Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn biểu Quốc hội TP HCM, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết, hiện các thành phố lớn trên cả nước có rất nhiều dự án bất động sản đang triển khai dang dở do chủ đầu tư trong nước không đủ vốn làm tiếp. Tuy nhiên, khi các đơn vị này tìm được đối tác nước ngoài chấp nhận mua lại cả dự án với đúng chức năng đã được phê duyệt thì lại vướng quy định nhà đầu tư ngoại phải làm lại toàn bộ thủ tục.
“Điều này bất hợp lý vì thủ tục kéo dài thời gian, các nhà đầu tư ngoại e ngại sẽ rút lui khiến hàng tồn ứ đọng lâu hơn. Bất động sản đang rất bức xúc ở lĩnh vực này, cần tháo gỡ để hỗ trợ khi thị trường ở tình trạng cực kỳ khó khăn”, ông Lịch đề xuất tại buổi lấy ý kiến sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản chiều 7/5.
Chuyên gia này phân tích, trong lúc nguồn vốn trong nước cạn kiệt khiến các dự án bất động sản ì ạch, ngân hàng ngại cho vay, nếu xem xét kịp thời bỏ bớt thủ tục bán dự án cho nhà đầu tư nước ngoài là một cách khơi thông vốn tốt. Ngoài ra, ông Lịch kiến nghị thêm, Luật Kinh doanh Bất động sản cũ đã nhắc nhiều đến các quyền mua bán, thuê mua nhưng hầu như bỏ quên nhu cầu thế chấp. “Hiện hồ sơ thế chấp bất động sản ách tắc rất nhiều. Tôi đề nghị rà soát lại và bổ sung các quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ khi thế chấp bất động sản”, ông Lịch nói.
Hiện nay khối ngoại mua lại các dự án bất động sản từ các doanh nghiệp trong nước đều phải làm thủ tục lại từ đầu. Ảnh: V.L
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận các bức xúc về việc phải làm lại thủ tục từ đầu khi mua lại các dự án từ khối nội là chính đáng và đang từng bước xem xét, rà soát lại. Điều này bắt nguồn từ Luật Nhà ở cấm nhà đầu tư trong nước trực tiếp bán dự án cho nhà đầu tư nước ngoài. Muốn giao dịch các trường hợp này phải thông qua bên thứ ba là cơ quan công quyền. Đây là nguyên nhân khiến thủ tục kéo dài hơn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải thích, việc phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng. Sự khác biệt này không chỉ dừng lại ở thủ tục chuyển nhượng dự án mà còn chênh lệch ở quyền huy động vốn. Theo đó, doanh nghiệp trong nước có thể được huy động vốn phục vụ các dự án bất động sản với tỷ lệ tối đa 95% trong khi khối ngoại chỉ được phép huy động không quá 50%. “Rất may Bộ Xây dựng dự thảo cùng lúc 3 luật: Xây dựng, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản, nên sắp tới sẽ có sự điều chỉnh đồng bộ hơn”, ông Dũng nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Xét từ nhu cầu thực tiễn, tôi mừng vì các đề xuất liên quan đến đối tượng nước ngoài nhận được nhiều ý kiến đồng tình”.
Các ý kiến đóng góp giúp hoàn thiện Luật Kinh doanh Bất động sản vẫn tiếp tục được bổ sung và điều chỉnh. Tuy nhiên, theo ông Giàu, những góp ý cần có góc nhìn rộng hơn, tuân thủ nguyên tắc luật chỉ tháo gỡ vướng mắc cho các hoạt động trong thực tế chứ không chỉ chăm chăm vào mục đích duy nhất là hỗ trợ riêng cho bất cứ đối tượng nào.
Vũ Lê – Vnexpress.net