Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt

29/03/2018

Chuyên mục:

Việc tham gia CPTPP được đánh giá là một bước đi có lợi cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản. Đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2017 và năm 2018 còn được kỳ vọng là cao hơn nữa.

BĐS Việt Nam thu hút mạnh nhà đầu tư quốc tế

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI vào bất động sản Việt Nam năm 2017 đạt 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký, đứng thứ 3 trong 19 ngành và lĩnh vực thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong việc thu hút FDI vào Việt Nam. Sau khi lập kỷ lục với 3,05 tỷ USD trong năm 2017, dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018. 

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 1/2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 1,255 tỷ USD, bằng 75,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Ngày 9/3/2018 theo giờ Hà Nội, 11 quốc gia bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mặc dù tác động của CPTPP lên thị trường bất động sản không lớn như các ngành công nghiệp may mặc, thủy sản và nông nghiệp, nhưng nhu cầu của các ngành liên quan đến bất động sản như khu công nghiệp, nhà kho và hậu cần sẽ có sự gia tăng nhất định nhờ thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

 CPTPP được kỳ vọng sẽ mở cửa lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, theo đó các công ty nước ngoài sẽ thành lập hoặc đặt chi nhánh tại Việt Nam làm gia tăng nhu cầu về nhà xưởng, khu công nghiệp, mặt bằng văn phòng tiêu chuẩn quốc tế.

2 tháng đầu năm 2018, tổng vốn FDI vào bất động sản đạt 312 triệu USD (khoảng 7.000 tỷ đồng), chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có số lượng lớn nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Singapore - 2 nước trong CPTPP. Nhật Bản cũng trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào thị trường bất động sản Việt Nam.

 Theo đánh giá, dòng vốn đầu tư ngoại vào bất động sản trong năm 2018 sẽ chủ yếu tập trung từ các quốc gia Nhật Bản, Malaysia, Singapore. 7 nước còn lại trong CPTPP sẽ quan tâm đến các lĩnh vực khác như nông nghiệp, công nghệ nhiều hơn.

Giám đốc đầu tư JLL Việt Nam cho rằng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt kỷ lục trong năm nay bởi thị trường địa ốc sẽ tiếp tục sôi động.

Cơ hội và những thách thức không nhỏ

Thị trường bất động sản Việt Nam thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua hoạt động M&A. Hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài - với khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm sẽ hợp tác cùng với các tập đoàn tại địa phương - những nhà đầu tư đang nắm giữ đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại.

Những quy định mới trong Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2014, nhất là việc pháp luật cho phép chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án, cũng là một lợi thế giúp thị trường bất động sản Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Các yếu tố hỗ trợ về chính sách và pháp lý, sự phát triển của du lịch đã hỗ trợ rất nhiều trong việc nâng tầm Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư, giúp tiếp tục thu hút dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản. Trong đó, M&A sẽ còn tiếp tục đóng vai trò là một trong các kênh đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài này chỉ tham gia ở nhóm bất động sản thương mại (trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, cao ốc văn phòng…), thì hiện tại, hoạt động đã diễn ra rất sôi nổi tại phân khúc nhà ở, thông qua việc kết hợp với các nhà phát triển trong nước.

Với các nhà đầu tư nước ngoài này, một thị trường bất động sản hơn 100 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ là một cơ hội vô cùng hấp dẫn. Thêm vào đó, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Nha Trang, việc ngày càng có nhiều người trẻ với xu hướng ra ở riêng sau khi lập gia đình hoặc vừa đi làm thúc đẩy rất lớn sự gia tăng của nhu cầu nhà ở. Thị trường nhà ở bình dân được đánh giá là phân khúc thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.

Do đã thích nghi với các điểm mạnh, hạn chế, cũng như thực tiễn kinh doanh trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài không ngừng mở rộng mức độ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp và kho vận tại Việt Nam.

Nhiều chuyên gia nhận định, M&A trong lĩnh vực bất động sản nhiều khả năng sẽ đạt kỷ lục trong năm nay. Thị trường dự kiến sẽ tiếp tục sôi động, thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại, lĩnh vực bất động sản đang có hàng tỷ USD đang chờ đợi để đổ vào thị trường trong nước ở hầu hết các phân khúc. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và sự tăng trưởng của các nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Phân khúc nhà ở vẫn là thị trường hấp dẫn nhất. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư hiện nay đang có xu hướng chuyển sang thị trường bất động sản thương mại, đặc biệt tập trung vào các dự án văn phòng hạng A có vị trí đắc địa, tiềm năng tăng trưởng về giá trị vốn và lợi suất đầu tư (7%-8%). Đối với các dự án nhà ở và thương mại, các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm những khu đất “sạch” (ví dụ: hoàn thành thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn tất thanh toán chi phí sử dụng đất, có quyền sử dụng đất, và kế hoạch phát triển tốt). Tuy nhiên, những dự án như trên rất hiếm, bởi lẽ thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn non trẻ.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn bị kiểm soát chặt chẽ, các dự án có tiềm năng phát triển tốt khá khan hiếm. Khả năng tiếp cận đến các dự án tốt tương đối hạn chế. Do đó, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm đến sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để có thể gia nhập vào thị trường.

Trong năm 2018, nhận định sẽ có thêm nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và kỳ vọng có nhiều khách thuê thực hiện cấu trúc giao dịch bán và thuê lại.

Tổng hợp

Vietnam Report