Chỉ trong vòng 1 tháng, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã khai trương 5 đơn vị thành viên. Động thái bung “chân rết” rầm rộ của PTI cho thấy tham vọng không nhỏ nhằm chiếm lĩnh thị trường bán lẻ giàu tiềm năng.
Hiện tại, PTI là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có mạng lưới bán hàng và chăm sóc khách hàng lớn nhất thị trường với 10.800 bưu điện, bưu cục trên toàn hệ thống, trên 1.000 chi nhánh/phòng giao dịch của các ngân hàng hợp tác, 500 gara liên kết và trên 150 văn phòng kinh doanh, đơn vị thành viên.
Đối thủ số đáng gờm của PTI là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) lại gây dấu ấn bằng động thái kết duyên với đối tác ngoại. Hiện tại, PJICO đang đến những bước cuối cùng trong việc lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài, nhằm phát hành 17,7 triệu cổ phần, tương ứng với 20% vốn điều lệ. Năm 2016 cũng khá bận rộn với PJICO khi muốn hoàn tất luôn việc định hạng tín nhiệm quốc tế.
Các đại gia khác cũng có những bài toán riêng trong cuộc dàn quân sắp tới. Công ty cổ phần PVI tiếp tục củng cố để “giương oai diễu võ” với thế mạnh là doanh nghiệp duy nhất tham gia cả 3 lĩnh vực ngành bảo hiểm là nhân thọ, phi nhân thọ, tái bảo hiểm. Thương hiệu Bảo Việt lại tỏ ra đi đều được trên cả 2 chân khi hai thành viên là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ đều nắm vị trí Top đầu thị trường.
Động thái của các doanh nghiệp bảo hiểm diễn ra trong bối cảnh Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang sắp có hiệu lực. Nếu được tất cả các nước thành viên phê chuẩn thông qua TPP, ngành bảo hiểm sẽ trở thành một trong những ngành được hưởng lợi lớn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, khi giao dịch thương mại tăng cao, nhu cầu của các doanh nghiệp về dịch vụ cũng sẽ theo. Ngoài ra, cơ cấu dân số dự báo cũng sẽ thay đổi theo hướng tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Dự báo, tới năm 2035, tầng lớp trung lưu sẽ chiếm hơn 50% dân số Việt Nam, so với mức trên 10% hiện nay. Dẫn tới, nhu cầu bảo hiểm cho cá nhân và gia đình cũng tăng mạnh.
Cơ hội mở ra lớn nhưng sẽ chỉ những doanh nghiệp đủ “sức khỏe” mới có thể tận dụng được các lợi thế này, nhất là khi miếng bánh béo bở của thị trường bảo hiểm trong nước sẽ được các đại gia sừng sỏ quốc tế để mắt nhiều hơn. Thậm chí, các công ty bảo hiểm nước ngoài có thể “hớt váng” tại thị trường Việt Nam, mà không cần thành lập doanh nghiệp hoặc chi nhánh tại Việt Nam bằng cách cung cấp dịch vụ qua biên giới.
Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp có thể không bị sức ép quá mức bởi hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có sự đỡ đầu bài bản của các công ty mẹ ở những quốc gia có nền tài chính phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Canada, Italia, Nhật Bản.
Hiện trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ mới có vài doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng như Bảo Việt, PVI, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC). Phần lớn các doanh nghiệp khác có quy mô vốn khá nhỏ, trung bình khoảng 300 - 400 tỷ đồng.
Bà Tôn Thị Thanh Huyền, Giảng viên Khoa Bảo hiểm, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho hay, tiềm lực tài chính chưa mạnh sẽ hạn chế nguồn lực cho các công ty bảo hiểm này tăng cường năng lực quản trị và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó là chưa kể thực tế thiếu nhân lực có trình độ hay hệ thống thông tin quản lý chưa mạnh hiện nay đang khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam gặp nhiều bất lợi.
Theo Đầu tư
Vietnam Report