Dù tuyến buýt nhanh (BRT) đầu tiên đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều, nhưng không thể phủ nhận, về lâu dài, khi người dân hiểu rõ hơn, đây là sẽ là phương tiện giao thông khá tiện lợi, giá rẻ để lựa chọn. Điều này cũng hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội cho các dự án bất động sản dọc tuyến BRT này.
Tuyến BRT đầu tiên có lộ trình bến xe Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa, có chiều dài 14,7 km với 21 nhà chờ dọc tuyến. Theo lộ trình được Sở Giao thông và Vận tải cung cấp, tuyến BRT này chạy qua các trục đường chính bao gồm Yên Nghĩa, Quốc Lộ 6, Ba La, Quang Trung (Hà Đông), Lê Trọng Tấn (Hà Đông), Tố Hữu, Lê Văn Lương, Láng Hạ, Giảng Võ, Giang Văn Minh, Kim Mã.
Dễ thấy, nhiều trục đường mà tuyến BRT đi qua, nhất là khu vực Tây Nam Hà Nội như Quang Trung, Lê Trọng Tấn, Tố Hữu, Lê Văn Lương… tập trung rất nhiều dự án bất động sản.
Là các tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội, sau khi đưa vào sử dụng, các tuyến đường như Tô Hữu, Lê Văn Lương đã tạo ra động lực kết nối chuỗi các đô thị, chung cư hiện đại với khu vực nội đô.
Chỉ tính trong khoảng 3 năm trở lại đây, hàng loạt dự án bất động sản lớn nhỏ đã được triển khai triển khai dọc 2 tuyến đường này, biến khu vực phía Tây Nam thủ đô thành điểm nóng về bất động sản.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, giám đốc một sàn môi giới có trụ sở tại Bắc Hà Tower (đường Tô Hữu) cho biết, theo quy hoạch của Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050, khu vực phía Tây sẽ trở thành đô thị hạt nhân Hà Nội mở rộng. Do vậy, khu vực này sẽ tập trung nhiều cơ quan hành chính và doanh nghiệp lớn.
So với các khu vực khác của Hà Nội, khu vực phía Tây được đánh giá là mảnh đất vàng hội tụ nhiều ưu điểm vượt trội. Bên cạnh đó, các trung tâm văn hóa, thương mại mang tính quốc tế gần đó như Sân vận động Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Siêu thị Big C… cùng với hệ thống trường học, bệnh viện, sẽ đưa khu vực phía Tây Hà Nội trở thành lõi trung tâm văn hóa, kinh tế, thương mại sôi động.
Do đó, việc đưa vào tuyến BRT như hiện nay là rất cần thiết. Với tần suất chạy 3 - 5 phút/chuyến (12 - 20 chuyến/giờ), BRT Hà Nội mới bằng xe buýt thường ở nhiều nước, chưa hẳn là BRT, nhưng cái lợi là khi BRT bắt đầu được triển khai mạnh mẽ hơn cùng lúc với việc người dân có ý thức hơn, đánh giá rõ ràng hơn về vai trò của giao thông công cộng, thì chắc chắn sẽ mang lại những giá trị rất tốt, đặc biệt là về đi lại của người dân dọc trên các trục đường mà tuyến buýt này đi qua.
Với khả năng chuyên chở lên tới 80 - 90 khách một chuyến với tần suất cao, BRT sẽ giúp làm giảm đáng kể lưu lượng xe cá nhân lưu thông trên đường, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thành phố.
Các trạm dừng BRT được xây dựng ở trung tâm mặt cắt ngang tuyến đường, nên người sử dụng BRT sẽ được hỗ trợ bởi hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên, giúp giảm tối đa thời gian dừng chờ. Đây được coi là lợi điểm cho nhiều người di chuyển từ khu vực Tây Nam vào nội đô Thành phố.
Theo ghi nhận của phóng viên, kể từ khi tuyến BRT tại Hà Nội đi vào sử dụng, số lượng người dừng phương tiện cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng trong giờ làm việc đã bắt đầu tăng lên. Đặc biệt là những người sinh sống dọc đường Tố Hữu, Dương Nội, Hà Đông.
Trang Ninh
Báo Đầu tư Bất động sản