Da giày bỏ lỏng sân nhà

15/07/2016

Chuyên mục:

Xếp thứ 3 trên thế giới về trị giá xuất khẩu, nhưng 60% thị phần trong nước của ngành da giày Việt Nam là sản phẩm nhập ngoại, phần lớn trong số đó là các mặt hàng thuộc phân khúc thấp và trung cấp từ Trung Quốc.

Thông tin trên được lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu da giầy ngày 14/7. 

Theo số liệu báo cáo, da giày được xác định là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, chiếm 8-10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của cả nước. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch ước đạt 7,94 tỷ USD, tăng 95,3% so với cùng kỳ 2015, tập trung vào nhóm hàng giày dép. Với khoảng 800 doanh nghiệp sản xuất phân bố chủ yếu ở khu vực phía Nam, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới và xếp thứ 3 về trị giá xuất khẩu, sau Trung Quốc và Italy.

Bà Trương Thị Thu Hà, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cho biết tình hình xuất khẩu sản phẩm da giày rất khả quan. Hiện giày dép Việt Nam có mặt trên 50 quốc gia, đặc biệt phát triển mạnh ở những thị trường có sức mua lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản... Sản phẩm túi xách cũng xuất khẩu được sang 40 nước, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất 41,6%.

Đối lập với đó, thị trường nội địa đang có nhiều biến động và vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ nước ngoài. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày dép trong nước khoảng 150 triệu đôi mỗi năm, nhưng sản xuất mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu, chủ yếu thuộc phân khúc thấp và trung cấp. Rất ít sản phẩm ở phân khúc cao cấp đủ khả năng cạnh tranh với thương hiệu lớn trên thế giới. Đa phần các doanh nghiệp có quy mô lớn bỏ ngỏ thị trường sân nhà, chọn giải pháp an toàn là tập trung sản xuất hàng xuất khẩu. 

“Hàng hóa, trong đó có da giày, từ những nước tham gia Hiệp định TPP nhập khẩu vào nước ta sẽ hưởng ưu đãi thuế 0% ngay khi có hiệu lực. Vì vậy, nguy cơ rất lớn thị trường da giày nội địa sẽ bị chiếm lĩnh bởi các nhãn hàng bên ngoài”, ông Diệp Thành Kiệt, đại diện Hiệp hội Da giầy – Túi xách Việt Nam nhận định thêm. Cũng theo ông Kiệt, ngoài những yếu điểm truyền thống như thiếu vốn và công nghệ, năng lực quản trị và hiệu suất lao động thấp, chi phí nhân công tăng thêm trong thời gian tới do ảnh hưởng từ các quy định về lương tối thiểu... thì ngành da giày sẽ phải đối diện với những khó khăn mới về đáp ứng các điều kiện FTA và khả năng liên kết vào chuỗi giá trị toàn cầu.  

Dự kiến xuất khẩu toàn ngành đạt 14 tỷ USD, tăng 16% so với năm trước. Hiệp hội Da giầy – Túi xách Việt Nam và các đơn vị liên quan như Vụ Công nghiệp nhẹ, Phòng xuất xứ hàng hóa (Bộ Công Thương) đều nhận định ngành có thể sớm đạt và vượt chỉ tiêu bởi việc hình thành cộng đồng ASEAN và việc ký kết, triển khai các Hiệp định thương mại tự do FTA mang lại không ít cơ hội cho da giày Việt Nam trong năm 2016.

Cụ thể, Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc và FTA Việt Nam – EU xóa bỏ thuế nhập khẩu giày dép từ 10 đến 13% xuống còn 0%. Bên cạnh đó, tình trạng 70% doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thiết bị kỹ thuật, công nghệ, thiết kế sản phẩm và thị trường nước ngoài đi kèm việc thiếu đồng bộ trong phát triển sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu cũng được kỳ vọng sẽ sớm khắc phục khi doanh nghiệp được nhập khẩu trang thiết bị với mức thuế bằng 0.

Chiến lược phát triển trọng tâm của ngành da giày đề ra sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 8% năm trong giai đoạn 2020-2030, tổng kinh ngạch xuất khẩu đạt 54,2 tỷ USD và khoảng tăng suốt thời kỳ đạt 4,5 lần, nâng tỷ lệ cung ứng vật tư nội địa trên 60%. 

Theo Vnexpress 

Vietnam Report