Đó là nhận định chung của các nhà lãnh đạo ngành thuế và doanh nghiệp tại hội thảo "Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách thuế" diễn ra sáng nay 21.6 tại Hà Nội.
Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được tiếp cận kịp thời các nội dung sửa đổi của chính sách thuế có lợi cho doanh nghiệp. Cuộc Hội thảo Cải thiện Môi trường kinh doanh thông qua cải cách thuế được tổ chức ngày 21/6 tại Hà Nội đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp; trong đó mấu chốt phải kể tới là làm thế nào để giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và đạt nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế.
Nặng gánh về thời gian
Bàn về môi trường kinh doanh của Việt Nam dưới tác động của các thủ tục thuế phí tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo – Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện 3 bậc, đạt được 5/10 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu về tiết kiệm điện năng, tín dụng, thuế. Thông số này đã được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào ngày 31.5.2015, vào đợt công bố tới là 31.10.2016 dự báo những thông số này sẽ được cải thiện đáng kể.
Theo bà Thảo, thời gian nộp thuế bao gồm cả thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, Việt Nam hiện đã giảm được 102 giờ (từ 872 giờ xuống còn 770 giờ, trong đó 273 giờ của bảo hiểm xã hội và 497 giờ nộp thuế), tăng 4 bậc, song thời gia nộp thuế vẫn còn cao hơn rất nhiều so mức giờ trung bình ở ASEAN 3 và ASEAN 4 (mức giờ trung bình của hai nhóm này là hơn 100 giờ). Trong đó, đáng chú ý là với ASEAN 4, Việt Nam còn kém xa Malaysia, Thái Lan, Phillipines, khoảng cách về thời gian nộp thuế giữa Việt Nam và các nước trong nhóm này còn rất lớn (giữa gần 800 giờ và hơn 100 giờ)
Ngoài ra, năm 2016, do tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, tỷ suất thuế và bảo hiểm bắt buộc tăng lên 39,34%: trong đó thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 22% xuống 20%, nhưng đáng chú ý là tỷ suất thuế lại tăng lên 14,53% (mức này thấp hơn bình quân của các khu vực đã nêu trên), bảo hiểm xã hội tăng 24,81%. Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, năm 2016, giờ nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam đã đạt mức bình quân của ASEAN 6.
"Theo đó có thể thấy, tham vọng của Chính phủ Việt Nam là nâng mức thuận lợi trong thủ tục thuế của Việt Nam ngang bằng ASEAN 3 và ASEAN 4 vào năm 2020 quá khó khăn vì khoảng cách còn rất xa, từ 770 giờ hiện nay xuống còn hơn 100 giờ trung bình của ASEAN 4 là quá khó", bà Thảo nói.
39% DN được khảo sát mong giảm phí/lệ phí thuế
Tuy nhiên, thủ tục cấp giấy phép xây dựng lại kéo dài thêm 52 ngày. Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản tăng thêm 1 thủ tục và tốn thêm 57,5 ngày (còn khoảng cách khá xa so với Nghị quyết 19 (14 ngày).
Thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng chưa được rút ngắn (vẫn là 400 ngày) so với mục tiêu của Nghị quyết 19 là 200 ngày.
Thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp vẫn là 5 năm, nhiều hơn đáng kể so với các nước ASEAN 4.
Do đó qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2014, dù 71% DN được khảo sát đã hài lòng về hệ thống thuế nhưng vẫn có 86% DN thấy cần phải cải cách mạnh mẽ nhiều hơn nữa về TTHC thuế; mở rộng các hình thức thông tin CQHC và TTHC thuế;
61% DN mong muốn rút ngắn thời gian hành chính thuế và tăng tính công khai, minh bạch trong thực hiện TTHC thuế; tăng cường ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC thuế;
56% DN mong cải thiện việc tiếp cận, giải quyết các kiến nghị liên quan đến TTHC thuế. Đối với 44% DN cần nâng cao năng lực giải quyết công việc, cải thiện thái độ giao tiếp, tinh thần phục vụ của công chức với người nộp thuế.
39% DN được khảo sát mong giảm phí/lệ phí thuế và cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người nộp thuế tại nơi làm TTHC thuế.
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngang bằng các nước ASEA 4 (cuối năm 2017) và tiến tới ASEAN 3 (vào năm 2020), các chuyên gia và các DN thấy rằng, cơ quan thuế cần tiếp tục rà soát chính sách, cải tiến quy trình, thủ tục về thuế và tăng cường kiểm soát nội bộ, thu thập thông tin phản hồi và giám sát việc thực thi để rút ngắn khoảng cách từ chính sách dến thực tiễn.
Nguyễn Trung
Tổng hợp
Vietnam Report