Động lực mới nào cho tăng trưởng kinh tế?

29/08/2018

Chuyên mục:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng các giải pháp tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Vấn đề mang tính chiến lược này thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong kịch bản cơ sở tăng trưởng giai đoạn 2018 - 2020, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 7,47%/năm và duy trì tăng trưởng ở mức cao trong giai đoạn 2021 - 2025. Để đạt được mức tăng trưởng này, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra đầu tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo xây dựng các giải pháp tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. “Chúng ta đang tìm động lực mới trong tăng trưởng là gì của thời kỳ này và thời kỳ tiếp theo, nhất là từ năm 2019 - 2021, trong bối cảnh thế giới có xung đột, bảo hộ thương mại? Thứ hai là dư địa nào mà chúng ta cần phải làm? Người ta đang nói, nông nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch là dư địa rất lớn. Còn dư địa nào lớn hơn nữa trong tăng trưởng?", Thủ tướng gợi ý. Thủ tướng lấy ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, từ một nước thiếu ăn, nhờ tái cơ cấu và đổi mới quan hệ sản xuất nên nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo. 

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, 3 động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế hiện nay là: Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách cải cách thể chế; phát triển mạnh kinh tế tư nhân; phát triển khoa học và công nghệ. “Ngoài ra, chúng ta còn động lực về hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng hiện nay động lực này đang rất bấp bênh. Hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho chúng ta khai thác được lợi thế so sánh, tìm kiếm được những thị trường, đối tác mà hai bên bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta vẫn chưa làm tốt điều này”, ông Doanh đánh giá. Đề cập về động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, ông Doanh cho rằng, vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, do đó rất cần phải có chế tài xử lý những đối tượng không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc.

Đối với động lực phát triển mạnh kinh tế tư nhân, theo ông Doanh, vẫn còn tình trạng chưa tạo điều kiện thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân lớn lên. Tại Hà Nội có những hộ gia đình xuất khẩu đồ gỗ thủ công mỹ nghệ tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng họ vẫn không muốn lớn lên thành DN. Còn một số người kinh doanh thành công lại bỏ tiền ra mua nhà ở nước ngoài, sau đó ra nước ngoài sinh sống, ông Doanh nêu bất cập và cho rằng, chúng ta cần sửa chính sách để khơi dậy và phát huy các nguồn lực phát triển.

Liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, tất cả các yếu tố khác phải tạo điều kiện khơi thông dòng chảy cho kinh tế tư nhân phát triển và hội nhập. Ông Phong cũng bổ sung thêm một động lực từ xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý (Nhà nước, doanh nghiệp) có chất lượng.  Bên cạnh đó có thể là một số động lực mới từ việc lựa chọn các ngành tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mới đây, nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra dự báo lạc quan cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ vượt 7% với nhiều động lực từ khu vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch…

Việt Anh

Theo Báo Đấu thầu

Vietnam Report