Doanh nghiệp FAST 500: làm sao tránh rủi ro...

29/07/2015

Chuyên mục:

Nhìn chung, doanh nghiệp tăng trưởng nhanh qua một thời kỳ đủ dài (từ 4-5 năm trở lên) luôn là một thành tích đang ghi nhận và tôn vinh, đặc biệt trong khoảng 5 năm vừa qua, khi nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp còn ở xuất phát điểm thấp như Việt Nam, việc ưu tiên tốc độ tăng trưởng là cần thiết.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh cần luôn nhớ rằng tăng trưởng nhanh cần đi kèm với tính bền vững. Tăng trưởng nhanh không phải không mang lại rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là khi tài chính, năng suất và năng lực quản lý không kịp gia tăng tương ứng với tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp đều chọn cho mình những chiến lược tăng trưởng đặc thù, phù hợp với hoàn cảnh và năng lực của doanh nghiệp. Có doanh nghiệp chọn chiến lược tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng, chiếm lĩnh các thị trường mới, phát triển sản phẩm để nhanh chóng định vị thương hiệu và vị thế trên thị trường mới, trong khi có doanh nghiệp lại chọn con đường tăng trưởng chậm và chắc, đi dần từng bước một để chiếm lĩnh thị trường. Mỗi một chiến lược đều có những điểm mạnh và điểm yếu, điều đó tuỳ thuộc vào năng lực của tự thân doanh nghiệp.

Đối với những doanh nghiệp quyết định chọn con đường tăng trưởng và phát triển nhanh nhất có thể để chiếm lĩnh và mở rộng thị trường, vấn đề đặt ra là làm thế nào để họ có thể tận dụng ưu thế “tốc độ nhanh” và làm thế nào để cân bằng giữa rủi ro và lợi ích do “tốc độ nhanh” mang lại?

Bài viết này sẽ cùng thảo luận những rủi ro do tăng trưởng và phát triển với tốc độ nhanh đưa đến, và khi nào thì chiến lược “ưu tiên tốc độ” như vậy có ý nghĩa?

Rủi ro phát triển quá nóng: từ lý thuyết

Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và phát triển của một doanh nghiệp, do vậy rất khó để xác định tác động của tốc độ phát triển đến tăng trưởng của doanh nghiệp về mặt định lượng.

Nhìn chung, khi phát triển quá nhanh, doanh nghiệp sẽ có ít thời gian hơn để nghiên cứu thị trường, kiểm định các giả thuyết, hiểu và chế áp được đối thủ cạnh tranh và tối ưu hoá nguồn lực.

Về mặt lý thuyết, phải thừa nhận, chiến lược “ưu tiên tốc độ” có thể mang lại những lợi ích quan trọng cho doanh nghiệp. Một doanh nghiệp phát triển nhanh có thể là người tiên phong trong thị trường, có thể định hình các chuẩn ngành trong thị trường và dựng các rào cản đối với các đối thủ cạnh tranh.

Rủi ro cao khi tăng trưởng quá nóng

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, những doanh nghiệp phát triển nhanh nếu bỏ qua việc xây dựng một kế hoạch kinh doanh chi tiết và tập hợp các nguồn lực hợp lý thì rất hiếm khi thành công. Một nghiên cứu gần đây về hơn 1.000 doanh nghiệp trên toàn cầu của tạp chí Mc Kinsey chỉ ra rằng, chỉ 10% các doanh nghiệp có được lợi thế lâu dài từ tốc độ tăng trưởng nhanh. Trường hợp ngược lại, phát triển nhanh không đưa lại lợi ích gì, thậm chí còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bản thân việc phát triển nhanh cũng chứa đựng rủi ro về việc “đốt cháy” nhanh chóng các nguồn lực, cả tài chính và nhân sự, trước khi doanh nghiệp tự ổn định, cũng như các rủi ro khác như chưa nghiên cứu đầy đủ về tính kinh tế của mô hình kinh doanh cũng như thực tiễn thị trường. Như vậy, thách thức quan trọng nhất ở đây là phải biết phát triển nhanh đến mức nào là đủ.

Đến thực tiễn của Việt Nam: khi tăng trưởng nhanh có thể tạo rủi ro lớn

Qua 3 năm liền công bố danh sách FAST 500 – Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, không quá khó để nhận ra bên cạnh nhiều doanh nghiệp FAST 500 thành công trong đường dài, có những doanh nghiệp FAST 500 khác lâm vào tình cảnh khó khăn sau một thời kỳ tăng trưởng nóng.

Ví dụ có thể ra những trường hợp như Tập đoàn Thái Hòa, doanh nghiệp thứ hạng cao trong  BXH FAST 500 năm 2011, từng được coi là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam với 12 công ty con, công ty thành viên từ nam chí bắc, nay đang oằn lưng gánh khoản lỗ lũy kế đến hơn 400 tỷ đồng, chủ yếu do vay nợ quá nhiều, đầu tư quá lớn và dàn trải, trong bối cảnh thị trường thu hẹp.

Hoặc ngay trong BXH FAST500 năm 2012 vừa công bố, sử dụng số liệu tăng thu doanh thu giai đoạn 2008 -2011, có một số doanh nghiệp ngay sau khi tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2008-2011, lọt vào BXH FAST500, nhưng ngay trong năm 2012 đã gặp khó khăn nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh.

Có thể kể ra trường hợp của công ty cổ phần chứng khoán SME hoặc một vài doanh nghiệp khác gặp thua lỗ lớn trong năm 2012 cho dù đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng về doanh thu trong giai đoạn 2008 – 2011.

3 điều kiện giúp tăng trưởng đột phá

Vậy khi nào chiến lược ưu tiên tốc độ đem lại ý nghĩa cho doanh nghiệp?

Một vài doanh nghiệp chọn tốc độ làm yếu tố tiên quyết và thực tế đây là sự lựa chọn chiến lược của doanh nghiệp với sự chấp nhận đánh đổi giữa rủi ro và lợi ích. Tỷ lệ này khác biệt theo từng ngành và theo từng đối thủ cạnh tranh.

Các doanh nghiệp coi phát triển với tốc độ nhanh là yếu tố quyết định đều nhận thấy lợi ích từ quyết định này có một số điểm chung là: họ đều là những người đặt nền móng đầu tiên trong các thị trường rộng lớn, cố gắng để dựng lên các rào cản gia nhập thị trường đối với các đối thủ cạnh tranh, và kiểm soát trực tiếp các nhân tố kinh doanh quan trọng cần thiết để quản lý rủi ro của quá trình khởi sự doanh nghiệp.

Để bền vững và trở thành doanh nghiệp hàng đầu, doanh nghiệp tăng trưởng nhanh cần dựa trên 3 yếu tố:

- Dựng các rào cản gia nhập thị trường

Phát triển với tốc độ “cực đại” chỉ có nghĩa nếu doanh nghiệp biết giữ và tạo mối quan hệ tốt với khách hàng cũng như cô lập đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp cần tạo dựng rào cản gia nhập thị trường bằng cách “đóng đinh” các nguồn lực chính hoặc tạo mối quan hệ cực kỳ thân thiết với những nhà cung cấp nguồn lực chính.

- Một thị trường tiềm năng rộng lớn

Ngay cả khi có thể dựng lên các rào cản gia nhập, rủi ro của việc phát triển nhanh vẫn có thể rất lớn trừ phi doanh nghiệp có một thị trường tiềm năng rộng lớn – đủ dung lượng cho sự phát triển của doanh nghiệp trong 5-10 năm nữa.

- Các rủi ro có thể kiểm soát được

Cuối cùng, việc phát triển với tốc độ nhanh là không nên theo đuổi nếu như sự tồn tại của bản thân doanh nghiệp lại phụ thuộc quá nhiều vào các nhân tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chính doanh nghiệp. Những nhân tố này có thể là các bất ổn về công nghệ, môi trường pháp lý thay đổi nhanh chóng, một đối thủ cạnh tranh rất lớn đang chờ sẵn, hoặc các nguồn lực chủ yếu đã bị các doanh nghiệp khác kiểm soát.

Như vậy, doanh nghiệp chỉ có thể sử dụng chiến lược “ưu tiên tốc độ” khi đáp ứng được cả 3 điều kiện trên.

Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, có thể thấy rất khó để cùng lúc đáp ứng được cả 3 điều kiện này. Do vậy các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh thuộc FAST500, một mặt có thể tự hào với những thành tích đã đạt được, nhưng cũng vẩn rất cần cẩn trọng khi lập kế hoạch cho tương lai, bởi vì tăng trưởng nhanh chỉ là phương tiện, chứ không phải là mục tiêu cuối cùng cần đạt đến của doanh nghiệp.