Chuyển đổi số, cơ hội vượt lên của DN Việt

09/08/2019

Chuyên mục:

Chuyển đổi số không hề dễ dàng, bởi việc hiểu thấu nền kinh tế kỹ thuật số và quá trình chuyển đổi là thách thức không nhỏ do sự phức tạp của nó. Song đó là xu hướng tất yếu. Nếu các DN không thay đổi sẽ bị tụt hậu.

Ngày 08/8/2019, tại Hà Nội, Hội nghị Vietnam CEO Summit 2019 với chủ đề “Chiến lược dẫn đầu trong chuyển đổi số và cơ hội cho các DN Việt Nam” đã diễn ra. Vietnam CEO Summit là hội nghị thường niên do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet tổ chức, dành cho các lãnh đạo DN lớn và DN tiêu biểu tại Việt Nam.

Cơ hội chưa từng có

Tiến sỹ David Bray, Giám đốc điều hành, People- Centered, thành viên cao cấp của viện Trí tuệ Con người và Máy móc (Hoa Kỳ) cho rằng, chúng ta đang đối mặt với sự thay đổi công nghệ chưa từng có. Nếu như năm 2013 thế giới với 7,1 tỷ người, có 7 tỷ thiết bị nối mạng toàn cầu thì dự báo tới 2025 với  8 tỷ người, sẽ có hơn 75 tỷ thiết bị nối mạng. Trong đó có 7 tỷ người  (chiếm hơn 85%) dân số thế giới luôn luôn online. Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều thay đổi trong 7 năm tới hơn 20 năm đã qua. Vạn vật  kết nối với Internet (IoT) sẽ thúc đẩy quá trình này theo cấp số nhân trong tất cả mọi lĩnh vực. Trước sự đổi thay lớn này, các DN cần nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng chuyển đổi số, để phát triển công nghệ, thúc đẩy sự sáng tạo.

Cuộc cách mạng số đã và đang tạo nên những chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội. Đặc biệt là đóng góp to lớn cho tăng trưởng kinh tế và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Số hóa có thể được ví như công nghiệp hóa về tác động của nó với các lĩnh vực kinh tế xã hội. Nếu công nghiệp hóa đặt sức mạnh của máy móc vào trung tâm nền kinh tế thì số hóa lấy trí tuệ kỹ thuật làm điểm tựa mới.

Khi chuyển đổi số, các DN sẽ đạt được 5 lợi ích chính là tỷ suất lợi nhuận tăng, năng suất lao động tăng, doanh thu tăng, giảm chi phí và tăng sự gắn kết với khách hàng.

Khảo sát trên 2.000 DN toàn cầu của Công ty tư vấn McKinsey đưa ra cho thấy, đóng góp của chuyển đổi số vào tăng doanh thu lợi nhuận rất đáng kể. Với nỗ lực chuyển đổi toàn diện, một DN có thể tăng doanh số thêm 11,2% và lợi nhuận 7,3%.

Có thể nói, chuyển đổi số mở ra cơ hội mới, để hội tụ nguồn nhân lực, bao gồm cả việc bỏ qua các cơ sở hạ tầng trung gian của thời đại công nghiệp, tận dụng sự lan tỏa của kiến thức rộng lớn từ Internet, tận dụng thị trường mới, được cung cấp bởi nền tảng kỹ thuật số và khai thác khả năng sản xuất được kích hoạt bởi công nghệ số. 

Đặc biệt cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cùng với quản trị tốt sẽ tạo điều kiện để vượt qua vấn đề phối hợp hay thiếu thị trường, thường gặp của các doanh nhân ở những nền kinh tế đang phát triển. Cho phép DN rời khỏi địa phương, đi ra toàn cầu phù hợp với xu hướng tự do hóa thị trường và giảm các rào cản thương mại.

DN Việt ngoài cuộc?

Tuy nhiên, chuyển đổi số là không hề dễ dàng. Khảo sát của Công ty tư vấn McKinsey cho thấy, tỷ lệ thành công cho các nỗ lực này thấp, dưới 30%. Ngay cả với các ngành am hiểu kỹ thuật số như công nghệ cao, truyền thông và viễn thông cũng gặp khó khăn. Trong những ngành này, tỷ lệ thành công không vượt quá 26%. Còn trong các ngành truyền thống như dầu khí, ô tô, cơ sở hạ tầng, dược phẩm… chuyển đổi số thành công chỉ từ 4-11%.

Theo các chuyên gia, DN Việt Nam hiện đang đối mặt với thách thức lớn từ sự thiếu hụt ngồn nhân lực, rào cản trong văn hóa DN, vốn quen với kinh tế truyền thống, sự thiếu hụt dữ liệu và tầm nhìn của người lãnh đạo. Hơn nữa, hạ tầng số ở Việt Nam chưa được nhận thức ở mọi cấp, như những hạ tầng khác. Dữ liệu quốc gia, địa phương hay toàn cầu đều thiếu. Chất lượng cũng như việc chia sẻ, kết nối còn hạn chế. Cùng với đó là hành lang pháp lý cũng thiếu.

Khảo sát của Bộ Công Thương, về tính sẵn sàng ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 cho thấy, vẫn có 61% DN đứng ngoài cuộc, 21% mới có hoạt động chuẩn bị ban đầu và có 16/17 ngành được khảo sát, có mức độ sẵn sàng thấp với chuyển đổi số.

Chuyên gia kinh tế Phạm Trí Hùng cho rằng, khó khăn là không nhỏ, nhưngchuyển đổi là xu hướng tất yếu. DN nên bắt tay vào chuyển đổi số theo 5 hướng chủ đạo, là số hóa các sản phẩm và dịch vụ, số hóa tiếp thị và kênh phân phối, số hóa hệ sinh thái, số hóa quy trình sản xuất, số hóa chuỗi cung ứng. Một chiến lược chuyển đổi số có thể được xây dựng gồm: xác định tầm nhìn, phân tích đánh giá các giá trị liên quan, nhìn nhận hiện trạng, hoạch định tương lai,  vạch rõ lộ trình, triển khai thực hiện và giám sát quá trình chuyển đổi với yếu tố quan trọng nhất chính là con người.

Chuyển đổi số không đơn thuần là nỗ lực đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin mà là công cuộc cải tiến toàn diện và sâu sắc, nhằm khai thác tối đa sức mạnh thời đại và tiến bộ công nghệ, từ đó nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và kiến tạo nền tảng căn bản cho quá trình phát triển lâu dài. Vì vậy thấu hiểu toàn cầu, nâng tầm tư duy chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong cả thiết kế lẫn triển khai cuộc chuyển đổi số. Nếu các DN không chuyển đổi sẽ bị tụt hậu. Bởi mô hình kinh doanh và cơ chế cạnh tranh truyền thống sẽ bị phá vỡ.

Trong khuôn khổ Hội nghị Vietnam CEO Summit 2019, Báo VietNamNet và Công ty Vietnam Report đã tổ chức lễ vinh danh Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019; Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2019, Top 10 Công ty công nghệ uy tín năm 2019 và Top 10 Công ty niêm yết uy tín năm 2019.

Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên những nguyên tắc khoa học và khách quan. Các doanh nghiệp được đánh giá và xếp hạng dựa trên ba tiêu chí: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính đã kiểm toán năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding, mã hóa các bài viết về các lĩnh vực liên quan; Khảo sát khách hàng kết hợp với điều tra, phỏng vấn sâu nhóm chuyên gia về vị thế và uy tín của các doanh nghiệp trong ngành, đồng thời thực hiện khảo sát chính các doanh nghiệp về quy mô vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm…

Trần Thuỷ

Theo Vietnamnet.vn

Vietnam Report