Ở đây có thể thấy chính năng lực quản lý, chứ không phải nhu cầu của thị trường là sự giới hạn, kiềm hãm thường xuyên tốc độ tăng trưởng. Doanh nghiệp sẽ không tăng trưởng nếu thiếu năng lực điều hành chính sự tăng trưởng.
Việc các doanh nghiệp tăng trưởng hàng đầuViệt Nam (được công bố trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam về doanh thu – FAST500) duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài là một điều rất khó. Điều này lại càng khó hơn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phải trải qua những biến động lớn và chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Bên cạnh các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về doanh thu (VNR500), doanh nghiệp tăng trưởng là đòn bẩy và yếu tố sáng tạo quan trọng của nền kinh tế đang phát triển và hội nhập như Việt Nam. Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh ở đây có vai trò quan trọng như yếu tố kích thích sáng tạo, gây sức ép đổi mới và cạnh tranh.
Tuy nhiên, tăng trưởng về doanh thu chỉ là công cụ để đạt đến một cái đích nào đó, chỉ là một thước đo chứ bản thân tăng trưởng không phải là mục tiêu cuối cùng.
Có thể có nhiều cách nhận định khác nhau về tăng trưởng của doanh nghiệp. Nhưng bất cứ chủ doanh nghiệp nào, dù là dân doanh hay hay quốc doanh, cũng đều muốn thấy đồng tiền bỏ ra kinh doanh phải sinh sôi nảy nở, không phải chỉ chợt bùng chợt tắt mà là vững vàng về dài hạn. Tóm lại, một doanh nghiệp tăng trưởng thành công phải có khả năng tăng lợi nhuận bền vững để giúp đồng vốn/cổ phiếu tăng giá trị.
Ông George Nolen, Cựu Chủ tịch của Tập đoàn công nghiệp Đức Siemens, từng đúc kết một công thức hoàn hảo cho tăng trưởng gồm 6 yếu tố chủ đạo: nền tảng chiến lược, hiểu biết thị trường, phân phối tốt, hệ thống sản phẩm đa dạng, quan hệ khách hàng và tinh thần đổi mới của chủ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo cũng luôn cần nhớ rằng trò chơi tăng trưởng rất có thể sẽ gây ra những tổn hại lớn lao cho doanh nghiệp. Kể cả những doanh nghiệp tăng trưởng cũng có thể đang bị thu hẹp tính theo giá trị thực.
Mặc dù tầm quan trọng của tăng trưởng là không thể phủ nhận, các doanh nghiệp lớn cũng cần phải có cái nhìn thực tế về những thách thức mà họ phải đối mặt do theo đuổi những mục tiêu quá táo bạo. Có thể việc tăng trưởng 5% thị phần tại một số thị trường sẽ tốt hơn là theo đuổi tốc độ tăng trưởng 8% cho tất cả các hạng mục kinh doanh. Khi đó, các nhà lãnh đạo sẽ nhận ra lợi ích của sự kiên nhẫn và nguyên tắc: kiên nhẫn để nuôi dưỡng những chiến lược tăng trưởng dài hạn và nguyên tắc để nhận ra những loại hình tăng trưởng có thể tạo ra nhiều giá trị nhất.
Bởi vậy, có thể nhắc đến câu nói nổi tiếng của Rod McQueen: “(Theo đuổi) doanh số chỉ là phù phiếm, (theo đuổi) lợi nhuận mới là sáng suốt”.
Ở đây có thể thấy chính năng lực quản lý, chứ không phải nhu cầu của thị trường là sự giới hạn, kiềm hãm thường xuyên tốc độ tăng trưởng. Doanh nghiệp sẽ không tăng trưởng nếu thiếu năng lực điều hành chính sự tăng trưởng. Nếu xác định tăng trưởng như là một trong những mục tiêu hàng đầu, cần tập trung vào việc quyết định nơi nào và cách thức nào để mở rộng doanh nghiệp.
Đồng thời trong chiến lược tăng trưởng, cần lưu ý là không có điều gì thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng hơn là việc cung cấp giá trị vượt trội cho khách hàng. Để nổi bật lên trên đối thủ cạnh tranh, phải đảm bảo cung cấp giá trị cao nhất đối với tất cả các khía cạnh trong lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp.