Tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều ý kiến thiết thực làm các doanh nghiệp rất phấn khởi...
Tham dự trực tuyến Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 17/5 tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp rất phấn khởi với những quyết sách của Chính phủ và những cam kết tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM cho rằng, sau 1 năm triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là nhận thức của bộ máy chính quyền thực thi pháp luật đã có nhiều cải thiện, tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Vì vậy, năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới trong cả nước tăng nhiều nhất từ trước đến nay với hơn 110 ngàn doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị
Tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều ý kiến thiết thực làm các doanh nghiệp rất phấn khởi, trong đó có cam kết trong một năm không thanh tra doanh nghiệp quá 1 lần. Đây là vấn đề bức xúc lớn nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp được tháo gỡ, vì thực tế có doanh nghiệp mỗi năm bị thanh tra hơn chục lần.
Riêng tại Đồng Nai có doanh nghiệp 1 tháng bị thanh tra tới 3 lần. Điều đáng nói là cam kết này của Thủ tướng Chính phủ được thể hiện bằng luật hóa. Ngay trong buổi chiều của ngày đối thoại, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ngay chỉ thị 20 để thực hiện nội dung này, điều mà chưa có trong tiền lệ, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển, Viện nghiên cứu và quản lý TP.HCM cho biết: “Thủ tướng nói sẽ mang lại sự bình đẳng thực sự giữa công và tư, tương xứng định chế với thông lệ quốc tế, Việt Nam sẽ cải tiến theo hướng đó thì mới hội nhập, phát triển bền vững và tận dụng được cơ hội thông qua đàm phán song phương và đa phương. Tôi cho rằng đây là hướng tháo gỡ rất nhiều để chúng ta có thể đẩy mạnh phát triển Việt Nam một bước phát triển mới theo xu hướng toàn cầu hóa”.
Điều mà doanh nghiệp tâm đắc nữa đó là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần nói phải đi đôi với làm. Đồng thời khẳng định cam kết xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Điều mà doanh nghiệp tâm đắc nữa đó là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần nói phải đi đôi với làm
Chính phủ tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nhũng nhiễu doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo tất cả những điều mà doanh nghiệp phản ánh hôm nay sẽ giao trách nhiệm cho các Bộ ngành, địa phương, nếu không giải quyết sẽ bị xử lý nghiêm. Đây cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của người đứng đầu Chính phủ vì từ trước tới nay, doanh nghiệp rất bức xúc chuyện chủ trương, chính sách của Nhà nước thì tốt nhưng thường bị ách tắc ở khâu thực thi, trên “nóng”, nhưng ở dưới thì “lạnh”.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu N.P.T kiến nghị: “Ở trên đưa ra chính sách rất tốt, nhưng bên dưới vận dụng dụng những chính sách đó hỗ trợ doanh nghiệp chưa tốt. Đôi lúc, doanh nghiệp chưa hiểu được hết những chính sách hỗ trợ của Chính phủ nên không ứng dụng được. Cơ quan quản lý không có sự hướng dẫn, hỗ trợ những chính sách đó thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được bị thiệt thòi”.
Chính phủ đã và đang có những cải cách mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng theo các doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa và nhất là cần rà soát lại những quy định chưa phù hợp trong điều kiện kinh doanh hiện nay để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Ông Võ Quang Cảnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn kiến nghị: "Chính phủ vẫn còn những cái cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển. Tôi cho rằng có những quy định chưa hợp lý như trước đây chỉ có máy photo màu đối với ngành in thì mới xin phép, nhưng sau khi có Nghị định 60 thì đa số các máy trong ngành in đều xin phép như máy in, máy đơn giản như máy đóng kim phải xin phép”.
Sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, nhiều doanh nhân kỳ vọng những cam kết của Chính phủ sẽ sớm được thực thi để "lời nói đi đôi với việc làm".
Vietnam Report