Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp

19/05/2017

Chuyên mục:

Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất Quốc hội một số giải pháp để giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN). Thời gian tới, lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến cộng đồng DN để hoàn thiện chính sách tài chính, đại diện Bộ Tài chính khẳng định với PV Tiền Phong chiều 18/5.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện DN Việt Nam phải đóng mức thuế chiếm tới 39,1% lợi nhuận kiếm được, cao hơn 2 lần của Singapore.

Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 17/5, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, đây là nhận định đúng, nếu tính theo thông lệ quốc tế. Với cách tính trên, theo ông Dũng, trong 39,1% lợi nhuận phải đóng thuế của DN Việt, chỉ có 20% là thuế thu nhập DN đóng vào ngân sách nhà nước, còn hơn 19% là các khoản đóng góp cho các khoản bảo hiểm xã hội. Trong khi bình quân đóng góp thuế (cả thuế thu nhập DN và bảo hiểm) của các nước ASEAN là 33,6%, trong đó thuế thu nhập DN 21,8% (cao hơn Việt Nam 1,8%), nhưng các khoản đóng bảo hiểm lại thấp hơn nhiều, chỉ 11,6% (thấp hơn Việt Nam 7,3%).

Lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) lý giải, hiện thuế thu nhập DN của Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực (chỉ 20%), trong khi thuế này với Trung Quốc là 25%, Singapore là 30%. Nhưng do mức đóng bảo hiểm xã hội tại các nước thấp hơn Việt Nam, nên phần nghĩa vụ phải nộp tính trên lợi nhuận của DN cũng thấp hơn. “Tỷ lệ đóng góp bảo hiểm xã hội của Việt Nam cao gấp đôi bình quân khu vực, nên cộng dồn cả thuế thu nhập DN và bảo hiểm lại mới thành mức đóng góp cao nhất khu vực”, vị cán bộ này nói.

Để hỗ trợ DN, Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất Quốc hội một số giải pháp để giảm chi phí cho DN, như: Giảm mức thuế thu nhập DN cho các DN nhỏ và vừa ở mức 17% (thay vì 20% hiện hành); cho phép DN kinh doanh đa ngành, được lấy lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản bù trừ cho các hoạt động kinh doanh khác (thay vì không cho phép bù trừ như quy định hiện hành).

Cùng đó, là các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, nhằm cắt giảm chi phí thời gian, thủ tục của DN. Bộ Tài chính cùng Bộ GTVT, rà soát, ban hành 16 thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí tại 29 trạm thu phí cho dự án BOT đường bộ, qua đó giúp giảm chi phí đầu vào cho DN…

“Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến cộng đồng DN để hoàn thiện chính sách tài chính. Qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”, ông Dũng nói.

Hữu Việt

Theo Báo Tiền Phong

Vietnam Report