Công nghiệp 4.0: Việt Nam đang “đứng” ở đâu?

14/06/2017

Chuyên mục:

Công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ 4 trên thế giới, hiện đang được dẫn dắt bởi xu hướng sản xuất thông minh (intelligent manufactoring). Chính phủ Việt Nam đang kêu gọi các doanh nghiệp hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tuy nhiên, nền công nghiệp Việt Nam đang “đứng” ở đâu?

Việt Nam đã sản xuất được những gì?
Ông Phạm Minh Thảo, Phó giám đốc công ty TNHH Việt Thăng, cho biết tầm phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam chỉ đạt 10% so với các nước phát triển đã “đi” được 90%.
Sản phẩm của Việt Nam chủ yếu là sản xuất máy kéo, máy nổ, motor bơm nước tưới tiêu… chưa kể chỉ sản xuất được 40-50% phụ tùng, còn lại phải nhập khẩu thiết bị từ Trung Quốc.
Hiện nay, Việt Nam có CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) là công ty mạnh nhất trong ngành công nghiệp về lắp ráp và sản xuất ô tô. Tuy nhiên, thương hiệu khu vực hay toàn cầu về sản phẩm công nghiệp thì Việt Nam chưa có.
Từ nhiều năm nay, Chính phủ Việt Nam ưu ái cho các nhà đầu tư nước ngoài đặt cơ sở sản xuất tại các khu công nghiệp bằng các chính sách thuế nhập khẩu thiết bị đang còn rất thấp, tạo điều kiện cho thu hồi vốn đầu tư nhanh. Lực lượng lao động tại Việt Nam khá dồi dào, giá rẻ… đang thu hút cao các nhà đầu tư về thuế và lương nhân công.
Do đó, ngành công nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào sự đầu tư của các tập đoàn lớn nước ngoài: Toshiba moter, Foxcom , Sumitomo, Honda, Yamaha, Samsung, Sanyo, Canon, Brother và các đơn vị khu chế xuất. Trong nước những ngành hàng tiêu dùng như sản phẩm nhựa, thép, máy kéo nông nghiệp, ngành đào tạo nghề, ngành xây dựng…. cũng phát triển theo.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các tập đoàn lớn từ Nhật, Hàn Quốc và các nước phát triển đầu tư vào Việt Nam, mỗi tập đoàn họ luôn kéo theo hàng trăm công ty làm công việc gia công phụ trợ linh kiện cho họ, các thiết bị gia công như: tiện, phay, dập, khoan, ép nhựa, mài… Đa số máy công cụ này được nhập từ Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc đã được chứng minh về hiệu quả kinh tế cũng như cấp chính xác.
Qua thống kê hằng năm số lượng thiết bị nhập khẩu từ các nước khác vào Việt Nam: Tổng thiết bị máy từ Đài Loan vào Việt Nam vào khoảng 40%/năm, tập trung vào nhiều thiết bị dập, tiện phay CNC (máy tự động được lập trình), khoan và taro phục vụ cho khu công nghiệp và đào tạo nghề, đầu tư cho sản xuất quốc phòng; Tổng thiết bị nhập từ Nhật và Hàn Quốc vào Việt Nam khoảng 30% tập trung vào các thiết bị CNC, và các dây chuyền sản xuất cho công nghiệp chế xuất và xuất khẩu; Tổng thiết bị từ Trung Quốc và các nước Châu Âu chiếm khoản 20%; Tổng thiết bị nhập từ hàng qua sử dụng của các nước chiếm khoảng 10% .
Tại sao số lượng máy móc công nghiệp Đài Loan nhập khẩu vào Việt Nam lại cao nhất?
Ông Nguyễn Vương Long, Phó tổng sản xuất CTCP Công nghiệp Chính xác Việt Nam (VPIC), cho biết trước đây, các nhà sản xuất máy công cụ Đài Loan hầu như chỉ tập trung vào những chiếc máy tự động được lập trình (CNC) riêng lẻ, được trang bị tay robot và hệ thống điều khiển. Tuy nhiên, những năm gần đây, họ đã xuất khẩu thành công những dây chuyền hoàn toàn sản xuất tự động cho thị trường Nhật, Trung Quốc trong ngành xe hơi và sản xuất phụ tùng. Chẳng hạn, gần đây một hệ thống máy đa bàn được thiết kế làm việc với 8 bàn gia công liên tục trên hệ thống 45 trục ngang và đứng.
Bên cạnh đó, thiết bị Đài Loan được sản xuất dựa trên tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, giá thành phù hợp, thu hồi vốn nhanh chính là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp công nghiệp Việt khi vốn hạn chế nhưng muốn thay đổi công nghệ sản xuất. Các nhà sản xuất này không còn giới hạn trong việc sản xuất ra những cỗ máy nữa mà mở rộng ra mảng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng muốn sự khác biệt hoặc những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Dịch vụ đó bao gồm tùy biến máy móc, dịch vụ cộng thêm và các tích hợp các ứng dụng liên ngành (cross industry application).
Ông Nguyễn Vương Long, Phó tổng sản xuất CTCP Công nghiệp Chính xác Việt Nam (VPIC): "Sử dụng robot trong sản xuất là công nghiệp 3.0, công nghiệp 4.0 là sử dụng robot có trí tuệ nhân tạo" - Ảnh: BizLIVE.  
 
Phát triển ngành công nghiệp: Chính phủ cần song hành
Theo ông Phạm Minh Thảo, đối với các nhà máy về sản xuất máy móc cơ khí thì không thể nói về vốn đầu tư ban đầu mà cần chú trọng tới tính hiệu quả của dự án. Doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này cũng vậy, không có doanh nghiệp nào tự động bỏ tiền vào đầu tư từ đầu đến cuối các thiết bị, mà họ phải vay vốn ngân hàng. Nếu doanh nghiệp có đơn hàng và thị trường ổn định thì khả năng tầm mở rộng 10 – 30 triệu USD không thành vấn đề.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam chưa thực sự có được một doanh nghiệp công nghiệp tầm cỡ khu vực?
Điều đầu tiên phải nói về ý thức và tác phong công nghiệp của người dân Việt Nam còn rất yếu. Thứ hai, tính hỗ trợ vốn vay của Việt Nam đối với doanh nghiệp công nghiệp chưa cao như các nước khác. Chẳng hạn, ở nước ngoài lãi suất cho vay chỉ 3-5%/năm, nhưng doanh nghiệp Việt Nam phải chịu lãi suất có lúc lên đến 22%/năm. Có nghĩa mức lợi nhuận của doanh nghiệp dành trích ra trả lãi vay khá lớn. Doanh nghiệp phải thật lớn, khôn khéo lắm, thu vén lắm mới lời được ở mức lãi suất cao này. Nếu không dễ dẫn đến mất trắng sau thời gian đầu tư.
Để phát triển ngành công nghiệp, Chính phủ Việt Nam nên song hành với doanh nghiệp, không thể để doanh nghiệp “tự bơi”.
Hiện giờ, Việt Nam chưa đủ năng lực vì điểm yếu nhất của Việt Nam là thiếu sự kiểm soát, dễ gây thất thoát trong đầu tư, dẫn đến chất lượng không được đảm bảo, không chính xác, mất uy tín. Đây là điều tối kỵ đối với ngành công nghiệp chế tạo máy, cơ khí. Do đó, người Việt cần phải thay đổi về ý thức và tác phong công nghiệp mới mong phát triển ngành công nghiệp trong nước. 
 
Hoàng Anh
Theo Bizlive
 

Vietnam Report