Cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ dệt may từ Vương quốc Bỉ

23/06/2016

Chuyên mục:

Ngày 21/6, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phối hợp với Cục Xúc tiến Đầu tư và Thương mại vùng Flanders và Hiệp hội máy móc ngành Dệt may Vương quốc Bỉ (Symatex) tổ chức Diễn đàn “Giải pháp công nghệ Vương quốc Bỉ cho công nghiệp dệt may Việt Nam”.

Ngày 21/6, diễn đàn "Giải pháp công nghệ Vương quốc Bỉ cho công nghiệp Dệt may Việt Nam" do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp với Cục xúc tiến Đầu tư và Thương mại vùng Flanders (FIT) và Hiệp hội Máy móc ngành dệt may Bỉ (symatex) cùng tổ chức tại Hà Nội đã thu hút 15 tập đoàn và doanh nghiệp đứng đầu thế giới về giải pháp công nghệ dệt may đến từ Vương quốc Bỉ. 

Theo ông Trương Văn Cẩm-Tổng Thư ký Vitas, Việt Nam đã ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có những FTA rất quan trọng như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngành dệt may được nhận định là đối tượng hưởng lợi hàng đầu từ các FTA này khi thuế suất theo lộ trình giảm dần về 0%. 

Đồng thời, nền công nghiệp dệt may Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp hàng đầu được hưởng lợi ích từ những hiệp định tự do thương mại này.

Hiện, Việt Nam đã thu hút nhiều dự án FDI mới trong ngành sản xuất dệt may và cùng lúc các doanh nghiệp trong nước cũng đầu tư ngày càng nhiều vào lĩnh vực này. Vì vậy, diễn đàn diễn ra đúng thời điểm hỗ trợ phát triển công nghiệp sản xuất dệt may Việt Nam. Ngài Wouter Vanhees, Tham tán Thương mại và Đầu tư, Cục xúc tiến Dầu tư và Thương mại vùng Flanders (Vương Quốc Bỉ) cho hay, các doanh nghiệp máy móc dệt may vùng Flanders luôn đeo đuổi chiến lược công nghệ hàng đầu và được thực hiện hoá bằng các doanh nghiệp máy móc dệt may liên tục đứng trong Top 5 ứng dụng được cấp bằng sáng chế.

 

Tuy nhiên để được lợi, doanh nghiệp trong nước phải đáp ứng quy tắc xuất xứ rất phức tạp, với EVFTA là từ vải, TPP từ sợi. Trong khi ngành đang nhập khẩu tới 80% nguyên phụ liệu, phần lớn nhập từ các thị trường ngoài khối TPP, EVFTA. Vì vậy, cải thiện công nghệ sản xuất, nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước là giải pháp cần sớm thực hiện. Diễn đàn được tổ chức đúng thời điểm sẽ giúp doanh nghiệp có sự lựa chọn công nghệ phù hợp. 

Diễn đàn còn là cầu nối cho những cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Bỉ, là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tìm hiểu thêm về sự phát triển và các giải pháp mới nhất trong các lĩnh vực dệt thoi và dệt Jacquard, thiết bị hoàn tất và phủ ngoài, hệ thống đưa sợi ngang, quản lý sản xuất, phụ tùng dệt may… giúp các doanh nghiệp được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp Vương quốc Bỉ về các vướng mắc và đưa ra những giải pháp công nghệ cho những thực tế mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải.

Tại diễn đàn các doanh nghiệp Bỉ giới thiệu sự phát triển và các giải pháp mới trong các lĩnh vực kỹ thuật dệt thoi và dệt Jacquard, thiết bị hoàn tất và phủ ngoài, hệ thống đưa sợi ngang, hệ thống quản lý sản xuất, phụ tùng dệt may.

Nguyễn Như

Tổng hợp

Vietnam Report