Xu hướng số hóa nền kinh tế trên toàn cầu đang diễn ra rất nhanh nhờ động lực từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhưng mức độ sẵn sàng của môi trường kinh tế số, cũng như của các doanh nghiệp Việt Nam đối với phát triển kinh tế số vẫn loanh quanh ở mức thấp.
Một khảo sát gần đây của Bộ Công thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp cho thấy, dù một số doanh nghiệp tiên phong trong các lĩnh vực như dầu khí, điện đã có sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sự thay đổi của công nghệ, nhưng 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc.
Trong đó, 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp mới có các hoạt động chuẩn bị ban đầu. Ngoài ra, 16/17 ngành ưu tiên đang ở mức sẵn sàng thấp trong xu thế chuyển đổi số tại ngành công nghiệp nhằm xây dựng nền sản xuất thông minh.
Trong khi đó, xét về sự sẵn sàng của thể chế, báo cáo sơ bộ kết quả tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2018 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng chỉ ra rằng, môi trường kinh tế số của Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập với các chỉ số sẵn sàng cho phát triển kinh tế số đang ở mức thấp, mức độ sẵn sàng cho công nghiệp chế tác tương lai chưa lớn, các chỉ số liên quan đến đổi mới và sáng tạo còn hạn chế.
Điều này cho thấy những thách thức lớn đang đặt ra trong công cuộc chuyển đổi phát triển kinh tế số không chỉ nằm ở việc nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, mà còn là cải thiện tư duy quản lý, cách tiếp cận và xóa bỏ các rào cản từ khung khổ thể chế.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), từ năm 2018, nhiều công nghệ mới như robot tiên tiến, vận tải tự động, trí tuệ nhân tạo (AI) và một số công nghệ khác sẽ được đưa vào sử dụng ở quy mô công nghiệp và dự kiến sẽ có những thay đổi đột phá về việc làm.
Kinh tế số trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động ở nhiều nước, lao động sáng tạo sẽ ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong lực lượng lao động xã hội. Dự báo trong trung và dài hạn, các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp (lắp ráp, dịch vụ, dệt may…) sẽ chịu tác động trực tiếp và mạnh nhất.
Với xu hướng chuyển đổi này, Bộ Công thương dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với nhiều khó khăn do tự động hoá và chuyển đổi số trong thời gian tới.
Đặc biệt, các lợi thế về lao động, nhất là lao động chi phí thấp, lợi thế về tài nguyên sẽ giảm đáng kể, các ngành sản xuất thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên sẽ mất lợi thế.
Trong đó, 2 ngành chủ lực đóng góp chính cho xuất khẩu và tăng trưởng là dệt may và da giày ước tính có thể bị mất đi 74 - 86% công ăn việc làm cho lao động trong ngành, tạo ra hệ lụy xã hội rất lớn.
Nhìn tổng thể, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng thấp, thậm chí có thể bị phá vỡ thị trường lao động truyền thống; an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao.
“Việc chuẩn bị sẵn sàng cho làn sóng chuyển dịch sắp tới là điều rất cần thiết để khai thác được cơ hội, hạn chế rủi ro khi tiếp cận và ứng dụng công nghệ số cho các ngành kinh tế của Việt Nam, cũng như giúp các doanh nghiệp không bị chậm chân, lỡ nhịp xu thế này”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đề xuất giải pháp tại phiên thảo luận “Thị trường số, Cơ hội toàn cầu” trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) vừa diễn ra, người đứng đầu Bộ Công thương cho rằng, rất cần có một nỗ lực tổng thể từ nâng cao nhận thức đến hành động của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như toàn xã hội trong việc tạo môi trường sinh thái cho kinh tế số phát triển.
Theo đó, nội dung ưu tiên cơ bản được đề xuất gồm hoàn thiện môi trường kinh doanh, hệ sinh thái cho phát triển kinh tế số, trong đó có khung thể chế, pháp lý để phát triển thương mại điện tử và kinh tế số; đảm bảo các khung khổ nền tảng về cam kết sở hữu trí tuệ, đầu tư, an toàn thanh toán điện tử…
Đặc biệt, vấn đề chính sách và nguồn lực cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và chuyển đổi số, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được tập trung ưu tiên.
Về cải cách thể chế, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung khuyến nghị, cần mạnh dạn tháo bỏ những rào cản trong khung thể chế, xóa bỏ các quy định bất cập, gây trở ngại cho hoạt động thương mại, đầu tư, dịch vụ liên quan tới công nghệ để tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiến nhanh hơn, theo kịp xu hướng chuyển đối số đang diễn ra như vũ bão trên toàn cầu.
Hiếu Minh
Tổng hợp
Vietnam Report