Biến động giá khí đốt đang đe dọa kinh tế toàn cầu như thế nào?

25/08/2022

Chuyên mục:

Nếu so với cùng thời điểm này năm ngoái, giá khí đốt tại châu Âu hiện đã tăng gấp khoảng 10 lần

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Triển vọng lạm phát và tăng trưởng của kinh tế toàn cầu phụ thuộc phần lớn vào triển vọng giá năng lượng. Do đó, sự biến động của thị trường khí đốt tự nhiên đã làm dấy lên những lo ngại lớn gần đây về nền kinh tế toàn cầu.

Giá khí đốt tại các thị trường châu Âu đóng cửa ở mức cao kỷ lục vào thứ Hai sau khi Nga bất ngờ thông báo sẽ đóng cửa đường ống dẫn khí Nordstream 1 trong 3 ngày vào cuối tháng này để bảo trì. Giá gas châu Âu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, tiệm cận mức kỷ lục được thiết lập trong phiên trước đó.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá gas ở châu Âu cao gấp khoảng 10 lần.

Diễn biến giá khí đốt trên sàn TTF ở Hà Lan trong vòng 1 năm. Đơn vị: Euro/megawatt giờ - Nguồn: TradingView.

Diễn biến giá khí đốt trên sàn TTF ở Hà Lan trong vòng 1 năm. Đơn vị: Euro/megawatt giờ - Nguồn: TradingView.

Tại Hoa Kỳ, cường quốc khí đốt của thế giới, giá loại nhiên liệu này vẫn rẻ hơn so với ở châu Âu, nhưng chúng đang tăng lên nhanh chóng. Hôm thứ Hai, giá khí đốt ở Mỹ đạt mức cao nhất 14 năm.

Nắng nóng gay gắt tiếp tục diễn ra ở Châu Âu và Hoa Kỳ, và nhu cầu về máy điều hòa không khí tăng lên, đẩy giá khí đốt tăng lên. Ngoài ra, mặc dù nguồn cung cấp khí đốt từ Nga đã giảm xuống mức thấp nhưng các nước châu Âu cũng đang chạy đua để nạp khí đốt dự trữ cho mùa đông đang đến gần. Châu Âu lo ngại rằng Nga sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt cho khu vực vào mùa đông này để trả đũa các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga do xung đột giữa Nga và Ukraine.

Nguồn: Refinitiv/CNN.

Nguồn: Refinitiv/CNN.

Salomon Fiedler, nhà kinh tế học tại Ngân hàng Berenberg, trao đổi với CNN Business rằng giá xăng tăng mạnh trong tuần này khiến ông tin rằng châu Âu đang rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của S&P Global - thước đo hiệu suất của dịch vụ và sản xuất - được công bố hôm thứ Ba cho thấy các hoạt động kinh doanh ở khu vực 19 nước sử dụng đồng Euro đã giảm tháng thứ hai liên tiếp.

Nhưng cũng có những lý do để lạc quan. “Đang có những dấu hiệu cho thấy sức ép lạm phát tại các doanh nghiệp đã qua đỉnh, với tốc độ tăng của cả giá đầu vào và đầu ra đều dịu đi trên diện rộng”, S&P Global cho biết.

Tuy vậy, Fiedler nói rằng việc giảm áp lực lạm phát này có thể không kéo dài. Ông nói: “Do giá năng lượng tăng mạnh gần đây, đặc biệt là giá bán buôn khí đốt, nên có thể lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong cả năm."

Đây không chỉ là tin xấu đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Citigroup dự đoán lạm phát của Anh có thể vượt 18% vào đầu năm 2023. Con số này cao gấp 9 lần so với mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).

Nhu cầu năng lượng gia tăng và nguồn cung thắt chặt cũng đang đẩy giá khí đốt đối với người tiêu dùng châu Á. Các nước châu Á hiện đang phải đối mặt với 'cuộc chiến' với các nước châu Âu để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), và người chiến thắng sẽ thuộc về người trả giá cao nhất.

Khi giá điện tiếp tục tăng, người tiêu dùng trên khắp thế giới sẽ phải giảm nhu cầu của họ đối với các hàng hóa và dịch vụ khác. Hơn hết, chi phí đầu vào tăng cao đang gây nhiều áp lực cho doanh nghiệp. Các ngân hàng trung ương không thể kiểm soát giá năng lượng và chỉ có thể tăng lãi suất để chống lạm phát gia tăng, nhưng lạm phát cao có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế bất cứ lúc nào.

Một tín hiệu khả quan là giá dầu thô đã giảm nhiệt trong thời gian gần đây. Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London - giá tham chiếu của thị trường dầu toàn cầu - đã giảm 16% kể từ đầu tháng 7. Giá dầu WTI giao sau tại New York cũng giảm 15% trong cùng khoảng thời gian.

Có một yếu tố khác đang chi phối bộ phận này của thị trường năng lượng, và đó là việc các nhà giao dịch lo ngại rằng sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu.

Tuy nhiên, giá dầu có thể biến động nhiều trong những tháng tới. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Araiba Abdulaziz bin Salman nói rằng diễn biến giá dầu gần đây đã có sự gián đoạn khỏi các yếu tố nền tảng và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đồng minh, tức nhóm OPEC+, có thể phải cắt giảm sản lượng để ngăn đà suy giảm của giá dầu.

Theo VNR500