Các địa phương đang hối hả trong cuộc đua thu hút vốn...
Các địa phương đang hối hả trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn ở tầm quốc gia thì Việt Nam lại chưa sẵn sàng cho cuộc đua với các nước trong khu vực. Cuộc đua khốc liệt Khi các nhà lãnh đạo tỉnh Ninh Bình kết thúc hội nghị xúc tiến đầu tư hồi cuối tháng 11 vừa qua, họ đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án đặc biệt. Đó là dự án thép Kyoei trị giá gần 3.900 tỉ đồng. Trên thực tế, dự án này đã bắt đầu khởi động từ cách đó tám tháng. Việc trao giấy phép cho nhà đầu tư Nhật Bản nhân sự kiện này như là động thái cố ý của địa phương nhằm tô đậm cho sự thành công trong công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh. Hồi đầu năm 2012, tỉnh Quảng Ninh cũng tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư rầm rộ với sự tham gia của hầu hết thành viên Chính phủ. Song, không được như Ninh Bình, tỉnh này đã không có cơ hội trao giấy phép đầu tư cho một dự án FDI nào nhân dịp này. Dù vậy, đến cuối năm, Quảng Ninh đã thu hút được tới 412 triệu đô la Mỹ vốn FDI, tăng gấp gần 15 lần so với năm 2011, như là kết quả của nỗ lực hồi đầu năm. Cuộc cạnh tranh của các địa phương về thu hút nguồn vốn FDI được tiếp sức từ năm 2006, sau khi Chính phủ phân gần hết quyền cấp phép cho địa phương theo Nghị định 108. Cho đến nay, yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút FDI đã được đưa vào nghị quyết của hầu hết Đảng bộ các tỉnh. Ở Thái Nguyên, người ta thậm chí còn lập ra ban chỉ đạo chỉ để đón đầu một dự án FDI quy mô lớn. Cuộc đua FDI đã đến hồi khốc liệt khi có tới 52 tỉnh, thành ban hành các quy định vượt khung về ưu đãi đầu tư, theo Bộ Tài chính. Khi được hỏi về tình trạng chính quyền địa phương đòi phí bôi trơn khi cấp phép cho các dự án FDI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: “Chúng tôi không biết, nhưng chắc chắn là không nhiều và không phải là vấn đề quá lớn”. Ông giải thích thêm vì “tất cả các tỉnh đang thi nhau kêu gọi FDI, nên họ chả dại”.
Nhưng có nhiều cách khác. Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận xét không ít tỉnh, thành phố đã lạm dụng ưu đãi đầu tư để thu hút được FDI mà không tính đến hiệu quả kinh tế – xã hội của địa phương. Có tỉnh thậm chí miễn giảm tiền thuê đất đến mức UBND tỉnh phải vay tiền nhà đầu tư để trả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng mà không biết liệu khi dự án đầu tư đi vào hoạt động thì thu ngân sách địa phương có đảm bảo hoàn lại không. Nhận xét của ông Mại, một trong những chuyên gia về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, không phải không có căn cứ. Cho đến gần đây, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã phải “cầu cứu” Chính phủ khi không xử lý được mặt bằng cho dự án thép trị giá 5 tỉ đô la Mỹ của tập đoàn Tata (Ấn Độ) đầu tư vào Vũng Áng. Chính quyền Hà Tĩnh dự kiến phải chi tới 300 triệu đô la Mỹ để giải phóng mặt bằng rộng tới 400 héc ta cho dự án. Phía Việt Nam muốn Tata ứng trước 300 triệu đô la Mỹ để giải phóng mặt bằng, rồi trừ vào thuế sau, song về phần mình, Tata tuyên bố chỉ có thể bỏ ra 50 triệu đô la Mỹ cho địa phương “vay”. Chính phủ cũng khó giải quyết được tình thế này. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận một cách tiếc nuối: “Đây là số tiền quá lớn”. Vì lẽ đó, dự án vẫn giậm chân tại chỗ suốt bốn năm qua. Những câu chuyện trên cho thấy, các tỉnh và thành phố đã bắt đầu cuộc đua quyết liệt để tranh phần vốn FDI. Nhưng ở bình diện quốc gia, Việt Nam đã sẵn sàng cho một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn ở khu vực chưa? Quốc gia có thụt lùi? Nhật Bản, dù vẫn là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, đang đổ hàng tỉ đô la Mỹ vào Myanmar, quốc gia đang thu hút sự chú ý của cả thế giới, theo hãng tin Anh Reuters. Trong khi Toyota, Mitsubishi và nhiều tập đoàn lớn khác của Nhật Bản đã tuyên bố mở rộng cơ sở sản xuất của họ tại Thái Lan, hay Malaysia, thì các cơ sở của họ ở Việt Nam vẫn án binh bất động. Nhật Bản có tới hơn 7.000 doanh nghiệp ở Thái Lan, cao hơn rất nhiều so với 1.500 doanh nghiệp ở Việt Nam. Ông Edmund Maleski, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm ở Việt Nam, nói: “Các nhà đầu tư đang tập trung sự chú ý sang Myanmar, Campuchia, Lào và ngay cả các quốc gia Asean khác. Đó là thách thức đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô luôn chịu sự bất ổn trong mấy năm qua làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh”. Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam Christopher Twomey phàn nàn, trong mấy năm vừa qua, Việt Nam đã phải đối mặt với một số thử thách trong ổn định kinh tế vĩ mô. Ông nói tại diễn đàn đối thoại với Chính phủ hồi đầu tháng 12 vừa qua: “Chúng tôi không đến để chỉ ra và đổ lỗi cho những nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế hiện tại của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi kêu gọi những cải cách cấp thiết và hy vọng Chính phủ có hành động quyết liệt để tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn”. Trong khi Việt Nam vẫn đang cố gắng để ổn định kinh tế vĩ mô, thì vai trò của khu vực FDI đã trở nên nổi bật trong tiến trình đó. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 chủ yếu nhờ vào tăng trưởng của khu vực FDI. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 tăng 17,7 tỉ đô la Mỹ, trong đó có tới 16 tỉ đô la Mỹ thuộc về khu vực FDI, chiếm tới hơn 90%, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Những thành tích đó của khu vực kinh tế này đang thu hút sự chú ý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, một trong những người chịu trách nhiệm chính trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Ông Bình kể lại trong một cuộc gặp gần đây rằng, ông đã nghiên cứu rất kỹ kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhật Bản sau Thế chiến thứ 2 chỉ là đống tro tàn; Hàn Quốc sau nội chiến cũng vậy; còn Trung Quốc cũng rất khó khăn trước mở cửa. Ông nói: “Các nước lân cận chúng ta, họ đi lên rất nhanh. Nếu bảo lấy nội lực, hay tích lũy trong nước thì không có. Tại sao họ phát triển nhanh thế. Đó là họ đã thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài”. Ông phàn nàn rằng bất ổn vĩ mô một phần là do phải phát hành tiền tương đối nhiều trong những năm qua cho nhu cầu phát triển vì đầu tư và tích lũy trong nước chênh lệch quá nhiều. Ông nói: “Chúng ta phải thu hút được vốn FDI vào sản xuất kinh doanh, vào những lĩnh vực công nghệ cao, những lĩnh vực mà chúng ta làm không tốt. Cần phải có một trào lưu mới, một khuôn khổ pháp lý mới để đẩy mạnh khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nếu làm tốt ta sẽ đảm bảo tăng trưởng ở mức cao mà không cần phải in thêm tiền”. Theo tính toán của Giáo sư Nguyễn Mại, nhu cầu vốn FDI giải ngân của Việt Nam phải tăng từ khoảng 10 tỉ đô la Mỹ/năm hiện nay lên 13-14 tỉ đô la/năm vào giai đoạn 2014-2015 và 21-22 tỉ đô la/năm vào thời kỳ 2019-2020. Đó là thách thức không nhỏ trong bối cảnh cạnh tranh FDI trở nên gay gắt hơn trên quy mô toàn cầu. Theo Tư Giang- SaigonTimes |
|