Chủ tịch DELTA GROUP: Góc nhìn thị trường Bất động sản Việt Nam 2019-2020

19/02/2020

Chuyên mục:

Thị trường Bất động sản đang trải qua khá nhiều khó khăn, đặc biệt với ảnh hưởng từ dịch virus nCoV (nay gọi là Covid-19) bùng phát. Doanh nghiệp trong ngành sẽ kì vọng những gì để đối mặt với khó khăn và vươn lên phát triển mang tầm “quốc tế” hơn? Vietnam Report thực hiện phỏng vấn về góc nhìn thị trường Bất động sản Việt Nam giai đoạn 2019-2020 với Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Delta (Delta Group) – Ông Trần Nhật Thành.

Thưa Ông, Ông đánh giá như thế nào về bức tranh toàn cảnh ngành bất động sản - xây dựng Việt Nam trong năm 2019? Ông có nhận xét gì về xu hướng kinh doanh bất động sản trong năm vừa qua?

Theo tôi, năm 2019 là một năm rất “vất vả” của thị trường bất động sản (BĐS). Bất động sản nghỉ dưỡng nói chung, đặc biệt BĐS nghỉ dưỡng vùng ven biển nói riêng, là phân khúc được khai thác khá nhiều trong thời gian qua; tuy nhiên, cá nhân tôi đánh giá sự phát triển của phân khúc này chưa thực sự tốt. Một trong những nguyên nhân là do không có kế hoạch bài bản cho sự phát triển kinh doanh BĐS du lịch; bên cạnh đó, sự không rõ ràng về vấn đề pháp lý khiến các nhà đầu tư phải lưu ý nhiều.

Ông dự báo như thế nào về xu hướng tổng quan của thị trường BĐS trong năm 2020 và trong vài năm tới?

Theo tôi, thị trường BĐS trong năm 2020 sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn đến từ sự vướng mắc của pháp lý, sự chồng chéo của luật, nghị định đã được ban hành, và sự thiếu minh bạch về việc sử dụng hành chính.

Trong năm vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã kiên quyết tìm mọi cách để khắc phục và nỗ lực đưa những vấn đề này vào quỹ đạo; đây là một điều rất tốt. Tuy nhiên, tôi mong muốn quá trình này diễn ra nhanh và rõ ràng hơn, tránh kéo dài tạo ra những rủi ro không đáng có cho thị trường BĐS.

Mặc dù có thể đối diện với nhiều khó khăn nhưng một vài lĩnh vực BĐS vẫn có cơ hội phát triển trong các năm tới như: (i) Dự án BĐS chất lượng vượt trội tại những vị trí “quỹ đất vàng”, đáp ứng nhu cầu của nhiều người tiêu dùng mong muốn tận hưởng cuộc sống cao cấp hơn; (ii) Dự án BĐS ở những khu du lịch ven biển dành cho các chủ đầu tư thực sự có kiến thức và tiềm lực thị trường chắc chắn.

Trong 2020 và các năm tiếp theo, sự phân hóa các sản phẩm mang tính thị trường sẽ ngày càng rõ nét hơn thay vì mang tính “bầy đàn” như bây giờ. Thị trường BĐS nước ta sẽ tồn tại ở dạng cùng một thị trường nhưng một số chủ đầu tư sẽ phát triển rất tốt, đi lên được; một số chủ đầu tư khác lại dễ dàng bị “ế” hàng, thậm chí là thua lỗ, “vỡ trận”. Điều này phụ thuộc vào trình độ của những chủ đầu tư.

Nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua, hành lang pháp lý, sự chồng chéo của các luật, thủ tục hành chính liên quan cũng như việc siết chặt tín dụng dành cho BĐS của các ngân hàng là những nút thắt ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng của ngành, quan điểm của Ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi nghĩ mọi người đều nhìn ra rõ những điểm thắt này; tuy nhiên sự chồng chéo của một văn bản pháp luật đã tồn tại từ trước và nay chúng ta đang tìm cách khắc phục. Bản chất sự chồng chéo này tạo nên cơ chế “xin – cho”, điều này gây ra sự không công bằng trong xã hội, không có tính cạnh tranh. Việc giải quyết nhanh vấn đề này là khó, mặc dù Chính phủ, bộ, ngành đã tập trung xử lý quyết liệt và tăng cường trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp.

Thêm vào đó, thị trường tài chính đã có “hẻm” là một thách thức với thị trường BĐS, tuy nhiên nhìn rộng ra thì đây là sự bảo đảm cho một nền kinh tế ổn định và là yếu tố quan trọng, tránh cho sự “bong bóng” trên mọi lĩnh vực. Việc thắt chặt đấy không có nghĩa là làm “bóp” lại thị trường BĐS, mà họ chỉ “bóp” lại những thứ không ổn định và giữ chặt những thứ đang phát triển tốt, vậy thì ở đây giống như một quá trình thanh lọc cho thị trường BĐS.

Theo tôi, ngoài ba rào cản về luật pháp, thủ tục hành chính và vốn, lòng tin của người tiêu dùng vào sự phát triển của BĐS cũng là một rào cản vô cùng lớn trong thời điểm hiện nay. Sự tồn tại của những doanh nghiệp làm ăn thiếu trung thực, không đàng hoàng đã làm rối loạn thị trường, gây ra sự nghi ngờ không chỉ đối với những doanh nghiệp đó mà thậm chí còn ảnh hưởng tới cả những doanh nghiệp uy tín, chất lượng thực sự. Muốn lấy lại lòng tin của người tiêu dùng thì bắt buộc chúng ta phải tháo gỡ tâm lý “sợ” của họ khi làm việc với công quyền, bằng cách giúp người dân hiểu thế nào là đúng luật và cần tạo động lực, thúc đẩy hơn nữa cho những người làm việc thực sự có trách nhiệm.

Chủ tịch Trần Nhật Thành, Delta Group

Ảnh: Vietnam Report

Thưa Ông, nhiều ý kiến cho rằng chu kỳ bất động sản thường lặp đi lặp lại sau 10 năm. Năm 2003, khi dịch SARS khiến nguồn cung giảm, một phần cũng do niềm tin người tiêu dùng trên thị trường BĐS. Giai đoạn 2010-2013, giá BĐS lao dốc. Đầu năm 2020, dịch nCoV bùng nổ gây ảnh hưởng không nhỏ đến mọi ngành nghề, trong đó có BĐS. Theo Ông, trong giai đoạn 2020-2023, có thể xảy ra một đợt giá sụt giảm giống thời kỳ 2010-2013 hay không?

Dịch nCoV có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường BĐS, thậm chí mức độ ảnh hưởng còn hơn cả dịch SARS. Mức độ ảnh hưởng sẽ diễn ra ít nhất trong vòng 6 tháng tới.

Delta Group bình thường có một vạn công nhân làm việc trên mọi công trường, gần đây số lượng công nhân chỉ khoảng 3-4 nghìn. Ở mọi công trường đều rất cẩn thận khi sử dụng công nhân, với điều kiện họ phải đảm bảo sức khỏe, trình độ, không sử dụng bừa bãi; qua đây cho thấy mức độ ảnh hưởng là không nhỏ.

Ảnh hưởng rõ ràng hơn nữa là những dự án chúng tôi đang triển khai bên mảng du lịch, nhất là với những dự án có 70-80% khách du lịch đến từ Trung Quốc; điều này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn tiền không chỉ riêng ngành du lịch.

Riêng đối với ngành BĐS trước và sau dịch, thị trường sẽ không bị giảm giá một cách “khủng khiếp”, lao dốc như những năm trước vì hiện nay các điều kiện để phát triển BĐS rất rõ giá cả; tuy nhiên sẽ xảy ra hiện tượng có sự phân luồng trong hướng phát triển của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp tốt, đáp ứng đúng nhu cầu, sở thích, cũng như lấy được lòng tin của người tiêu dùng sẽ phát triển, còn nhiều doanh nghiệp yếu kém sẽ bị thất bại. Sự phân biệt này sẽ diễn ra với tất cả các ngành, kể cả nhóm ngành xây dựng như chúng tôi.

Một dự án của Delta Group

Ảnh: Delta Group

Với vai trò là một trong Top 10 nhà thầu BĐS uy tín trong 2-3 năm trở lại đây theo nghiên cứu của Vietnam Report, Ông có kiến nghị gì về chính sách, giải pháp như thế nào nhằm hỗ trợ tăng trưởng tốt hơn cho các doanh nghiệp trong ngành thời gian tới?

Dù doanh nghiệp có muốn gì thì điều quan trọng nhất là phải rà soát lại những luật chồng chéo để ngành BĐS được ổn định và bản thân các công chức công quyền có nhiệt huyết để thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa. Thêm vào đó, cần tạo nên những thông tin mạch lạc, rõ ràng hơn, tránh tạo ra những khoảng mở để cơ chế “xin – cho” hoạt động thì sẽ giảm được tối đa những rủi ro của ngành BĐS nói riêng.

Tiếp theo, chúng tôi mong muốn Nhà nước có thêm những chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp, những tập đoàn hàng đầu với định hướng đây là những doanh nghiệp tiên phong vì chính họ là những người chịu hy sinh. Rõ ràng, những người đi đầu cần cơ chế để tạo điều kiện cho họ phát triển, để sau này có cơ sở dẫn dắt ngành, nghề của mình.

Bên cạnh đó, cần chú trọng để các doanh nghiệp có tiếng nói, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển lành mạnh.

Xin cảm ơn Ông. /.

 

Thực hiện: Vietnam Report

Nguồn: VNR500

Vietnam Report - Delta Group