Doanh nghiệp FAST500: 3 năm một chặng đường...

29/07/2015

Chuyên mục:

Được ví như những “ngôi sao đang lên” của nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng về doanh thu dẫn đầu khối doanh nghiệp, tuy nhiên các DN FAST500 vẫn luôn cần dè chừng với mối nguy “tăng trưởng nóng”.

Năm 2007 là thời điểm Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới WTO, mở ra nhiều cơ hội giao thương và tiềm năng tăng trưởng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2007 đồng thời là thời điểm kinh tế thế giới bắt đầu rơi vào suy thoái, và đương nhiên, Việt Nam sẽ không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của nó.

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam bắt đầu giảm trong năm 2008. Do vậy, những cơ hội dành cho các doanh nghiệp cũng vô hình chung bị hạn chế ít nhiều. Tình hình sản xuất và kinh doanh gặp khó khăn, tuy nhiên sự hỗ trợ từ phía Chính phủ thông qua các gói hỗ trợ về thuế hay kích thích tiêu dùng, ưu đãi xuất khẩu… đã phần nào bù đắp, giúp nhiều DN không những trụ vững mà còn có thể tăng trưởng trong giai đoạn đầy bất ổn, mà điển hình ở đây là nhóm 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam về doanh thu (FAST500).

Được ví như những “ngôi sao đang lên” của nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng về doanh thu dẫn đầu khối doanh nghiệp, tuy nhiên các DN FAST500 vẫn luôn cần dè chừng với mối nguy “tăng trưởng nóng”.

4 năm sau gia nhập WTO, doanh thu của các DN FAST500 có sự cải thiện tích cực

Theo thống kê về Bảng xếp hạng FAST500 năm 2012 (Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2012) thì tình hình hoạt động kinh doanh của các DN FAST500 đang ngày càng được cải thiện sau khi gia nhập WTO khi tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu (CAGR) bình quân của 500 đại diện tăng trưởng doanh thu nhanh nhất giai đoạn 2008- 2011 đạt 62,2%, cao hơn chỉ số tương tự được ghi nhận trong giai đoạn 2006- 2009 (54%) và 2007- 2010 (57%).

Biểu đồ 1: Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của 500 DN thuộc các BXH FAST500 năm 2010, 2011, 2012

Cũng theo nguồn số liệu này, mặc dù trong giai đoạn 2007- 2010, tốc độ tăng trưởng doanh thu của các Top 5, 10, 50, 100 DN thuộc BXH FAST500 đều giảm xuống do các cam kết gia nhập WTO như việc cắt/giảm thuế xuất của nhiều mặt hàng xuất khẩu theo lộ trình đã cam kết, giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước trong phạm vi phần vốn góp tại các DNNN… bắt đầu được khởi động. Sang giai đoạn sau (2008- 2011), tốc độ tăng trưởng doanh thu của các DN FAST500 tăng hơn, phần nhiều nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm thích ứng với thực trạng kinh tế biến động khó lường.

Vẫn là đầu đàn của nền kinh tế, khu vực TP.Hà Nội và Hồ Chí Minh có số lượng DN tăng trưởng lọt vào BXH FAST500 nhiều nhất trên cả nước, áp đảo vẫn là Hà Nội. Xét riêng BXH FAST500 năm 2012, khu vực Hà Nội có 40% là DN quốc doanh và 60% là DN ngoài quốc doanh. Con số tương ứng tại khu vực Hồ Chí Minh là xấp xỉ 27% và 73%.

Biểu đồ 2: Tỷ lệ số DN và tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của các DN FAST500 trên địa bàn Hà Nội và Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, ngành tài chính- ngân hàng và bất động sản- xây dựng đang giảm tốc thay vì tăng trưởng nóng như các giai đoạn trước

Trong giai đoạn 2007-2010, ngành tài chính- ngân hàng đứng đầu BXH FAST500 với CAGR trung bình của ngành đạt trên 70%. Và “ông em họ” khối ngành Xây dựng, Bất động sản và vật liệu xây dựng cũng không kém cạnh là mấy khi CAGR đạt mức trên 53%.

Tuy nhiên, sang tới năm 2011, bất động sản bắt đầu gặp nạn, giá nhà đất chững lại và có dấu hiệu giảm dần, các dự án xây dựng bị đình trệ do thiếu vốn đầu tư, dù đã huy động một luồng vốn đáng kể từ phía ngân hàng. Thị trường dần đóng băng, kéo theo đó là những khoản nợ xấu gia tăng cho toàn hệ thống tài chính. Số liệu từ FAST500 năm 2012 đã cho thấy, mặc dù ngành bất động sản đứng đầu về số lượng DN hiện diện đông đảo trong BXH, nhưng CAGR toàn của những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất toàn ngành lại kiêm tốn ở con số khoảng 38%, còn CAGR ngành tài chính- ngân hàng cũng chỉ ở mức 47%.

Các ngành sản xuất có lợi nhuận cao

Xét về chỉ số ROA năm 2011 theo ngành nghề của các DN FAST500, con số 3,62% và 5,2% của ngành tài chính- ngân hàng và bất động sản chắc chắn sẽ khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi thất vọng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của các DN tăng trưởng nhanh nhất thuộc hai nhóm ngành tưởng chừng “hái ra tiền” này khá thấp, với mỗi 10 đồng vốn bỏ ra, nhà đầu tư chỉ có thể thu về chưa được nổi 1 đồng lãi, thấp hơn nhiều so với những ngành nghề bấy lâu nay “âm thầm” tăng trưởng nhưng chưa bao giờ được đặt vào vị trí “nóng” như hóa chất, cơ khí, hay thực phẩm- đồ uống…

Biểu đồ 3: Hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) năm 2011 của DN FAST500 xét theo ngành nghề kinh doanh.

Con đường từ tăng trưởng nóng tới giảm tốc nhanh về doanh thu của các đại diện ngành tài chính phần nào cho thấy, đôi khi tăng trưởng quá nhanh nhưng thiếu sự bền vững cũng như mất cân đối trong môi trường kinh doanh và kinh tế chung sẽ là con dao hai lưỡi gây thiệt hại không những kết quả hoạt động mà cả uy tín và hình ảnh của DN trên thương trường.

Do vậy, đối với các DN FAST500, bài toán mà họ đang phải đối mặt có phần khó khăn hơn so với các DN khác, khi mà tăng trưởng doanh thu chỉ là yếu tố cần, còn duy trì ổn định mức tăng đó mới là yếu tố đủ để đạt tới mục tiêu tăng trưởng bền vững cho tương lai, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế vượt qua đáy suy thoái hiện nay.

Lễ công bố chính thức Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, sẽ được tổ chức sáng ngày 09/4/2013 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, Đây là lần thứ ba liên tiếp Bảng xếp hạng FAST500 được công bố nhằm nghi nhận những nỗ lực và tôn vinh những doanh nghiệp hiệu quả và tăng trưởng nhanh nhất – Những ngôi sao đang lên của nền kinh tế Việt Nam. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: www.fast500.vn