DN ‘ngã bệnh’, ngân sách ‘viêm màng...

29/07/2015

Chuyên mục:

Bệnh “viêm màng túi” không những không khỏi mà có nguy cơ trầm trọng hơn. Có người bi quan còn cho rằng, nếu không cẩn thận sẽ chuyển thành… ung thư.

Khó tứ bề

Doanh nghiệp phá sản, ngân sách eo hẹp, túi tiền teo tóp là cụm từ được xuất hiện ngày càng dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây. Những tưởng nền kinh tế đã chạm đáy trong cuộc suy thoái lịch sử kéo dài sang năm thứ 5 trong một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 100 năm lại đây, thế nhưng, trong năm 2013, bệnh “viêm màng túi” không những không khỏi mà có nguy cơ trầm trọng hơn. Có người bi quan còn cho rằng, nếu không cẩn thận sẽ chuyển thành… ung thư.

Nguồn tin từ Bộ Tài chính cho hay, với tổng số thu sau 9 tháng xấp xỉ 544.000 tỷ đồng, ngân sách cả đã chi khoảng 685.000 tỷ, thâm hụt 141.000 tỷ đồng, tương đương 7 tỷ USD. Đây là số thâm thủng lớn nhất trong lịch sử ngân sách nước nhà. Điều này cho thấy chuyện túi tiền Quốc gia đang ngày càng eo hẹp và teo tóp là chuyện có thật.

Trao đổi với báo chí, ông Cao Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết thêm: hàng tháng cho thấy chỉ còn 31% doanh nghiệp kê khai thuế VAT. Như vậy, 70% DN còn lại có thể đã chết, chết lâm sàng hoặc đã nằm trong quan tài nhưng chưa đậy nắp, chưa phát tang. Một số khác vẫn sống dặt dẹo khô kiệt nguồn thu nên không phát sinh hoạt động, kê khai thuế VAT. Với một đất nước đang phát triển, khác với trạng thái hừng hực sức sống trong những năm trước đây, có thể nói chúng ta đang đối mặt với một thảm cảnh già nua và yếu ớt.

Bạn tôi, một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản, bỗng dưng mất hút gần năm nay, mấy lần có chuyện, bấm máy định gọi, đầu dây bên kia chỉ có tín hiệu tò tý te mà không biết nguyên nhân làm sao. Tuần trước có dịp gặp lại tôi hỏi: Chuyện mần ăn, thua lỗ tưởng ông giải quyết dứt điểm rồi, những khoản vay mượn đã bán nhà, gán xe rồi, tưởng ông đã trút được gánh nặng nợ nần, gặp nhau làm cốc bia tính chuyện khác, cớ sao cứ phải lặn như tàu ngầm vậy? Anh giãi bày: Chưa hết ông ơi, cơ quan thuế soát xét hồ sơ cũ, còn mấy khoản hoá đơn đầu vào, mình mua vào để hạch toán cho hợp lệ, ai ngờ bị khui ra, đành phải chạy để bịt cho xong chuyện…

Chuyện của anh bạn tôi cũng là tình trạng chung của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay. Dẫu công ty đã ngừng hoạt động một vài năm nhưng vẫn chưa hết trách nhiệm, chỉ vì cơ quan thuế các tỉnh eo hẹp nguồn thu, rỗi việc có thời gian rà soát lại đống hồ sơ cũ, phát hiện thấy một số khoản bất hợp lý, truy thu hòng cải thiện cho ngân sách.

Bạn tôi, phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giãi bày: Chưa bao giờ ngân sách khó khăn như hiện nay. Trong bối cảnh những doanh nghiệp mới thành lập không nhiều, trong khi những doanh nghiệp hiện có đang rụng dần, số còn lại hoạt động cầm chừng, dặt dẹo, doanh thu giảm, nên chuyện thuế má ở khối chủ lực này không những không tăng, thậm chí còn giảm. Một khoản thu khác chiếm tỷ trọng khá lớn là từ đất đai. Trước đây, do tốc độ đô thị hoá được đẩy cao, thị trường nhà đất nhộn nhịp, mỗi năm có thể thu được dăm trăm tỷ đồng từ thuế chuyển quyền sử dụng đất và bán đấu giá đất đô thị, nay thị trường bất động sản ngưng trệ, khoản thu này giảm thê thảm.

Một số khoản thu từ xuất nhập khẩu, từ dịch vụ có tăng nhẹ nhưng không thể đỡ lại được những khoản giảm do thị trường xấu. Điều nghịch lý là, với một thị trường ảm đạm, các doanh nghiệp thu hẹp hoạt động, thu hẹp chi tiêu, cắt giảm các khoản thưởng, thậm chí cả những khoản lương thì trong khối nhà nước không có chuyện đó. Bộ máy công chức vẫn phình to, thu nhập vẫn đều đặn trong khi chất lượng dịch vụ công chưa có dấu hiệu được nâng cấp hay cải thiện. Rõ ràng, nền kinh tế dẫn đến tình hình như hiện nay phần lớn do bộ máy Nhà nước kém hiệu quả và khu vực công phải chịu trách nhiệm chính vì hiện tượng đó.

Cách đây không lâu, Bộ Tài chính vừa gửi đề xuất giảm lương 100.000 đồng, đúng bằng số vừa tăng từ 1/7 vừa qua. Ý tưởng này vừa mới được đề xuất đã vấp phải sự phản kháng giữ dội của đám “đầy tớ” của nhân dân. Để lấy điểm trước công chúng, dĩ nhiên là chẳng một chính phủ nào chính phủ chấp nhận đề xuất đó. Tuy nhiên, việc làm thế nào để tăng nguồn thu, cải thiện tình trạng mất cân bằng ngân sách kéo dài dường như vẫn là bài toán nan giải.

Nuôi dưỡng nguồn thu bền vững

Giải mã căn bệnh này, chuyên gia KT Nguyễn Trần Bạt cho rằng, chúng ta đang phải trả giá cho những sai lầm trong quá khứ. Trước hết là những tập đoàn kinh tế nhà nước như những con khủng long làm sa mạc hoá nguồn nguyên liệu, trong khi hiệu quả kinh doanh rất thấp, thậm chí thua lỗ thê thảm. Cùng với đó là hệ thống luật còn quá nhiều lỗ hổng để nuôi dưỡng những cách làm ăn theo kiểu đánh quả, chụp giựt, buôn cơ chế. Do sự thiếu minh bạch, những kẻ láu cá có thể dùng tiền để mua dự án rồi bán lại kiếm lời ngay tức khắc. Đất đai, tài nguyên, khoáng sản là những thứ có thể mua đi bán lại bằng cách lách luật, rót tiền cho quan chức đổi lấy giấy phép dự án, giấy phép khai thác rồi có thể chuyển nhượng sang tên kiếm chênh lệch…

Tiền bạc được tạo ra bởi cách này không hề tương xứng với những giá trị đích thực mà nó tạo ra cho nền kinh tế. Trên cùng một mảnh đất ấy, anh có thể lấy của dân với giá 1 đồng để rồi phù phép bán ra 10 đồng, nhưng không hề tạo thêm mảnh đất nào, thực chất hàng hoá cũng chỉ có 1 mảnh đất đó thôi. Điều đáng buồn là số tiền kiếm được bằng cách ấy lại được chi tiêu một cách hào phóng khiến giá cả tăng cao. Hiện tượng bong bóng của nền kinh tế có nguyên nhân sâu xa từ cách làm ăn trên.

Phải công bằng mà nói, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không hẳn chỉ là cơn bão tàn phá nền kinh tế mà nó còn góp phần thổi bay những hiện tượng bong bóng đang khá phổ biến ở nước ta. Cách làm ăn theo kiểu đánh quả, chụp giựt, buôn cơ chế không còn nhiều cơ hội và đang bị thu hẹp dần đất sống. Ai nắm bắt được xu thế đó sẽ tránh được những cái chết tức tưởi khi đầu tư vào kinh tế thân hữu theo kiểu xin cho.

Nhìn tổng thể vào bức tranh nộp thuế có thể thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều những doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ trong top 100 mà không phải là những đại gia, thiếu gia bất động sản. Đặc biệt là dịch vụ viễn thông, ngân hàng, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn giữ vững được phong độ và tăng trưởng tốt.

Một số doanh nghiệp đã nhìn thấy xu hướng minh bạch dần của nền kinh tế nên đã nhanh chóng tái cơ cấu, chuyển đổi mục đích đầu tư, lĩnh vực kinh doanh hoặc yên tâm hơn với ngành nghề mà mình đã lựa chọn mà không còn sốt ruột với cách kiếm tiền nhanh như một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác.

Nhìn vào bảng nộp thuế có thể thấy, dẫu trong cơn suy thoái nhưng một số doanh nghiệp vẫn tăng trưởng, vẫn nộp thuế nhiều hơn. Cùng với lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng, bảo hiểm, đặc biệt là các hãng kinh doanh thực phẩm, đồ uống…

Trong cơn suy thoái, chúng ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng đó cũng chính là cơ hội vàng để nhìn lại chính mình. Khi những bong bóng bị thổi bạt cũng là lúc mà những giá trị đích thực được thừa nhận. Các doanh nhân mới nhận ra đâu là thứ hợp với chính mình để lựa chọn. Trong một thế giới được san phẳng bởi thông tin, bởi luật chơi, không cách nào khác là mỗi doanh nghiệp phải chọn cho mình một lối đi riêng, lối đi dựa trên những lợi thế cạnh tranh, những sự khác biệt để tạo cho mình một chỗ đứng.

Những doanh nhân nào nắm bắt được xu hướng đó sẽ tiếp tục khởi hành, dẫu chậm chạp nhưng rồi sẽ có những bước đi vững chắc để tăng tốc trong một tương lai không xa.

Chúng ta vừa tiễn đưa một vị tướng huyền thoại trong chiến tranh. Trong công cuộc xây dựng đất nước, hơn bao giờ hết chúng ta cần có nhiều vị tướng như thế. Những doanh nghiệp doanh nhân là người lính tiên phong trong lĩnh vực chống đói nghèo. Đất nước không thể phồn thịnh nếu doanh nhân không chịu lớn. Sự teo tóp của ngân sách có nguyên nhân sâu xa là sự yếu ớt của các doanh nghiệp đang trong thời kỳ tái cơ cấu và sự cải thiện ngân sách, chỉ có thể được bắt đầu bằng sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp.

Dự kiến cuối tháng 10/2013, Ban tổ chức chương trình V1000 gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam, Báo VietnamNet, Tạp chí Thuế – Tổng cục Thuế sẽ chính thức công bố Bảng xếp hạng V1000 – 1000 DN nộp thuế thu nhập Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam lần thứ ba liên tiếp kể từ năm 2010 nhằm vinh danh những doanh nghiệp có trách nhiệm và đóng góp cho ngân sách quốc gia góp phần xây dựng và phát triển đất nước