2013 là hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, để có thể vừa bảo đảm tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn nữa, đồng thời vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cần phải tăng cường giải ngân và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.

Để khắc phục quy luật “GDP quý I năm sau luôn thấp hơn quý III, quý IV năm trước”, cần phải đẩy mạnh đầu tư ngay từ đầu năm, thưa ông?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm, vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 202.600 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2012 và bằng 29,6% GDP. Trong đó, vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đạt 74.800 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ đạt 35.200 tỷ đồng, bằng 18% kế hoạch năm và giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2012.

Đáng lưu ý là, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm nay, Quốc hội đã đồng ý nâng vốn đầu tư bằng nguồn trái phiếu chính phủ, từ 45.000 tỷ đồng lên 60.000 tỷ đồng, nhưng trong 3 tháng đầu năm mới giải ngân được khoảng 21% kế hoạch (gần 12.803 tỷ đồng). Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước thấp đã không kích thích các thành phần kinh tế khác bỏ vốn đầu tư.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý sau luôn cao hơn quý trước là sự ghi nhận điều hành chính sách của Chính phủ đi đúng hướng và cần phải tiếp tục phát huy, nhưng GDP của quý I năm sau lại thường thấp hơn quý III, quý IV của năm trước thì cần phải khắc phục. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, nguyên nhân cơ bản là, tốc độ giải ngân vốn đầu tư 6 tháng đầu năm (nhất là quý I) thường thấp hơn 6 tháng cuối năm. Vì vậy, phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư ngay từ đầu năm, đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư từ khu vực nhà nước.

Theo ông, hiện có những rào cản nào cản trở việc đầu tư của nền kinh tế?

Theo tôi, hiện có 4 nhóm rào cản chủ yếu đối với đầu tư của kinh tế Việt Nam, gồm: tư duy, chủ trương phát triển kinh tế; tổ chức hệ thống kinh tế; các yếu tố đầu vào của sản xuất; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đầu tư.

Chỉ cần đề cập nhóm rào cản xuất phát từ tổ chức hệ thống kinh tế đã thấy có rất nhiều vấn đề cần phải xử lý, như cơ chế phân cấp chưa hợp lý, nên chưa chưa tạo động lực để các địa phương phát huy các thế mạnh riêng; phân cấp dựa trên địa giới hành chính xuống đến tận cấp huyện, cấp xã, nhưng lại chưa có sự chuẩn bị về đội ngũ cán bộ thực hiện quản lý đầu tư…

Trước thực tế như vậy, thường trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất thời, nên đầu tư gia tăng, song về cơ bản, những rào cản kể trên vẫn tồn tại, nên năm sau lại lặp lại tình trạng của năm trước.

Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng trên, thưa ông?

Tất cả công trình, dự án, đặc biệt là thuộc nguồn đầu tư công, cần được đầu tư đúng hạng mục, đúng thời điểm. Theo đó, trong vòng 3 – 5 năm tới, cần thực hiện những giải pháp có tính trực tiếp, trực diện, như thay đổi thể chế đầu tư công theo hướng đảm bảo tính thống nhất của chiến lược phát triển quốc gia; quyết định đầu tư phải trên cơ sở cân đối và bố trí được nguồn vốn; áp dụng các chế tài buộc người có thẩm quyền quyết định đầu tư phải cân nhắc thận trọng khi quyết định đầu tư; tập trung đầu tư vào một số dự án trọng điểm, có tính đột phá và lan tỏa đến nền kinh tế… Ngoài ra, cần ban hành Luật Đầu tư công, Nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn.

Trước mắt, phải tăng cường tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư từ tất cả các nguồn (đầu tư công, ODA, FDI, dân doanh), triển khai mạnh Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ; triển khai thực hiện triệt để Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ và Chỉ thị 32/CT-TTg về việc loại bỏ những rào cản, hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Theo Báo Đầu tư