Brexit tác động lớn đến ngành dệt may

09/08/2016

Chuyên mục:

Theo các chuyên gia phân tích, việc Vương quốc Anh rời EU (Brexit) sẽ tác động trực tiếp tới ngành dệt may của Việt Nam, có thể là từ quý 4/2016.

Doanh nghiệp gia công gặp khó

EU là một trong những thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 12% tổng kim ngạch. Kinh tế nước Anh và EU chắc chắn trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng bởi vụ Brexit, nhu cầu tiêu dùng trong xã hội nói chung cũng như nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm từ Việt Nam sang EU sẽ giảm đi. Trong đó, có thể thấy rõ nhất ở các ngành xuất khẩu chủ đạo của nước ta sang EU như dệt may, giày da…Tuy nhiên, sự việc Anh rời khởi EU (Brexit) đã có tác động không nhỏ đến xuất khẩu dệt may Việt Nam tại thị trường này. Hiện có khoảng 2.000 DN gia công cho ngành Dệt may đã phá sản vì mất lợi thế cạnh tranh về giá. 

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may vào EU chiếm khoảng 19-20% tổng kim ngạch mặt hàng dệt may, trong đó thị trường Anh chiếm khoảng 3,8-4%. Việc Anh rời EU sẽ có tác động nhất định tới các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may. Để có thêm thông tin về vấn đề này phóng viên TTXVN đã trao đổi nhanh với các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam.

Việc Anh rời EU dứt khoát sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may. Thứ nhất là đồng bảng Anh và đồng EU mất giá sẽ ảnh hưởng đến giá bán, giá mua của nhà nhập khẩu, giá chênh lệch giữa các đồng tiền cũng sẽ rẻ hơn.

Hơn nữa, do biến động về tình hình chính trị như vậy nên sức mua của người tiêu dùng EU cũng như người Anh sẽ có sự thay đổi.

Từ hai nguyên nhân trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp dệt may. Cụ thể, về đơn đặt hàng nguyên phụ liệu đặt mua trước đã chốt giá với nhà nhập khẩu, nhà sản xuất nguyên phụ liệu, nhưng khi tỷ giá thay đổi có thể phải đàm phán lại, việc này sẽ ảnh hưởng đến cả giá đầu vào của sản phẩm.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành Dệt may, với những tác động không nhỏ đến từ Brexit, Việt Nam rất khó để giữ vững thị phần 3,45% của mình tại thị trường EU. Trong đó cụ thể, đối với các DN sản xuất sản phẩm dệt may thuộc phân khúc chất lượng cao chỉ chịu sự tác động nhẹ, vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng thường niên từ 20 - 40%.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Việc Anh rút khỏi EU thực sự là một vấn đề đối với ngành Dệt may Việt Nam. Thứ nhất, một số đơn hàng xuất khẩu vào Anh đang bị chững lại. Thứ hai, giá trị đồng Bảng Anh và đồng EU khi mất giá cũng giảm sức mua và tất nhiên, thị trường sản phẩm dệt may sẽ bị ảnh hưởng. Thứ ba, một số đơn hàng gia công tại thị trường EU đã bị sụt giảm trong vòng hơn một tháng qua.

Trước mắt, việc này sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm người lao động Việt Nam. Kéo theo đó là ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường EU trong năm nay ngoài dự định. Để hạn chế những ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, doanh nghiệp đang xuất khẩu vào Anh, EU, theo tôi cần thúc đẩy các thị trường truyền thống như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đồng thời mở rộng các thị trường mới như Nga, Đông Âu bằng các dòng sản phẩm mới. Đáng lo ngại hơn là các DN làm gia công chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu của dệt may Việt Nam. Do đó, khoảng 65% DN gia công gặp khó.

Mất lợi thế cạnh tranh về giá 

Một vấn đề cũng đáng lo ngại là thời gian gần đây, hàng dệt may Việt Nam vào EU liên tục tăng giá. Tính đến nay, giá bán lúc cao nhất đã lên đến 40% do đồng Bảng Anh mất giá. Mặc dù tất cả các đối thủ của Việt Nam đều bị ảnh hưởng, tuy nhiên do được hưởng ưu đãi thuế quan bằng 0% nên giá cả hàng hóa của một số nước vẫn có lợi thế cạnh tranh hơn Việt Nam, ví như các nước láng giềng Campuchia, Myanmar....Chính yếu tố này đã khiến cho việc thuê gia công ở các nước này hấp dẫn hơn Việt Nam và đang có sự dịch chuyển các đơn hàng từ nước ta sang các nước này.

Campuchia đã vượt Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 5 vào EU, chiếm tỷ trọng 3,64%, còn Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 6 với thị phần 3,45%. Cũng theo các chuyên gia, qua vụ Brexit và những biến động tỷ giá ở EU đã cho chúng ta thấy rằng, dệt may Việt Nam sẽ thua nếu cạnh tranh về giá. Ít nhất sau 2 năm nữa, khi FTA Việt Nam – EU đi vào thực tiễn thì phân khúc gia công đơn giản của Việt Nam mới có cơ may lấy lại được lợi thế cạnh tranh.

Các chuyên gia cho rằng, từ nay đến năm 2018 đơn hàng dệt may của nước ta sẽ rất khó khăn. Các DN cần tính đến bài toán cắt giảm chi phí, tăng năng suất để tạo nên lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm. Đã đến lúc phải tiến đến việc đưa tỷ lệ gia công xuống thấp, có chiến lược thực hiện nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, sản xuất sản phẩm phân khúc hàng chất lượng cao…Đồng thời tìm thị trường mới như Nga, Đông Âu, Trung Đông; tăng cường tạo sự đột phá tại một số thị trường tiềm năng như Mỹ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật…

 

 

Vietnam Report