Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện mô hình kinh doanh. Đồng thời, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.
Đây là thông tin cho biết tại hội thảo “Doanh nghiệp làm thế nào để chuyển đổi số?” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17/5.
Theo ông Phan Thành Nhơn, Giám đốc vận hành Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), qua đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển và xúc tiến thương mại cho thấy, thị trường hiện nay đòi hỏi năng lực cạnh tranh và những mô hình kinh doanh mới.
Theo đó, chuẩn hóa là vấn đề quan trọng trong cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu hội nhập và người tiêu dùng ở nhiều thị trường. Cùng đó, vấn đề chuyển đổi số phù hợp với thực trạng của hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giúp tăng nội lực cho doanh nghiệp.
Ông Phan Thành Nhơn cũng bày tỏ, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu, doanh nghiệp không thể chờ đợi đến lúc lớn mạnh hay đủ tiềm lực mới ứng dụng công nghệ số.
Chính vì vậy, BSA đã và đang chủ động thực hiện nhiều hoạt động nâng cao nhận thức doanh nghiệp trong vấn đề chuẩn hóa, chuyển đổi số. Đặc biệt, các chuyên gia sẽ tham gia hỗ trợ lộ trình tiếp cận giải pháp này bằng những bước chuẩn bị, cũng như triển khai chuyển đổi số cơ bản đầu tiên.
Thời gian gần đây, doanh nghiệp làm thế nào để chuyển đổi số là bài toán đặt ra cho cả các công ty Việt Nam và nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh khác trên toàn cầu. Đơn cử, lúc đầu Google không có mô hình kinh doanh cụ thể, hoạt động không lợi nhuận, kiếm được chút lợi nhuận nhờ bán công cụ tìm kiếm.
Nhưng từ năm 2003, công ty tung ra AdWords cho phép các doanh nghiệp mua quảng cáo khi mọi người tìm kiếm trên Google.com. Tiếp theo, năm 2008, Google tạo được doanh thu 21 tỷ USD chỉ từ quảng cáo.
Google chỉ một trong rất nhiều công ty trên toàn cầu thành công trong việc không chỉ thay đổi mô hình kinh doanh, mà còn tăng lợi nhuận nhờ chuyển đổi số. Còn thống kê tại Việt Nam trong những năm gần đây, cũng đã và đang xuất hiện nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số và đạt được kết quả thành công bước đầu.
Ông Phạm Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm VNPT – IT khu vực 2, chi nhánh Công ty công nghệ thông tin VNPT cho biết, đơn vị này đã chủ động chuyển đổi hạ tầng số và dịch vụ số cho chính doanh nghiệp và hiện nay đang cung cấp, tư vấn cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Ngoài ra, đơn vị cũng tiếp tục triển khai, hợp tác với đối tác trong và ngoài nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số.
Tính đến nay, VNPT có một số sản phẩm được công nhận trên thị trường. Để đạt được kết quả này, trong việc thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp cần có kiến thức để vận dụng một cách khoa học và hiệu quả. Song song đó, trong bối cảnh nền kinh tế số, doanh nghiệp phải nhận thức và thay đổi tư duy tham gia vào cuộc cách mạng 4.0 của Việt Nam và toàn cầu, chứ không phải chỉ riêng tại doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, các chuyên gia cho rằng, khi đầu tư chuyển đổi số, doanh nghiệp nên bắt đầu từ con người, cần chuẩn bị nguồn lực lao động đáp ứng yêu cầu vận hành, ứng dụng công nghệ. Trong giai đoạn hiện nay, để doanh nghiệp vươn lên và phát triển, cần liên kết với Viện, trường nhiều hơn, cùng tạo ra các mô hình kinh doanh mới.
Chuyển đổi số là một thực tế khách quan, nền kinh tế số được vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt các giao dịch và thương mại điện tử. Chính phủ điện tử dựa vào tin học hóa bộ máy hành chính tập trung vào dịch vụ công, nhờ vào khai thác dữ liệu tập trung vào đổi mới sáng tạo bộ máy hành chính. Cách mạng 4.0 và chuyển đổi số, đòi hỏi sản xuất thông minh thông qua ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo.
Giáo sư Tiến sĩ Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John von Neumann (Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) cho hay, chiến lược chuyển đổi số thay đổi cách kết nối và tạo giá trị cho khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác mạng lưới khách hàng. Bên cạnh đó, ranh giới đối tác, đối thủ mờ nhạt dần, xây dựng nền tảng không chỉ sản phẩm, bởi dữ liệu khắp nơi là tài sản vô hình của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có dữ liệu rồi, doanh nghiệp cần giải pháp biến dữ liệu thành công cụ hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như điều chỉnh các định giá trị, xác định giá trị dựa vào như cầu khách hàng. Chuyển đổi số tốn kém chi phí, nhưng doanh nghiệp có thể lựa chọn ứng dụng những công nghệ phù hợp với nhu cầu tài chính và năng lực công ty. Đồng thời, quan trọng hàng đầu vẫn là xây dựng cơ sở dữ liệu và vấn đề này không cần nhiều chi phí.
Phương Anh
Tổng hợp
Vietnam Report