Động lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm 2019

12/06/2019

Chuyên mục:

Nhiều ý kiến cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh cần phải được tiếp tục để tập trung tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN, qua đó hút vốn vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Kinh tế chuyển biến tích cực

Trong gần nửa đầu năm, theo đánh giá, kinh tế xã hội được đang có nhiều chuyển biến tích cực, trừ ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn. Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là dù giá cả một số hàng hóa thiết yếu tăng nhưng kinh tế vĩ mô vẫn được giữ vững, lạm phát ở mức thấp.

Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng tăng ở mức 2,74% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp tăng khá, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp với chỉ số sản xuất tháng 5 tăng cao nhất 5 năm qua (ước tính tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 1,5% còn ngành chế biến, chế tạo tăng 11,6%).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng khá nhờ kết quả sản xuất tích cực trong tháng 5 của ngành chế biến, chế tạo, ngành sản xuất, phân phối điện và cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng chung của toàn ngành với chỉ số sản xuất tháng 5 tăng cao nhất 5 năm qua. Đáng chú ý là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tháng 5 bắt đầu phục hồi sau 2 tháng liên tiếp tăng trưởng âm.

Cũng theo đánh giá của Chính phủ, trong nửa đầu năm 2019, không khí khởi nghiệp cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi DN thành lập mới tăng cao và làn sóng khởi nghiệp tiếp tục là kênh huy động nguồn vốn cho nền kinh tế. Trong 5 tháng vừa qua có gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số lượng doanh nghiệp đăng ký cao nhất trong 5 năm qua. Nếu tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm, trong 5 tháng đầu năm nay ước tính các doanh nghiệp bổ sung vốn đăng ký cho nền kinh tế gần 1,7 triệu tỷ đồng. Bên cạnh số lượng DN thành lập mới tăng cao, đáng mừng là thị trường còn đón nhận tới gần 20 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, số DN quay trở lại hoạt động tăng tới 48,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng lên hơn 73,6 nghìn doanh nghiệp.

Liên quan đến những khó khăn của ngành nông nghiệp, theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, sang năm 2019, dự báo trước tình hình thách thức đặc biệt là chiến tranh thương mại khốc liệt cùng dự báo tổng tăng trưởng của kinh tế thế giới liên tục giảm, vì vậy, ngành nông nghiệp xây dựng một kế hoạch tăng trưởng kinh tế khu vực nông nghiệp là 3% và xuất khẩu 42%. Đến nay, tăng trưởng của ngành thủy sản là 5,2%, ngành lâm nghiệp tăng trưởng hơn 5%. Riêng nông nghiệp truyền thống bao gồm trồng trọt chăn nuôi đang khó khăn, cụ thể, khối trồng trọt khó khăn nhất là giá nông sản của các mặt hàng cây công nghiệp xuống giá, còn chăn nuôi thì đặc biệt khó khăn về chăn nuôi lợn do Dịch tả lợn châu Phi lan rộng. Theo đánh giá của Chính phủ, Dịch tả lợn châu Phi là khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng của ngành, thu nhập và đời sống của người nuôi. Sản lượng tiêu thụ và giá thịt lợn giảm trong những tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, hạn hán xuất hiện sớm ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân tại khu vực. Ngành thủy sản duy trì mức tăng khá về sản lượng nhưng cũng gặp sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các quốc gia có cùng mặt hàng, như cá tra xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc.

Nhiều động lực cho năm 2019

Nhận định về động lực đến từ kinh tế vĩ mô, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các số liệu mới nhất được Chính phủ công bố cho thấy chúng ta hiện nay đã đạt được sự ổn định tương đối vững chắc về kinh tế vĩ mô. Năm 2019 có thể sẽ là năm thứ 5 liên tiếp lạm phát được kiềm chế dưới mức 4%, và với mức lạm phát cơ bản trung bình của 5 tháng đầu năm mới chỉ ở mức 1,85% thì có thể coi mục tiêu lạm phát Quốc hội giao năm nay đã nằm trong tầm tay của Chính phủ.

“Mấy năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để điều hành tỷ giá một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả, đồng tiền Việt Nam trong hai năm gần đây đã nằm trong nhóm đồng tiền ổn định nhất ở châu Á, góp phần nâng cao tín nhiệm quốc gia, bất chấp những sức ép rất lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra ngày càng căng thẳng”, TS Vũ Tiến Lộc nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia Vũ Tiến Lộc cũng lưu ý, điều khiến chúng ta lo lắng nhất là tốc độ cải cách thể chế vẫn còn chậm và chưa đạt được như kỳ vọng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới triển vọng phát triển dài hạn của nền kinh tế.

Nói về động lực tăng trưởng trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng có nhiều động lực cho tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm. Đơn cử, hiện nay hoạt động thương mại rất sôi động, sức mua rất tốt, dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%, đồng tiền, tỉ giá vẫn giữ ổn định tốt, tạo ra niềm tin thị trường. Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư FDI đạt kết quả rất tốt, đến hết tháng 5/2019 đã đạt được số giải ngân là 7,3 tỷ USD, tổng vốn đăng ký mới và tăng vốn, góp vốn mua cổ phần đều tăng và đạt tới con số gần 17 tỷ USD, tăng cao 69% so với 2018. Bên cạnh đó, lĩnh vực xuất khẩu tăng trưởng tới 6,7% so với 2018 với tổng kim ngạch hơn 100 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý là xu thế hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tăng cao hơn so với DN FDI khi xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 30,33 tỷ USD, tăng 11,6%, cao hơn mức tăng của khu vực FDI. Đặc biệt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh tới động lực tăng trưởng đến từ ngành công nghiệp, khi hiện nay công nghiệp đang có mức tăng trưởng cao 9,4%, dù thấp hơn năm 2018, nhưng đây là mức tăng cao hơn 2016, 2017, trong đó đáng chú ý là tới đây, ngày 14/6 sẽ khánh thành Nhà máy Vinfast do doanh nghiệp trong nước đầu tư tại Hải Phòng. Bên cạnh đó, ngành du lịch 5 tháng qua có hơn 7,3 triệu lượt khách quốc tế, cao hơn mức 6,7 triệu lượt của cùng kỳ năm trước.

“Chỉ đạo của Thủ tướng là tập trung tháo gỡ các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, thu xếp vốn đối ứng, tăng giải ngân đầu tư công. Hơn nữa, phải tạo cơ chế mạnh mẽ hút vốn các DN tư nhân. Thủ tướng đưa ra nhiều giải pháp xử lý tổng thể nhiều lĩnh vực, đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho công nghiệp, nông nghiệp, cắt giảm thủ tục kinh doanh kiểm tra chuyên ngành, chỉ đạo lãnh đạo địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc cho DN, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và nhiệm vụ các bộ đều được giao rất kỹ. Với chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành các địa phương bám sát mục tiêu tăng trưởng, yêu cầu lấy mục tiêu đó phấn đấu, triển khai quyết liệt, hoàn thành nhiệm vụ năm 2019, tin tưởng mục tiêu năm 2019 sẽ đạt được”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Hoài Anh

Theo Báo Hải quan

Vietnam Report