Năm 2024, tỷ lệ doanh nghiệp trong tốp đầu của Việt Nam ghi nhận doanh thu, lợi nhuận và số lượng đơn hàng được cải thiện rõ rệt so với kết quả khảo sát được ghi nhận vào năm ngoái. Điều này lý giải tâm lý lạc quan của nhiều doanh nghiệp khi bước sang năm 2025.
Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024 của Vietnam Report mới công bố cho thấy, nhóm 10 doanh nghiệp hàng đầu trong bảng xếp hạng VNR 500 có doanh số khoảng hơn 140 nghìn tỷ đồng tương đương khoảng 5 tỷ USD. Đây là nhóm doanh nghiệp có đóng góp rất lớn giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam (GDP) lọt tốp 40 nền kinh tế trên toàn cầu.
Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024
Nguồn: Vietnam Report
Vượt khó nắm bắt xu hướng mới
Sau một năm đối diện với những “cơn gió ngược” từ bối cảnh suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao, bất ổn chính trị trên toàn cầu, năm 2024, tình hình của các doanh nghiệp đã có cải thiện rõ nét đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, khoáng sản, điện lực, thực phẩm đồ uống và xây dựng.
Với nhiều doanh nghiệp, 2024 là một năm có nhiều thuận lợi nhất định, đặc biệt sau giai đoạn nhiều khó khăn đến từ bối cảnh đại dịch và những bất ổn từ tình hình địa chính trị thế giới. Theo ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bee Logistics Corporation, việc Chính phủ nỗ lực tăng cường vị thế địa chính trị, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đã giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn hàng cũng như cơ hội đặc biệt trong lĩnh vực logistics.
Bên cạnh đó, việc đầu tư mạnh mẽ và quyết liệt vào cơ sở hạ tầng, những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính cũng giúp cho việc lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp giảm chi phí logistics. Bên cạnh đó, những giải pháp khuyến khích chuyển đổi số, số hóa dữ liệu, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thực tế sản xuất, kinh doanh đang mang lại những kết quả tích cực.
Một số kiến nghị của doanh nghiệp logistics với Chính phủ
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Logistics, tháng 10-11/2024
Theo Vietnam Report, năm 2023 với vô vàn thách thức khó khăn khi nền kinh tế thế giới gặp nhiều áp lực bởi bất ổn địa chính trị, lạm phát, suy thoái kinh tế, giá cả nguyên vật liệu đầu vào dịch vụ logistics đẩy lên rất cao. Trong khi đó Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) neo mức lãi suất cao gây tác động tới tỷ giá. Với xuất phát điểm đó, năm 2024 được coi là năm bản lề cho sự hồi phục khi doanh nghiệp dần “dễ thở” hơn.
Đặc biệt, khảo sát của Vietnam Report cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất tích cực chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Đặc biệt việc miễn, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đã có tác động trực tiếp tới nền kinh tế. Qua đó hỗ trợ sức cầu và tiêu dùng nội địa.
Năm 2024 chứng kiến sự phục hồi của nền kinh tế qua con số đăng ký mới tăng trưởng hơn 10%. Những doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR 500 2024 có sự tăng trưởng nhanh về doanh thu và lợi nhuận. Không chỉ cải thiện về con số, chất lượng lợi nhuận cũng được cải thiện rõ nét. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã chủ động mở rộng thị trường, cắt giảm chi phí sản xuất để làm sao biên lợi nhuận tốt nhất.
Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report cho biết, một xu thế xuyên suốt là việc phát triển duy trì nền kinh tế số. Các doanh nghiệp cũng chú trọng tái cấu trúc hoạt động sản xuất và áp dụng nhiều xu hướng mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Lạc quan vào triển vọng 2025
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp khá lạc quan khi bước sang năm 2025. Kết quả này khá tương đồng với khảo sát công bố hồi tháng 10 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh tế trong 12 tháng tới có những tín hiệu tích cực, phù hợp với diễn biến của các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Theo đó, về triển vọng kinh tế ngành, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “rất tích cực” và “tích cực” về triển vọng kinh tế ngành đã tăng lên, đồng thời tỷ lệ đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực” đã giảm đi so với các kỳ khảo sát trước.
Niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh tế vĩ mô đã có sự tăng trưởng, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “rất tích cực” và “tích cực” lần lượt tăng gấp 5 và gần 6 lần trong khi tỷ lệ đánh giá tiêu cực giảm đáng kể.
Ông Thạnh chia sẻ, mặc dù rủi ro còn không ít khi tình hình bất ổn địa chính trị chưa được cải thiện rõ rệt, những yêu cầu ngày càng cao của khách hàng trong việc áp dụng liên quan đến logistics xanh hay ESG đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị về tư duy trí tuệ và nguồn lực rất lớn. Song doanh nghiệp vẫn dự kiến mở rộng mạng lưới ra toàn cầu trong năm tới.
“Hiện chúng tôi có mặt tại 16 nước, năm tới sẽ đẩy mạnh quốc tế hóa các sản phẩm dịch vụ của công ty. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ làm sâu sắc nhiều hơn sản phẩm cốt lõi, tích cực ứng dụng công nghệ là khía cạnh để tập trung đầu tư với mục tiêu trong 1,5 năm tới chúng tôi có thể ứng dụng được AI trong mọi công đoạn”.
Doanh nghiệp cũng rất kỳ vọng vào chủ trương chống thất thoát, lãng phí mà Đảng, Nhà nước đang triển khai. Điều này sẽ giúp giảm bớt quy trình, thủ tục, bớt chi phí và tiền bạc cho doanh nghiệp và người dân. Qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Còn theo ông Vinh, các doanh nghiệp tốp đầu Việt Nam cũng kiến nghị với Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát để doanh nghiệp ổn định kế hoạch sản xuất. Đồng thời, tích cực đầu tư hạ tầng cơ sở đầu tư công, đặc biệt là chuỗi logistics.
Đây là nền tảng để doanh nghiệp mở rộng thị trường và giảm chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho cũng như cắt giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng kỳ vọng chính phủ sẽ tiếp tục xúc tiến thị trường trong nước và quốc tế, kết nối cơ hội cho doanh nghiệp.
Khảo sát lương 2025 của Robert Walters mới đây cho thấy, 82% số công ty được khảo sát cho biết sẽ điều chỉnh lương trong năm 2025. Mức tăng lương dự kiến sẽ duy trì ổn định trong khoảng 15 - 25% trên hầu hết các ngành. Điều này cho thấy, doanh nghiệp tiếp tục lạc quan với triển vọng kinh doanh tích cực trong năm tới.Vietnam Report