Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, nhưng nhiều năm qua DNNVV vẫn chưa phát huy được tiềm năng để có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào thành quả chung của nền kinh tế. Bởi vậy, sự chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành sẽ là động lực để khối doanh nghiệp này bứt phá trong tương lai gần.
Trụ cột của nền kinh tế cần được quan tâm đúng mức
Hàng năm, các DNNVV đã tạo ra gần 60% việc làm (chiếm 42,2% số lao động), 44,8% doanh thu, đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu, đóng góp 29,3% cho ngân sách Nhà nước. DNNVV đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch về cơ cấu ngành nghề thông qua tạo việc làm, thu hút lao động từ lĩnh vực nông nghiệp, tham gia đầu tư vào các thị trường ngách, thúc đẩy vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Qua đó, DNNVV cũng thể hiện vai trò là trụ cột quan trọng với những đóng góp thúc đẩy sự chuyển mình và cất cánh của nền kinh tế Việt Nam.
Thời gian qua, Chính phủ đã không ngừng triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý với những tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, tạo động lực cho doanh nghiệp nói chung và DNVVN nói riêng phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định, tiềm năng phát triển của khối kinh tế tư nhân, trong đó có DNNVV là rất lớn, do đó, các Bộ, ngành, địa phương phải chuyển biến mạnh mẽ, đồng hành, cùng tham gia tháo gỡ rào cản, vướng mắc, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp này phát triển. Hàng loạt chính sách hỗ trợ cơ bản dành cho các DNNVV như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thông tin, phát triển nguồn nhân lực, tư vấn, công nghệ... đã tạo bước tiến quan trọng trong công tác hoàn thiện chính sách, hỗ trợ tích cực cho DNNVV phát triển mạnh mẽ hơn.
Cuộc khảo sát về năng lực sản xuất do Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam thực hiện cho thấy, DNNVV Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại khi tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á, hiện nay, mới chỉ có 21% các DNNVV của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu so với 30% của Thái Lan và 46% của Malaysia.
Mặt khác, DNNVV Việt Nam vẫn rất khó tiếp cận các nguồn vốn như: vốn tín dụng từ các ngân hàng, nguồn vốn từ các quỹ… để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Thiếu vốn là rào cản lớn nhất của DNNVV trong thay đổi công nghệ sản xuất, cải thiện đầu tư, nâng cao chất lượng và gia tăng nội lực cạnh tranh về giá thành sản phẩm trên thị trường. Với cách hỗ trợ vốn phải có tài sản thế chấp như hiện nay, cũng rất ít doanh nghiệp có cơ hội đổi mới được sản xuất. Bên cạnh đó, nước ta chưa có sự triển khai đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa các chương trình hỗ trợ DNNVV của các Bộ, ngành, địa phương. Một số tổ chức tín dụng còn thiếu kinh nghiệm trong thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mới, còn nặng về tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh mới
Có nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ DNNVV nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất - kinh doanh từ nhiều phía, bao gồm Nhà nước, chính quyền địa phương, các Bộ, ngành và hiệp hội liên quan bên cạnh nỗ lực của chính DNNVV. Các giải pháp phát triển DNNVV nên tập trung vào bốn nhóm vấn đề chính là: tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tiếp cận thị trường.
Thứ nhất, về phía Nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm mục đích cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường trong nước và ngoài nước. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng ổn định chính sách vĩ mô, kết hợp thay đổi tư duy đúng nghĩa là cơ quan phục vụ cho doanh nghiệp. Mặt khác, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, siết chặt rào cản kỹ thuật, hạn chế tình trạng hàng gian, hàng giả, nhất là hàng giả thương hiệu Việt Nam chất lượng cao để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho hàng Việt, và cũng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển.
Tiếp đến, cần triển khai hiệu quả, đồng bộ Luật Hỗ trợ DNNVV và các chính sách hỗ trợ đã ban hành; đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Bảo lãnh DNNVV và Quỹ Phát triển DNNVV. Song song với đó, phát triển cân bằng thị trường tài chính (nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu, tài chính vi mô, quỹ đầu tư…) để tạo kênh dẫn vốn đa dạng cho DNNVV.
Thứ hai, về phía các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cần nâng cao vai trò, năng lực của các hiệp hội ngành nghề nhằm hỗ trợ DNNVV, tăng cường chức năng tham vấn và phản biện xã hội. Ở đây cần nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong liên kết các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt là mối liên kết giữa các doanh nghiệp lớn và DNNVV. Tuy nhiên, hiện tại, còn thiếu vắng một lực lượng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, triển khai được các hình thức liên kết “mềm” thông qua thỏa thuận, hợp tác sử dụng thương hiệu, dịch vụ, kết quả nghiên cứu đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ chung theo nguyên tắc thị trường.
Thứ ba, bản thân mỗi DNNVV phải nêu cao nhận thức “Phát triển hay là tiêu vong”, xác định và phát huy lợi thế, sử dụng có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng xã hội. Để tiếp cận nguồn vốn, DNNVV cũng phải khắc phục những hạn chế nội tại như quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế; trình độ quản trị doanh nghiệp bất cập, số liệu thiếu chính xác, thiếu hoặc không đủ giấy tờ về tài sản đảm bảo…; xây dựng đề án phát triển khả thi và được sự thẩm định chặt chẽ của các bên liên quan. Doanh nghiệp cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro; đặc biệt, nên có chuyên viên chuyên sâu về quản lý tài chính vốn. Những vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, giảm thuế suất TNDN, giảm lãi suất tín dụng… cũng là những trọng tâm khuyến nghị chính sách mà các doanh nghiệp tham gia khảo sát mới đây của Vietnam Report nhận định, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là nhóm DNNVV.
Tóm lại, doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển thông qua các kế hoạch kinh doanh, chiến lược, tầm nhìn và sứ mệnh hoạt động cụ thể. Việc nắm bắt nhu cầu, tâm lý của khách hàng hoặc nhóm khách hàng phù hợp với loại hình, ngành nghề kinh doanh của mỗi doanh nghiệp cũng là một giải pháp mà các DNNVV có thể thực hiện được và tạo ra những kết quả khả quan. Mặt khác, DNNVV cần khai thác hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy cho sự phát triển như: các giải pháp hỗ trợ từ nhà đầu tư trong và ngoài nước; các chính sách, kế hoạch hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, tài chính, công nghệ, quản trị, kinh doanh...
Đồng thời, sự liên minh, liên kết của nhóm doanh nghiệp kinh doanh, hoạt động cùng ngành nghề dưới các hình thức như hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên danh... cũng là một giải pháp phù hợp nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của mình. Đặc biệt, các DNNVV cần biết cách giữ mối quan hệ tốt đẹp với các doanh nghiệp lớn Việt Nam trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt để hợp tác cùng tồn tại và phát triển trong các nội dung tối quan trọng như công nghệ và tiếp cận thị trường.
Bảng xếp hạng FAST500 & BP500 – Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng và thịnh vượng Việt Nam năm 2019 do Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố, ghi dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp được ví như “những ngôi sao đang lên” với vai trò là động lực tăng trưởng của cả nền kinh tế. Lễ công bố Bảng xếp hạng FAST500 & BP500 năm 2019 vinh danh chính thức các doanh nghiệp FAST500 & BP500 do Vietnam Report và VietNamNet tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 04 năm 2019 tại Khách sạn Park Hyatt Saigon, TP. Hồ Chí Minh. |
Phạm Trí Hùng
Vietnam Report
Vietnam Report