Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 2 Châu Á chỉ sau Trung Quốc. Ngay cả trong thời kỳ cả thế giới chao đảo vì suy thoái kinh tế từ 2008 – 2010, Việt Nam cũng đạt được tốc độ tăng trưởng 7%.
Tuy nhiên, tăng trưởng quá nóng và không dựa trên cơ sở tăng năng suất của nền kinh tế đang bộc lộ những mặt trái của nó thông qua những rủi ro và nguy cơ đổ vỡ đang ngày càng hiển hiện trong nền kinh tế, bắt nguồn từ khu vực tài chính và ảnh hưởng tới tất cả các ngành, lĩnh vực. Hơn nữa, trong một thời gian dài, chỉ số đầu tư trên GDP (ICOR) của Việt Nam thuộc hàng cao nhất trên thế giới.
Thiết nghĩ để chiến lược cải tổ toàn diện tới đây có thể thành công và thay đổi căn bản hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, các giải pháp cho vấn đề nâng cao năng suất và hiệu quả của các ngành kinh tế cũng nên được xem xét một cách kỹ lưỡng song song với các nội dung tái cấu trúc khác.
Các ngành sản xuất của Việt Nam thường được các chuyên gia đánh giá là tạo ra giá trị gia tăng thấp và chủ yếu là tận dụng lợi thế lao động dồi dào giá rẻ. Các sản phẩm xuất khẩu đa dạng, nhưng chiếm 1/3 tỷ trọng kim ngạch là sản phẩm dệt may, da giầy, và đồ nội thất.
Nhận định này một lần nữa được khẳng định khi các ngành nghề chế biến chế tạo thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp như thực phẩm đồ uống, dệt may, thủy sản cũng là những ngành mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Đặc biệt, đầu tư vào ngành nông lâm thủy sản hiện nay có vẻ như lại đem nhiều hiệu quả hơn so với các lĩnh vực khác. Ngoài thực tế là kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông sản như cà phê, gạo và thủy sản lại gia tăng nhanh chóng trong giai đoạn 2005-2010, cơ sở dữ liệu của Vietnam Report về 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về doanh thu cho thấy, trong năm năm 2007-2011, ngành nông lâm thủy sản luôn đứng đầu về chỉ tiêu sinh lời trên tài sản và trên vốn chủ sở hữu (ROA và ROE) (hình 1).
Hình 1: Chỉ tiêu sinh lời trên tài sản và trên vốn chủ sở hữu theo ngành nghề, 2007-2011
(Nguồn: Vietnam Report, CSDL VNR500 2007-2011)
Trong công bố gần đây nhất của Vietnam Report về 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (giai đoạn 2007-2010), xét về tổng thể, tốc độ tăng trưởng của các phân ngành là khá cân bằng, tuy nhiên, nhóm ngành nông lâm thủy sản có tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất (52%).
Hình 2: So sánh 1 số chỉ tiêu theo lĩnh vực ngành nghề, doanh nghiệp FAST500
(Nguồn: Vietnam Report, CSDL FAST500 2011)
Có thể nói, sự thay đổi của một lĩnh vực mà trước đây chỉ được coi là “lấy công làm lãi” là một trong những thành công của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nền kinh tế, bởi các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này hầu hết đã đạt tới tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến sản phẩm và hướng tới những thị trường khó tính trên toàn thế giới như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản….
Các doanh nghiệp sản xuất theo chu trình khép kín và xuất khẩu các sản phẩm đã chế biến hoặc sơ chế chứ không chỉ nguyên liệu sản phẩm thô như trước đây. Những doanh nghiệp như Ba Huân (cung cấp trứng sạch), hay Hùng Cá (sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản) là một trong những cái tên tiêu biểu trong ngành.
Tuy nhiên, những con số về chỉ tiêu hiệu quả trong hình 1 cũng cho thấy, các lĩnh vực ngành nghề đều giảm sút về mức độ sinh lời trong giai đoạn trên. Ngoài lý do khó khăn kinh tế chung trong giai đoạn này, sự giảm sút đó cũng cho thấy các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của chính phủ trong suốt những năm 2008 đến nay như gói kích cầu năm 2009, các biện pháp giảm lạm phát và lãi suất năm 2010 – 2011 của chính phủ chưa thực sự đạt được nhiều tác dụng như mong muốn, hoặc có chăng, đó chỉ là biện pháp mang tính đối phó tạm thời, chưa thể giải quyết được khó khăn bản chất của nền kinh tế.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2005 – 2010, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là nhờ vào nguồn lao động ngày càng tăng và sự chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ, đóng góp khoảng 2/3 mức tăng trưởng GDP. Chỉ 1/3 còn lại là kết quả của việc cải thiện năng suất trong các ngành kinh tế.
Chính phủ Việt Nam hiện đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng 7% tới năm 2020 và các chuyên gia kỳ vọng rằng cuộc cải tổ cấu trúc nền kinh tế sẽ mang lại thành công giúp đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, đây cũng được cho là một mục tiêu khá tham vọng và khó có thể đạt được khi thành quả của tái cấu trúc chưa rõ ràng.
Khi cơ cấu dân số vàng đang đi qua và suy yếu dần và việc giảm dần tỷ trọng của ngành nông nghiệp không còn đủ sức để dẫn dắt tăng trưởng, thì việc nâng cao năng suất để bù đắp cho tốc độ tăng trưởng đang giảm sút là một trong những biện pháp cần thiết nhằm giải quyết căn bản gốc rễ của những vướng mắc hiện tại.
Buổi Lễ tôn vinh và Diễn đàn FAST500 sẽ diễn ra vào ngày 10/04/2012 tại TP. Hồ Chí Minh, với sự đồng hành của VIETNAMWORKS. Đặc biệt trong buổi Lễ sẽ có sự xuất hiện của các diễn giả quốc tế đến từ Hoa Kỳ trình bày trước các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam về việc quản trị doanh nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp.. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Bảng xếp hạng FAST500 được công bố để nghi nhận một cách khách quan thứ hạng về tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh mà các doanh nghiệp xuất sắc của Việt Nam đã nỗ lực đạt được. Thông tin chi tiết đuợc đăng tải trên website: www.fast500.vn