Diện mạo mới của môi trường kinh doanh

23/10/2017

Chuyên mục:

Mỗi tháng có hơn 10 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, nhiều DN phục hồi sản xuất và tăng doanh thu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng… là những thay đổi chúng ta đang thấy trong diện mạo của môi trường kinh doanh hiện nay.

Bớt thủ tục, tăng thành lập

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang thực hiện từ các chính sách đã và đang tạo ra những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, thủ tục khởi sự kinh doanh được rút ngắn bớt 8 thủ tục và thời gian giảm xuống còn khoảng 9,5 ngày; thời gian cấp phép xây dựng giảm xuống còn 119 ngày…

Cũng trong năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hoạt động để lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp (DN) nhằm xử lý kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng DN, thu hẹp khoảng cách, hướng tới mục tiêu Chính phủ đồng hành cùng DN. 

Cùng với những Nghị quyết chuyên đề quan trọng của Chính phủ… nhờ đó kết quả khởi nghiệp, đăng ký kinh doanh có nhiều khởi sắc. Tính chung hết quý III năm 2017, đã có 93.967 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 902.682 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, tăng 15,4% về số DN và tăng 43,5% về số vốn đăng ký.

Vốn đăng ký bình quân trên 1 DN trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Ước cả năm 2017, số DN thành lập mới đạt 125 nghìn DN, tăng 13,5% so với năm 2016. Tổng số vốn đăng ký của DN dân doanh thành lập mới ước đạt 1.214 nghìn tỷ đồng, tăng 36,3%.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, sẽ đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tiếp tục rà soát danh mục và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành các mặt hàng…

Doanh nghiệp nhẹ gánh

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phần lớn các điều kiện kinh doanh trói DN đang tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, làm gia tăng chi phí sản xuất. Nhiều điều kiện kinh doanh không rõ ràng đã tạo cơ hội cho sự tùy tiện và nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức… Do đó, việc cắt giảm hơn 675 điều kiện kinh doanh mà Bộ Công thương vừa thực thi đã thực sự giúp DN nhẹ gánh.

Bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng cho rằng, giảm thời gian cấp phép là vấn đề được các DN quan tâm nhất. Hiện thời gian cấp phép xây dựng là 166 ngày với 10 bước thủ tục, liên quan đến nhiều bộ, ngành.

Loại bỏ điều kiện kinh doanh trói DN chính là thay đổi phương thức quản lý nhà nước, tạo ra môi trường linh hoạt, thúc đẩy DN cạnh tranh, sáng tạo. Đến nay, nước ta có hơn 500.000 DN hoạt động và đang có chiều hướng ngày càng tăng cả về quy mô và số lượng, có thể lên đến hơn 1 triệu DN. Việc kiểm soát cả tiền kiểm và hậu kiểm sẽ rất khó khăn, do đó, các bộ, ngành buộc phải phân loại được loại DN, sản phẩm dịch vụ, kèm theo đó là các nguy cơ gây rủi ro thấp hay cao để thực hiện việc cắt giảm giấy phép trói DN. 

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, quản lý là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nhưng làm sao để có được phương pháp quản lý ít tác động lên chi phí và tiết kiệm thời gian nhất cho DN là điều cần thiết.

“Có những điều gây thất bại cho DN không phải vì thị trường, không phải vì họ kém thông minh. Đôi khi thất bại do không làm được thủ tục đúng thời gian. Một chữ cơ quan quản lý viết ra đôi khi gây ra chi phí hàng tỉ đồng cho xã hội. Ngay khi chúng ta chưa sửa luật, chưa bỏ được những điều kiện kinh doanh trong luật, cần làm thế nào để thủ tục hành chính được nhanh hơn, thuận lợi hơn, ít gây tác động, mất đi cơ hội kinh doanh của DN”, ông Hiếu nhấn mạnh. 

Minh Phương

Theo Đại Đoàn Kết

Vietnam Report