Về phương diện lý thuyết cũng như thực tế đã chứng minh, mỗi công cụ chính sách chỉ mang lại hiệu quả cao khi theo đuổi một mục tiêu.
Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng trong buổi trả lời phỏng vấn của chúng tôi mới đây.
PV: Ổn định giá trị đồng tiền có ý nghĩa thế nào đối với một nền kinh tế thưa bà?
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh: Những trải nghiệm thực tế trên thế giới cho thấy trong nền kinh tế thị trường hiện đại, các định chế tài chính không thể lành mạnh và hệ thống thanh toán không thể vận hành hiệu quả khi giá trị của đồng tiền không ổn định, thậm chí sự dao động liên tục giá trị của đồng tiền sẽ xói mòn dần sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.
Mức độ dao động đó nếu không được kiểm soát sẽ có thể làm cho nền kinh tế phải đối mặt với hai thách thức lớn đó là lạm phát và giảm phát. Và hậu quả của những thách thức này sẽ phá vỡ những mục tiêu vĩ mô cơ bản của một quốc gia.
Chính vì thế, ổn định giá trị đồng tiền đã trở thành mục tiêu hàng đầu tất cả các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới. Chất lượng của đồng tiền cao khi giá trị của đồng tiền ổn định và chỉ có như vậy thì giá cả được biểu hiện bằng tiền sẽ có thể cung cấp những thông tin đáng tin cậy về các chi phí có liên quan đến hàng hóa và dịch vụ cho các chủ thể trong nền kinh tế, để từ đó có thể đưa ra các quyết định kinh tế đúng và lành mạnh góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng của nền kinh tế
Có thể nói, ổn định giá trị đồng tiền có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với một nền kinh tế, vì nó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô (việc làm, thu nhập, công bằng, an sinh xã hội), tăng cường vị thế đối ngoại của nền kinh tế, hay nói ngắn gọn hơn là sự ổn định giá trị đồng tiền sẽ giúp cho nền kinh tế đạt được các mục tiêu vĩ mô cơ bản và góp phần củng cố sức mạnh của nền kinh tế.
Xin quay trở lại lịch sử một chút. Đâu là sự lựa chọn tối ưu cho định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2012? Liệu có lựa chọn nào khác không, thưa bà?
Nhìn lại tình hình kinh tế năm 2011, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho thấy, nền kinh tế đang đứng trước những mất cân đối lớn: Tăng trưởng kinh tế đạt 5,89%, tốc độ tăng CPI 18,13%, thâm hụt ngân sách trên 5%, thâm hụt thương mại lớn. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng bộc lộ nhiều yếu kém, hiệu quả đầu tư thấp, thị trường tài chính ẩn chứa nhiều bất ổn.
Nếu kéo dài tình trạng như vậy, bước sang năm 2012, kinh tế trong nước sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn như lạm phát tiếp tục biến động phức tạp sau một thời gian dài ở mức cao (từ năm 2007), tăng trưởng kinh tế chậm lại, các dòng vốn đầu tư không ổn định.
Thêm vào đó, dự báo cũng như thực tế cho thấy năm 2011 tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các nền kinh tế chủ chốt phục hồi chậm chạp, khủng hoảng nợ công khu vực Châu Âu lan rộng, biến động địa – chính trị ở Bắc Phi và Trung Cận Đông có khả năng gây ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế – xã hội thế giới, giá lương thực thực phẩm và năng lượng trên thế giới tiếp tục gia tăng.
Trước bối cảnh như vậy, việc thực thi CSTT theo xu hướng chặt chẽ, linh hoạt trong năm 2012 của NHNN là sự lựa chọn tối ưu, không còn sự lựa chọn nào khác tốt hơn. Nếu không thực hiện các biện pháp CSTT chặt chẽ, linh hoạt thì nguy cơ lạm phát tiếp tục gia tăng là khó tránh khỏi, đi kèm theo lạm phát là những mất cân đối vĩ mô sẽ tiếp tục trầm trọng hơn.
Trong năm 2012, các công cụ CSTT đã được sử dụng rất đồng bộ, hiệu quả theo đúng mục tiêu định hướng đã đề ra. Xu hướng thận trọng, được thể hiện ở giải pháp hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức từ 15-17%.( những năm trước là trên 20%-30
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được rằng tín dụng có tác động nhạy cảm đến lạm phát với độ trễ từ 5-6 tháng. Thêm vào đó, căng thẳng thanh khoản của thị trường tiền tệ thời gian đó cũng là do các TCTD tăng trưởng tín dụng quá nhanh so với nguồn vốn có thể huy động được trong những năm trước.
Hơn nữa, sự tăng trưởng tín dụng cũng là một trong những nhân tố gây ra nợ xấu. Vì vậy, việc thực hiện hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức như trên, cùng một lúc sẽ đạt được 3 mục tiêu: kiểm soát lạm phát, cải thiện thanh khoản của thị trường và hạn chế sự gia tăng nợ xấu.
Tính linh hoạt của CSTT, được thể hiện ở sự ứng phó kịp thời trước những biến động khó lường của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế: Hệ lụy của các biện pháp chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô năm 2011 và những bất ổn vĩ mô của của các nước khu vực đồng EUR cùng với những khó khăn trong phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới nói chung đã có ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp.
Trước tình hình này, khi lạm phát có xu hướng giảm, từ tháng 3/2012 NHNN đã kịp thời giảm mặt bằng lãi suất liên tiếp: Điều chỉnh giảm 4 lần đối với lãi suất tái cấp vốn từ 15% xuống 10%,lãi suất chiết khấu từ từ 13% xuống 8%. Và ngày 24 tháng 12 tiếp tục hạn thấp các mức lãi suất chỉ đạo thêm 1%. Lãi suất trên thị trường mở giảm 6 lần. Điều chỉnh giảm 4 lần trần lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND 14%/năm xuống 9%/năm và cuối tháng 12% tiếp tục hạ xuống 8% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng; từ 6%/năm xuống 2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn.
Bên cạnh đó , NHNN cũng áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với 4 lĩnh vực ưu tiên ( Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành công ngiệp hỗ trợ), lãi suất điều chỉnh giảm từ 15% xuống còn 13%, từ cuối tháng 12/2012 xuống 12%.
Riêng đối với tiền gửi trên 12 tháng, NHNN cho phép các TCTD tự ấn định trên cơ sở quan hệ cung cầu. Đây cũng là dấu hiệu khởi đầu cho việc tự do hóa lãi suất các loại kỳ hạn khi thị trường cho phép. Điều này cũng thể hiện tính lình hoạt và thận trọng trong việc điều hành CSTT của NHNN hướng tới áp dụng các công cụ tiền tệ gián tiếp.
Có vẻ như đang có quá nhiều áp lực lên chính sách tiền tệ, chính sách này có phải là “cây đũa thần” cho nền kinh tế Việt Nam không?
Về phương diện lý thuyết cũng như thực tế đã chứng minh, mỗi công cụ chính sách chỉ mang lại hiệu quả cao khi theo đuổi một mục tiêu. Chính sách tiền tệ là một công cụ quản lý kinh tế vĩ mô, với bản chất là một hệ thống các biện pháp chính sách của cơ quan quản lý tiền tệ (NHTW), nhằm điều tiết cung tiền và lãi suất để đạt được mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và công ăn việc làm cao.
Việc nới lỏng hay thắt chặt cung tiền qua công cụ CSTT, sẽ làm giảm hoặc tăng lãi suất nền kinh tế qua đó sẽ khuyến khích hay hạn chế hệ thống ngân hàng cho vay nền kinh tế ( hoặc doanh nghiệp đến vay ngân hàng), qua đó sẽ có tác động đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Do vậy, chính sách tiền tệ sử dụng để kiểm soát lạm phát sẽ hiệu quả hơn là sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng. Lý thuyết về tăng trưởng kinh tế đã khẳng định, có 4 yếu tố chính quyết định tăng trưởng kinh tế đó là: lao động, vốn , đất đai và công nghệ. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vững chắc, cần sử dụng có hiệu quả cả 4 yếu tố đó. Vốn chỉ là một yếu tố, và vốn từ hệ thống ngân hàng chỉ là một kênh trong số rất nhiều kênh khác để tăng trưởng kinh tế , như vốn từ ngân sách, vốn vay nước ngoài và vốn tự có của doanh nghiệp….
Từ đó có thể thấy, không thể sử dụng hiệu quả công cụ CSTT khi mà công cụ này phải theo đuổi cùng một lúc quá nhiều mục tiêu.
Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh hiện nay, NHNN có nên tuyên bố nới lỏng mạnh hơn nữa chính sách tiền tệ không?
Như đã nói phần trên, nhiệm vụ chính của CSTT là kiểm soát lạm phát nên việc công bố nới lỏng hay thặt chặt CSTT chỉ vì mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong ngắn hạn, khi lạm phát đã được kiểm soát, doanh nghiệp đang gặp khó khăn như hiện nay, NHNN đã thực hiện hạ thấp mặt bằng lãi suất và cung ứng vốn cho các NHTM để đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm nhằm thúc đẩy sản suất và nâng cao đời sống nhân dân.
Việc hạ thấp lãi suất và cung ứng tiền cũng đồng nghĩa với nới lỏng CSTT, song mức độ nới lỏng vẫn phải đảm bảo kiểm soát được lạm phát như mục tiêu đã đề ra.
Bà có thể giải thích rõ hơn về độ trễ của CSTT. Độ trễ đó đòi hỏi tính kiên định mục tiêu và sự phối hợp chính sách thế nào?
Những thay đổi của công cụ CSTT làm tăng/giảm lãi suất hay cung tiền không thể tác động ngay đến sự thay đổi về lạm phát, hoặc ảnh hưởng ngay đến tăng trưởng kinh tế, bởi nó cần thời gian để thay đổi hành vi thị trường.
Chẳng hạn như khi NHTW nâng lãi suất chỉ đạo bằng cách cho vay các NHTM trên thị trường mở hoặc tái cấp vốn ở một mức lãi suất cao hơn , khi đó nó mới tác động trực tiếp đến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, còn lãi suất các NHTM không thể thay đổi ngay vì nó liên quan đến các hợp đồng (cả tiền vay lẫn tiền gửi) NHTM đã ký kết với khách hàng.
Ở các nước có thị trường phát triển, khoảng thời gian từ khi NHTW thay đổi mức lãi suất chỉ đạo đến khi các NHTM thay đổi lãi suất đối với nền kinh tế phải mất từ 1-3 tháng. Từ khi lãi suất nền kinh tế thay đổi sẽ có những ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của các chủ thể trong nền kinh tế thể hiện qua thay đổi về thu nhập, tiêu dùng và đầu tư, sau đó mới tác động đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Khoảng thời gian này rất khác nhau giữa các quốc gia, và cũng rất khác nhau trong từng giai đoạn phát triển. Chính vì vậy, một trong những yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả điều hành CSTT đó là khả năng dự báo tốt những nhân tố tác động làm thay đổi dự báo lạm phát trong tương lai để NHTW kịp thời điều chỉnh các chính sách.
Đồng thời trong quá trình điều hành cần thiết phải kiên định mục tiêu theo đúng nhiệm vụ cơ bản mà bản thân mỗi chính sách hướng tới và tăng cường sự trao đổi, phối hợp đồng bộ giữa các chính sách để hướng tới mục tiêu chung.
Bên cạnh đó, cũng cần thiết tăng cường tính linh hoạt, sáng tạo trong việc điều chỉnh phù hợp mục tiêu của từng chính sách, sử dụng các công cụ chính sách trong từng giai đoạn, chấp nhận những đánh đổi về mục tiêu nhất định trong ngắn hạn để phản ứng nhanh chóng trước các diễn biến bất thường của nền kinh tế nhưng không quên đi mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản, và tính quy luật của mỗi chính sách.
Xin cảm ơn bà về những chia sẻ này!
Nguyễn Hằng (thực hiện)
Theo Trí Thức Trẻ