Có mặt tại Việt Nam nhân dịp Lễ Công bố Bảng xếp hạng 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) ở Hà Nội, ngày 09/4/2013, giáo sư Dukakis đã trả lời phỏng vấn VietNamNet.
Giáo sư Michael Stanley Dukakis, người làm Thống đốc Massachusetts 3 nhiệm kỳ, đã ghi lại dấu ấn sự nghiệp lãnh đạo thành công của mình với biệt danh “Điều kỳ diệu Massachusetts”. Có thể nói, cho tới tận bây giờ, Dukakis vẫn luôn là một gương mặt danh tiếng và đầy tầm ảnh hưởng ở bang Massachusetts cũng như toàn nước Mỹ.Michael Stanley Dukakis bắt đầu nhiệm kỳ thống đốc bang đầu tiên vào năm 1975 và 2 lần tái đắc cử vào năm 1982 và 1986.
Ông đồng thời là cựu ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, đối thủ của Bush cha trong cuộc đua tranh vào Nhà Trắng năm 1988.
Trong những năm 1980 của thế kỷ 20, Dukakis đã ghi lại dấu ấn của mình khi đưa Massachusetts tăng trưởng kinh tế dựa trên phát triển công nghệ cao và dịch vụ tài chính. Hiện nay ông là giáo sư giảng dạy tại một số trường đại học ở thành phố Boston thuộc bang Massachusetts và là giám đốc Diễn đàn Boston toàn cầu.
Giáo sư Michael Stanley Dukakis |
Ông có thể chia sẻ những bí quyết biến Massachusetts trở thành một trung tâm công nghệ cao hàng đầu thế giới?.
– Trước khi tôi làm thống đốc bang lần thứ nhất vào cuối năm 1975 thì Massachusetts vẫn chỉ là một bang sản xuất công nghiệp bình thường với tỷ lệ thất nghiệp xếp thứ 2 nước Mỹ.
Để biến Massachusetts trở thành một trung tâm công nghệ cao có rất nhiều việc phải làm, nhưng có 2 vấn đề đó là xây dựng hạ tầng thật tốt và đẩy mạnh giáo dục đào tạo cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến nghiên cứu, làm việc.
Lợi thế của Massachusetts mà cụ thể là Boston khi đó là có các trường đại học lớn, nổi tiếng, chẳng hạn như Harvard, các trường Y là nơi thu hút và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng không chỉ cho nước Mỹ mà còn cho cả thế giới.
Tiếp đó là khuyến khích các trườn đại học tập trung vào nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao. Điều quan trong nữa là thu hút nguồn nhân tài từ các nơi về đây học tập ở lại làm việc.
Để các nhân tài đổ về, mang chất xám xây dựng Massachusetts thì cần tạo môi trường sống chất lượng cao mà điều quan trọng là phải có không gian xanh, sạch, cộng với bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử.
Chuyện này không nên coi thường bởi nó khiến nhiều người sẽ thích sống ở đây. Hiện nay theo thống kê cứ 100 tiến sỹ đến nghiên cứu tại Boston thì có 50 người ở lại làm việc.
Trong một lần gửi thư cho các DN thuộc nhóm 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, với tư cách là Ủy viên Hội đồng quản trị của Quỹ Văn hóa Boston, ông đã viết: “Boston là nơi hoàn hảo để chào đón các DN Việt Nam và tôi hy vọng rằng, rất nhiều nhà lãnh đạo DN ở Việt Nam sẽ nhận thấy rằng Boston sẽ là quê hương thứ hai cho các công ty của mình”. Ông có thể nõi rõ hơn về điều này cho các DN Việt Nam?
– Boston bây giờ là trung tâm công nghệ cao hàng đầu thế giới, ở đó có rất nhiều DN lớn quy mô toàn cầu về công nghệ cao; có nhiều trung tâm nghiên cứu đào tạo tốt; có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao tụ hội.
Đây là nền tảng để DN Việt Nam có thể sử dụng và biến mình thành DN toàn cầu.
Khi đó Boston sẽ giống như 1 trung tâm đầu não về nghiên cứu phát triển sản phẩm, thương hiệu cho các DN Việt Nam để vươn ra toàn cầu và DN Việt Nam luôn đi về Boston. Đó chính là quê hương thứ 2 của DN Việt Nam. Với tình yêu đối với Việt Nam tôi rất mong muốn được nhìn thấy điều này.
Hiện nay tôi đã chứng kiến trong trường đại học tôi giảng dạy có nhiều sinh viên Việt Nam rất suất sắc đang theo học và hàng xóm nhà tôi cũng là người Việt Nam rất giỏi trong lĩnh vực y khoa. Tôi hy vọng sắp tới sẽ có nhiều DN Việt Nam suất sắc tại Boston.
Có người hỏi tôi Việt Nam là một cường quốc cafe. Cafe Việt Nam rất ngon nhưng đến nay vẫn không có được thương hiệu toàn cầu vì sao? Đó cũng là điều mà tôi rất ngạc nhiên. Chúng tôi cũng mong muốn cùng hợp tác để làm điều này.
Nhưng các DN Việt Nam đến nay còn khá nhỏ bé và yếu kém, liệu có thể phát triển được ở Boston?
– Đúng là DN Việt Nam, theo tôi biết hiện quy mô khá nhỏ bé, đặc biệt là năng lực quản trị yếu kém, chính vì vậy mà sử dụng các nguồn lực thiếu hiệu quả, năng lực cạnh tranh thấp.
Vì vậy sang Boston không hề dễ dàng, phải biết cách làm nếu không thì sẽ tốn tiền vô ích. Với cương vị là giám đốc Diễn đàn Boston toàn cầu tôi sẵn sàng giúp các DN Việt Nam trong vấn đề này.
Việt Nam đang phát triển và rất muốn phát triển những ngành sản xuất có công nghệ cao, theo ông phải làm gì?
– Như đã nói cần phải đẩy mạnh giáo dục và phát triển hạ tầng. Tại Hà Nội và tp Hồ Chí Minh tôi thấy nhiều nhà cao tầng chọc trời. Xây nhiều nhà cao tầng chỉ khiến dân đổ về đó ở và gây ra tắc đường, ô nhiễm… ở Boston chúng tôi không làm như vậy, không xây nhà chọc trời, cũng không làm đường cao tốc, tiền đó dành phát triển hệ thống giao thông thuận tiện cho đi lại như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao…
Ngoài ra là tạo ra môi trường cảnh quan sạch, xanh, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử cùng với môi trường học tập, kinh doanh thông thoáng lành mạnh để tất cả cùng cạnh tranh bình đẳng.
Ông có chia sẻ gì với các DN Việt Nam trong xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay?.
– Cho đến nay vấn đề của sản xuất không phải là cứ chiếm nhiều thị phần là tốt. Vấn đề cốt lõi nhất chính là luôn cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo gia những giá trị gia tăng không ngừng, điều đó mới đem lại thành công. Muốn như vậy chỉ có đầu tư cho công nghệ cao, nghiên cứu sâu mới mong đạt được. Trên thế giới xu hướng này đang ngày càng phát triển và Việt Nam không thể đứng ngoài. Nhưng muốn làm được như vậy thì phải biết thay đổi.
Xin cảm ơn ông…