Việt Nam tiếp tục được nhiều DN Mỹ và châu Âu lựa chọn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong 12 tháng tới, theo một khảo sát của Qima - nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng thực hiện với hơn 700 DN trên toàn cầu trong tháng 3 vừa qua. Cụ thể, 25% DN có trụ sở tại châu Âu trong cuộc khảo sát này cũng đã bình chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia cung ứng hàng đầu của họ trong quý I/2021.
Sản xuất linh kiện bán dẫn tại Công ty MTEX (Nhật Bản), Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Cao Thắng
Riêng với DN Mỹ, con số này thậm chí còn cao hơn, ở mức 43% trong quý I. Xu hướng này được cho là sẽ tiếp tục trong năm 2021.
Việt Nam gần đây nổi lên như một trong những điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư lớn. Rất nhiều câu chuyện thành công của công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam như: Samsung, Unilever, IBM, Microsoft, Abbott, Nestlé… đã được ghi nhận.
Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng cả nước vẫn thu hút được 28,53 tỷ USD vốn FDI và 4 tháng đầu năm 2021 Việt Nam vẫn thu hút được 12,25 tỷ USD vốn FDI cho thấy, Việt Nam luôn là điểm đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Có được lợi thế đó, một phần là nhờ vị trí địa lý và thị trường tiềm năng của nước ta. Ngoài ra, sức hút còn gia tăng khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chỉ tính riêng trong năm 2020, đã có thêm 3 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) quan trọng được ký kết, gồm: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và FTA với Vương Quốc Anh, nâng tổng số FTA Việt Nam tham gia lên con số 14.
Thực tế cho thấy đến nay dù trải qua 4 đợt bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng nền kinh tế vẫn phục hồi đáng kể. Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời kiểm soát lạm phát. GDP ước tính tăng 7% trong năm 2019, năm 2020 và quý I/2021 tăng trưởng dương, một trong những tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện sức mạnh cơ bản và khả năng phục hồi, được hỗ trợ mạnh mẽ bởi nhu cầu trong nước (gần 100 triệu dân) và sản xuất hướng xuất khẩu….
Nhờ vào các nền tảng cơ bản vững chắc, khả năng kiểm soát tương đối tốt đại dịch COVID-19 và một trong những yếu tố quan trọng nhất để các DN FDI lựa chọn đầu tư vào Việt Nam là sự ổn định và nhất quán về chính trị. Điều này giúp giải thích lý do Việt Nam luôn có lợi thế riêng so với Ấn Độ hay Trung Quốc. COVID-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái.
Chuỗi cung ứng toàn cầu đang hướng về Việt Nam. Về trung và dài hạn, Việt Nam sẽ hướng tới dòng vốn FDI “chất lượng cao”, tập trung vào các dự án FDI sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam cũng sẽ nhắm vào các dự án có sản phẩm cạnh tranh – là một phần của mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Đây là thời cơ để Việt Nam có các cơ chế cho DN FDI tăng cường kết nối hơn với DN Việt, hỗ trợ thiết thực về chuyên gia, giải pháp công nghệ, quản trị DN để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Trong các nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục cải cách mạnh mẽ để giúp nền kinh tế phục hồi trong trung hạn, như cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số, phát triển logistics, cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu suất và hiệu quả đầu tư công, là một trong số các chương trình chính mà Việt Nam cần xem xét để có các hành động cải cách mạnh mẽ và nhanh hơn nữa.
Thảo Nguyên
Theo Kinh tế & Đô thị