Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp.
Ngày 19-9, Bộ KH&ĐT cùng Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ hai năm 2019 (VRDF 2019). Chủ đề diễn đàn lần này đề cao tính “hành động” với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động”.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT trong phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh: VRDF 2019 mở rộng hơn cả về quy mô, nội dung và số lượng các đại biểu tham dự, nhất là các diễn giả, học giả, chuyên gia hàng đầu thế giới và trong nước về cải cách và phát triển.
Khẳng định “mọi người Việt Nam đều mong muốn cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc”, Bộ trưởng Dũng đồng thời điểm qua những nét chính về sự phát triển của Việt Nam bằng những chỉ số về quy mô nền kinh tế, thu nhập đầu người, quá trình hội nhập và cải cách thể chế, thu hút đầu tư.
Ông nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong bối cảnh Việt Nam đã là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nhưng năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao, nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện.
Theo Bộ trưởng Dũng, thế giới mà chúng ta đang sống đang thay đổi rất mau lẹ với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp.
Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến. Bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.
“Chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách”, Bộ trưởng Dũng nói.
Tuy vậy, Bộ trưởng Dũng tin tưởng Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam có thể sẽ hiện thực hóa được khát vọng thịnh vượng của đất nước.
Dự thảo chiến lược phát triển ấy xác định một định hướng quan trọng về thể chế là “Hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế; Xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số; cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường".
Sau khi điểm qua một số nét chính của Chiến lược này, Bộ trưởng Dũng khẳng định: “Những khát vọng và mong muốn của chúng tôi trong việc phát triển đất nước ngày càng thịnh vượng, hiện đại, với những định hướng táo bạo và đầy quyết tâm là rất rõ ràng”.
Chân Luận
Theo Pháp Luật
Vietnam Report