Chiến lược kinh doanh, quyết định thành công

10/09/2018

Chuyên mục:

Khởi sự DN chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Theo số liệu thống kê, cứ 10 DN khởi nghiệp có đến 9 DN phải đóng cửa, tuyên bố phá sản trong vòng 1-3 năm.

Thông thường, các startup thất bại không phải vì họ “lười” hay ý tưởng kinh doanh kém mà đa phần họ thất bại vì thiếu kiến thức, chiến lược kinh doanh. Trong điều kiện kinh tế và môi trường kinh doanh hiện tại của DN Việt, điều này càng trở nên vô cùng quan trọng.
 
Không lượng sức mình
 
Chúng ta tạm hiểu “hoạch định chiến lược kinh doanh là việc xác định các mục tiêu chủ yếu dài hạn của DN. Từ đó lựa chọn phương thức hành động và phân bổ các tài nguyên thiết yếu của DN để thực hiện các mục tiêu đó”. Lý thuyết tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế triển khai rất phức tạp. Nhiều DN có xây dựng chiến lược nhưng kết quả không cao, thiếu tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn hoạt động. Vì sao lại xảy ra tình trạng trên?
Trước hết do việc công tác nghiên cứu thị trường không tốt. Không nắm được chiến lược kinh doanh của đối thủ cạnh tranh chủ yếu. Không nắm bắt sản phẩm của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Khi nghiên cứu thị trường chỉ thực hiện một cách đại khái, cảm tính. Nhiều đơn vị kinh doanh đa ngành nhưng năng lực chỉ đủ kinh doanh ngành cốt lõi.
Các DN không tuân thủ theo chiến lược kinh doanh của mình đề ra thường có khuynh hướng chạy theo phong trào, đặc biệt nhảy vào những lĩnh vực có tỷ suất sinh lợi cao nhưng rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán, trong khi thiếu kiến thức cũng như lợi thế về những ngành này.
Mặt khác, DN chỉ phù hợp với quy mô hoạt động địa phương do có lợi thế về thị trường, về chính sách của địa phương, nhưng khi mới có bước đầu thành công ngay lập tức mở rộng hoạt động trên phạm vi cả nước, dẫn đến nhiều khó khăn do phải chia cắt lực lượng, tăng chi phí, giảm lợi nhuận. Các DN thành công thường xác định được giá trị cốt lõi của bản thân, cung cấp cho thị trường những sản phẩm mang sự khác biệt riêng với DN cùng ngành.
Do các DN không xác định được chiến lược kinh doanh rõ ràng, trong quá trình xây dựng kế hoạch sử dụng vốn không khả thi, dẫn đến không chủ động về nguồn vốn. Biểu hiện cụ thể là DN xem vốn ngân hàng là một trong những nguồn lực quan trọng giúp tồn tại và phát triển, đã sử dụng vốn vay này vượt quá sức mình.
Tuy nhiên, vốn ngân hàng không phải là chìa khóa vạn năng, nhiều DN sử dụng một cách vô tội vạ gấp hàng chục lần vốn điều lệ trong khi giới hạn cao nhất chỉ cấp 2 lần vốn điều lệ. Khi biến cố xảy ra, DN gặp rất nhiều khó khăn trong trả lãi, trả vốn, có DN phải đóng cửa, phá sản.
Sử dụng vốn ngắn hạn nhưng để đầu tư dài hạn. Đây là bài học xương máu của một số DN kinh doanh bất động sản. Để phát triển dự án bất động sản phải mất 3-5 năm, nhưng khi vay chỉ vay với những dòng vốn ngắn hạn, nên khi mất thanh khoản, ngân hàng hạn chế các khoản vay ngắn hạn DN sẽ ngay lập tức gặp khó khăn. Để hạn chế những khó khăn trong quá trình sử dụng vốn, DN nên chú trọng đến nhiều nguồn vốn khác ngoài vay ngân hàng, như phát hành trái phiếu DN, phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, mời gọi hợp tác đầu tư. 

Xác định điểm mấu chốt, ưu tiên

Nhiều DN không quan tâm đến việc hoạch định nguồn nhân lực trong chiến lược kinh doanh của mình. Họ chỉ quan tâm đến giá trị tạm thời của người lao động. Một số DN có quan điểm thiếu người lúc nào tuyển lúc đó. Nhưng họ quên rằng trong những điều kiện khác nhau, việc tuyển dụng sẽ gây cho DN tổn thất một lượng chi phí rất lớn nhưng cũng không chắc tuyển đúng người theo yêu cầu công việc.
Với những sai lầm mắc phải nêu trên, các DN cần làm gì khắc phục và hướng đến xây dựng được chiến lược kinh doanh thực sự hiệu quả? Trước nhất, muốn hoạch định được chiến lược kinh doanh tốt cần dựa trên cơ sở nghiên cứu thị trường. Việc này cần sự tỉ mỉ để tìm ra nhu cầu cầu thực tế của thị trường, đối thủ cạnh tranh của mình là ai, họ đang làm gì, phương thức, cách thức kinh doanh là gì? Có rất nhiều DN thất bại vì công tác nghiên cứu thị trường làm không tốt, dẫn đến quyết định sản xuất, kinh doanh gặp nhiều sai lầm, hàng hóa dư thừa, bán không được.
Rất nhiều DN thành công cũng như thất bại phần lớn cũng từ cách thức bán hàng, xây dựng kênh phân phối cho sản phẩm của mình. Có nhiều phương thức để tiếp cận khách hàng. Trong đó phương thức tối ưu là đưa sản phẩm của mình đến càng gần khách hàng với chi phí rẻ nhất. Có thể thông qua đại lý, các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, ngay cả bán hàng online, mạng xã hội…
Trong quá trình hoạt động tài chính là yếu tố sống còn của DN. Vì vậy trong quá trình thành lập, DN cần xem xét tài chính của mình từ nguồn nào? Có vay nợ hay không? Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu? DN muốn thành công phải có sự khác biệt trên thị trường. Theo đó, khi hoạch định chiến lược kinh doanh phải chứng minh được sự khác biệt của mình và đối thủ cạnh tranh. Kinh nghiệm, nếu trước mắt chưa có sự khác biệt mình phải có phương án để khách hàng có thể nhận thấy được sự khác biệt vượt trội của DN, như chất lượng, mẫu mã, bao bì, giá thành sản phẩm… 
Thực hiện đúng theo chiến lược kinh doanh đã xác định trước sẽ giúp DN tránh được những quyết định đầu tư mạo hiểm. Xác định được kế hoạch kinh doanh rõ ràng, từ đó tạo nhiều điều kiện thuận lợi và niềm tin cho nhà đầu tư khi đầu tư vào DN, đồng thời thuận lợi hơn đối với các ngân hàng trong trường hợp giải ngân những khoản cho vay, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của DN.

Th.S Hàng Nhật Quang, Giám đốc Học viện Khởi nghiệp Thành Công CN TPHCM

Vietnam Report