Thị trường M&A Việt Nam đang dần chuyển mình khi nhiều doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Thế Giới Di Động, Kido... sẵn sàng chi tiền để thâu tóm các công ty trong và ngoài nước.
Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) ở Việt Nam vốn được cho là nằm trong tay các nhà đầu tư ngoại với vai trò “người mua”. Nhưng thời gian gần đây, các "đại gia" Việt cũng không ngại vạch kế hoạch thâu tóm không chỉ với doanh nghiệp nội mà còn nhắm tới cả đối tác nước ngoài.
Mới đây, trong đại hội Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (Mã CK: MWG), ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết sẽ dành 500 tỷ đồng để thực hiện M&A. Theo ông, để nâng thị phần điện máy với tốc độ nhanh hơn thì M&A là cách nhanh nhất. Ngoài ra ông cũng cho biết, có thể sẽ thử nghiệm chuỗi cửa hàng bán dược phẩm. Thay vì mất 2 - 3 năm hiểu về mô hình này thì công ty sẽ tìm kiếm đơn vị chuyên về mảng sản phẩm đó để tiến hành M&A, trong đó đặc biệt ưu tiên những đơn vị có 10 - 15 shop. Đến thời điểm chín muồi sẽ biến chuỗi từ 10 - 15 shop thành 500 shop.
Thế Giới Di Động sẽ dành 500 tỷ cho hoạt động M&A
“Với M&A, hướng đi thứ nhất là mua 100% doanh nghiệp trong mảng điện máy. Tiếp đó là mua 20 - 40% cổ phần của các chuỗi bán lẻ khác, sau đó tiếp sức họ phát triển và nâng tỷ lệ sở hữu lên 60%”, ông Tài chia sẻ.
Cũng lên kế hoạch cho việc mua bán sáp nhập, Tổng giám đốc Kido cho biết, công ty cũng đang lên kế hoạch cho hoạt động M&A trong ngành thực phẩm, trong đó, ngành sữa sẽ được chú trọng. Hiện có 3 - 4 công ty sữa trong nước cũng như nước ngoài muốn làm đối tác. Tuy nhiên, Kido "ra điều kiện" sẽ chỉ thực hiện M&A khi được nắm quyền chi phối. Việc mua bán này được thực hiện trong thời sớm nhất khi hai bên thỏa thuận hợp lý.
Trước đó, Kido cũng đã hoàn tất việc chào mua công khai 65% cổ phần của Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (mã CK: TAC), một doanh nghiệp lớn trên thị trường dầu ăn Việt Nam với doanh thu hàng năm vào khoảng 4.000 tỷ đồng, đồng thời nâng tỷ lệ sở hữu ở Vocarimex lên 51%.
Mặc dù chưa có kế hoạch chi tiết thời điểm như hai đơn vị trên, nhưng đại gia ngành sữa - Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk, mã CK: VNM) cũng tham vọng mở rộng ra thế giới khi mới đây đưa ra kế hoạch phát triển mạnh trong 5 năm tới (2017 – 2021), trong đó, doanh nghiệp cho rằng, bước đi quan trọng trong chiến lược này là sẽ thực hiện kế hoạch M&A, mua lại những doanh nghiệp sữa ở Đông Nam Á. Theo đó, công ty sẽ đầu tư vào các thị trường đang phát triển và mới nổi tại Đông Nam Á để xây dựng các công ty con thành công thông qua việc M&A và hợp tác.
Theo Tổng giám đốc Mai Kiều Liên, chỉ có việc thông qua M&A thì thị phần cũng như doanh thu của ngành sữa mới có thể tăng mạnh. Do vậy, công ty dự kiến tổng doanh thu mục tiêu đến 2021 là 80.000 tỷ đồng, trong đó nội địa góp 61.000 tỷ (chiếm 75%), doanh thu tại các thị trường nước ngoài 19.000 tỷ đồng (chiếm 25%).
Trước đó, trong 2016, Vinamilk đã tăng vốn đầu tư thêm 3 triệu USD vào Driftwood (Mỹ), nâng tổng vốn đầu tư vào công ty này lên 10 triệu USD và đạt tỷ lệ sở hữu 100%. Driftwood là công ty chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm từ sữa, nước hoa quả và đồ ăn nhẹ…
Không chỉ có các “ông lớn”, cuối năm 2015, Tập đoàn Vingroup cũng đã mạnh tay mua lại 100% cổ phần của hệ thống trung tâm thương mại - siêu thị Maximark thuộc Công ty cổ phần đầu tư An Phong. Theo đó, Vingroup trở thành chủ nhân mới của chín siêu thị, trung tâm thương mại và các sở hữu khác thuộc Công ty An Phong. Sau khi hoàn tất các thủ tục, toàn bộ trung tâm thương mại - siêu thị Maximark đã chuyển đổi thành các siêu thị VinMart/VinMart+ thuộc hệ thống Vinmart… Hay, Masan Nutri - Science (công ty con của Masan) cũng mua lại 24,9% của Vissan (trị giá gần 97 triệu USD) và mua thêm 30% cổ phần của Công ty cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế ANCO, tăng sở hữu của công ty này từ 70% lên 100%, hoàn thành thâu tóm Anco...
Đánh giá về xu hướng, tiềm năng hoạt động M&A năm 2017, theo các chuyên gia, cục diện đã có nhiều thay đổi. Doanh nghiệp Việt đang ngày càng chuyển mình và sẵn sàng làm chủ "cuộc chơi". Trong đó, bất động sản, sản phẩm tiêu dùng, bán lẻ, dược phẩm… sẽ là nhóm hứa hẹn bùng nổ trong năm nay.
“Hiện nay, thị trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp và cạnh tranh mạnh. Đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ điện máy, tiêu dùng không chỉ sức cạnh tranh khốc liệt mà để có mặt bằng kinh doanh tốt các doanh nghiệp phải chi trả ở mức cao. Mặt khác, nếu muốn vươn ra thế giới thì doanh nghiệp phải hiểu xu hướng tiêu dùng nơi ấy. Vì thế, phương án tốt nhất để thâm nhập thị trường là thông qua M&A. Do vậy, việc các doanh nghiệp Việt ngày càng có chỗ đứng trong hoạt động M&A là một tín hiệu tốt”, một chuyên gia kinh tế ở TP.HCM nói.
Tuy nhiên, vị này cho rằng, hiện nay mới chỉ xuất hiện một vài doanh nghiệp lớn có tên tuổi. Ông hy vọng thị trường M&A tại Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều thương vụ lớn hơn do doanh nghiệp Việt làm chủ.
Năm 2015, có 341 thương vụ M&A với tổng giá trị đạt 5,2 tỷ USD. So với năm 2014, số thương vụ của năm 2015 đã tăng 23,1% và những thương vụ có sự tham gia cả các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 46% tổng số thương vụ M&A của năm. Năm 2016, tổng giá trị các thương vụ M&A trong 7 tháng tại Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ 2015. EuroCham nhận định con số này sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2017 và có thể bùng nổ trong năm 2018 vì đó là thời điểm các nhà đầu tư nước ngoài tìm cách vào Việt Nam để có thể tận dụng được toàn bộ những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực mang lại trong những năm tới. |
Thi Hà
Theo Vnexpress
Vietnam Report