Thế giới biến động, doanh nghiệp cũng không thể đứng yên. Xuất hiện như một phương sách hữu ích đối phó với khủng hoảng, suy thoái và những thời điểm khó khăn trong lịch sử, đổi mới là một cứu cánh tối ưu cho các doanh nghiệp.
ĐỔI MỚI TRONG SUY THOÁI: QUAN ĐIỂM VÀ MINH CHỨNG TỪ QUÁ KHỨ
“Đừng bao giờ lãng phí một cuộc khủng hoảng” – câu nói này đã được Winston Churchill đưa ra vào những năm 1940, trong Thế chiến II và vẫn còn giá trị cho đến hiện tại. Bên trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng có thể nảy sinh những ý tưởng mới, những cơ hội chưa được xác định trước đây và yêu cầu cho sự thay đổi thực sự. Châm ngôn của Churchill dựa trên cách thức mà các cuộc khủng hoảng có thể thúc đẩy chúng ta đánh giá lại những điều mà trước đây được coi là hiển nhiên và tìm kiếm những cách thức mới để thực hiện mọi việc. Nói cách khác, những cuộc khủng hoảng đóng vai trò là chất xúc tác cho những thay đổi sâu sắc trong cách thức tổ chức và tiến hành đổi mới.
Quan điểm này cũng tương đồng với lý thuyết về “creative destruction” -“sự phá hủy mang tính sáng tạo” do nhà kinh tế học Joseph Schumpeter đưa ra năm 1942. “Sự phá hủy mang tính sáng tạo” - dỡ bỏ các hoạt động thường lệ đã tồn tại từ lâu để mở đường cho sự đổi mới, mặc dù gây đau đớn, nhưng lại thúc đẩy sự tiến bộ bằng cách loại bỏ cái cũ và quen thuộc để lấy cái mới và tốt hơn. Lý thuyết này gợi ý rằng các chu kỳ kinh doanh vận hành dưới những làn sóng đổi mới. Từ quan điểm này, suy thoái có thể là một nguồn cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới.
Thực tế quá khứ cũng chứng minh, những thời điểm khó khăn này cũng có thể mở ra cánh cửa cho cơ hội dài hạn, quan trọng và có giá trị. Một mô hình được lặp lại trong suốt lịch sử, đó là: sự gián đoạn kinh tế hoặc xã hội quan trọng tạo ra nhu cầu thị trường hoặc sự thay đổi trong hành vi – thứ mà các doanh nghiệp đổi mới sử dụng làm bệ phóng cho các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới. Đơn cử, đại dịch SARS đã tàn phá châu Á vào năm 2002 và khiến người dân phải cách ly tại chỗ bắt đầu áp dụng rộng rãi thương mại điện tử trong khu vực, biến Trung Quốc trở thành tâm điểm đổi mới trong giao dịch trực tuyến và thương mại xã hội. Lực lượng lao động bị thiếu việc làm do khủng hoảng tài chính 2007-2009 đã tạo điều kiện cho sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế chia sẻ,… Theo dữ liệu tổng hợp từ đầu những năm 1980, 1990 và những năm suy thoái 2001, các công ty chọn sách lược đổi mới trong thời kỳ suy thoái kinh tế đã củng cố vị thế của họ so với các đối thủ cạnh tranh trong thời kỳ phục hồi (nghiên cứu của Amore, M. D. , 2015). Nhiều công ty hàng đầu hiện nay như Microsoft hay Uber đã ra đời trong “sự phá hủy mang tính sáng tạo” của suy thoái kinh tế (Microsoft thành lập vào giai đoạn khủng hoảng dầu mỏ 1973-1975, Uber ra đời trong đại suy thoái 2007-2009).
Xét riêng về cuộc suy thoái năm 2007-2009, những doanh nghiệp đổi mới táo bạo vượt lên khỏi khủng hoảng trước các đồng nghiệp một cách đáng kể và duy trì lợi thế này trong nhiều năm. Khi so sánh các công ty trong danh sách Top 50 doanh nghiệp có tính đổi mới nhất thế giới của Fast Company trong năm 2007 và 2008 so với các doanh nghiệp trong S&P 500, kết quả đã chứng minh những doanh nghiệp táo bạo đầu tư vào đổi mới giành chiến thắng trong cuộc đua dài (Hình 1). Nhóm công ty này không chỉ hoạt động tốt hơn thị trường trong thời kỳ khủng hoảng tài chính mà còn tiếp tục nới rộng khoảng cách trong và sau quá trình phục hồi.
Hình 1: Hiệu suất các công ty đổi mới so với các công ty khác trong S&P500
Nguồn: McKinsey
Như vậy, đổi mới là một công cụ mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để giảm bớt tác động của suy thoái kinh tế, tận dụng tối đa và khai thác những cơ hội mới do sự thay đổi trong bối cảnh cạnh tranh tạo ra. Mặt khác, cuộc khủng hoảng cũng có thể khuếch đại lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp chú trọng đổi mới, đưa các doanh nghiệp này vượt lên dẫn đầu và duy trì khả năng cạnh tranh trong một thị trường khó khăn và sự thành công khi nền kinh tế phục hồi trở lại.
BỐI CẢNH BIẾN ĐỘNG VÀ KINH TẾ SUY THOÁI HIỆN TẠI
Một số chuyên gia cho rằng khi mọi người cố gắng dự đoán tương lai, việc nhìn vào quá khứ và đánh giá các xu hướng có thể hữu ích. Chúng ta có thể vẽ ra những điểm tương đồng từ thời điểm hiện tại với các thời kỳ trước. Đối chiếu với quá khứ, nhiều người cho rằng câu chuyện đang diễn ra ngày nay khá giống với những câu chuyện của các thời đại trước đây với thách thức và sự thay đổi lớn mà con người đã phải đối mặt và thích nghi.
Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta đang sống trong một thế giới nơi những cú sốc mới - chiến tranh Nga - Ukraine, lạm phát – chồng chất lên những cú sốc trước đó - đại dịch COVID-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Môi trường kinh tế bị chi phối bởi lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, hạn chế nguồn cung dai dẳng và chiến tranh ở Ukraine, đã gây ra sự leo thang nhanh chóng trong giá năng lượng và hàng hóa.
Các sự kiện hiện nay giống như một loạt các trận động đất đang định hình lại thế giới của chúng ta. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp thế giới hiện đang giải quyết không chỉ sự biến động kinh tế, bất ổn địa chính trị, rủi ro lạm phát và suy thoái hiện hữu mà còn cả một loạt các thay đổi về tổ chức có ý nghĩa quan trọng đối với cấu trúc, quy trình và con người. Với ba năm gián đoạn kinh tế và xã hội liên tục vừa qua, chúng ta có thể đã bước vào một kỷ nguyên kinh doanh mới được quyết định bởi những thay đổi căn bản và những thách thức mang tính hệ thống. Một quan điểm chung được thống nhất: sự kết hợp của những cú sốc này đã tạo nhiều thách thức lớn khó lường và chúng ta đã bước vào một thời đại đầy biến động. Bất ổn kinh tế và chính trị hiện nay có thể báo trước sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới rất khác biệt và bối cảnh kinh doanh sẽ thay đổi khá sâu sắc.
Trước những minh chứng từ quá khứ, trong khi suy thoái kinh tế có thể là thời điểm khó khăn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, chúng cũng có thể là thời điểm của cơ hội. Thay vì nghĩ về giai đoạn này như một cuộc suy thoái, hãy nghĩ về nó như một sự tái thiết, một cơ hội để bắt đầu lại. Suy thoái kinh tế có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho sự đổi mới bằng cách buộc các doanh nghiệp phải định hình lại, tận dụng và phát huy tối đa tư duy sáng tạo, phát triển mô hình kinh doanh tốt hơn, đổi mới một cách toàn diện để tồn tại và xa hơn là phát triển. Thời điểm thế giới biến động, kinh tế xoay chuyển, các doanh nghiệp cũng không thể đứng yên mà vận động, làm mới chính mình, áp dụng những tư duy và cách tiếp cận mới cho hoạt động của họ để thích ứng. Đã đến lúc các doanh nghiệp coi đổi mới không chỉ là một dự án phụ, rời rạc hay những điều xa xỉ mà cần sử dụng chúng như những điều cần thiết để phát triển cơ bản, vượt qua các đối thủ cạnh tranh – và định hình lại tương lai của họ
GÓC NHÌN TOÀN DIỆN VỀ ĐỔI MỚI VÀ CHIẾN LƯỢC ĐỔI MỚI
Đổi mới là gì và các yếu tố ảnh hưởng
Đổi mới được xem là quá trình tạo ra và thực hiện những ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình mới mang lại những tiến bộ hoặc thay đổi đáng kể trong các lĩnh vực khác nhau. Nó liên quan đến việc giới thiệu các phương pháp, công nghệ hoặc cách tiếp cận mới để giải quyết những thách thức hiện có, đáp ứng nhu cầu phát triển hoặc tận dụng các cơ hội mới nổi và không chỉ giới hạn ở việc phát minh ra những thứ mới mà còn bao gồm việc tinh chỉnh và nâng cao các ý tưởng hoặc thực tiễn hiện có.
Có thể thấy, hầu hết các tuyên bố sứ mệnh và báo cáo hàng năm của doanh nghiệp đều tràn ngập từ “đổi mới”. Trong bối cảnh kinh doanh, đổi mới là khả năng hình thành, phát triển, phân phối và mở rộng các sản phẩm, dịch vụ, quy trình và mô hình kinh doanh mới. Đổi mới thường được nhắc đến với máy tính, công cụ kỹ thuật số, tự động hóa và công nghệ, nhưng không phải lúc nào đổi mới cũng liên quan đến chúng. Đổi mới có thể chỉ đơn giản là một giải pháp hoặc cách tiếp cận mới cho một vấn đề mà một doanh nghiệp chưa từng sử dụng trước đây hay một góc nhìn mới về cách nhìn nhận một vấn đề. Đổi mới có thể diễn ra trên nhiều khía cạnh của doanh nghiệp: sản phầm, thị trường, mô hình kinh doanh, cấu trúc – quy trình hoạt động hay thử nghiệm các tiến bộ công nghệ mới hoặc chiến lược mới như thực hành ESG hay M&A,… Dù được tiến hành như thế nào, sự đổi mới phải tiến đến mục tiêu làm tăng giá trị và thúc đẩy tăng trưởng.
Tạo sự khác biệt, đón đầu xu hướng thị trường, cải thiện hiệu suất và nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp là những mục tiêu mà các doanh nghiệp muốn đạt được thông qua đổi mới. Các doanh nghiệp khai thác các yếu tố cần thiết của đổi mới nhận thấy lợi thế hiệu suất đáng kể -có thể tạo ra lợi nhuận kinh tế cao hơn 2,4 lần so với lợi nhuận của những doanh nghiệp khác (theo nghiên cứu của McKinsey với dữ liệu của 183 công ty). Tuy nhiên, các đổi mới luôn có cả rủi ro song hành. Nghiên cứu của McKinsey đã ghi nhận rằng quá trình chuyển đổi trên toàn doanh nghiệp rất khó khăn, với chưa đến 1/3 số cuộc chuyển đổi đạt được mục tiêu cải thiện hiệu suất của tổ chức và duy trì những cải tiến này theo thời gian. Vì đổi mới là một nỗ lực phức tạp của toàn công ty nên nó đòi hỏi một tập hợp các quy trình và thực tiễn xuyên suốt để cấu trúc, tổ chức và khuyến khích nó. Tám yếu tố quan trọng cho hiệu suất đổi mới đã được chỉ ra, bao gồm: Khát vọng (mục tiêu đổi mới), Lựa chọn (lựa chọn danh mục sáng kiến và nguồn lực đầu tư vào đổi mới), Khám phá (khám phá các khía cạnh cần đổi mới, tính khả thi và khả năng chuyển hóa thành các giá trị đáng kể của đổi mới), Phát triển (phát triển các khả năng khác biệt), Tăng tốc (Đẩy nhanh tốc độ đổi mới), Quy mô (quy mô phù hợp để áp dụng các sáng kiến đổi mới), Mở rộng (khả năng hợp tác, tận dụng các mạng lưới bên ngoài) và Huy động (kích thích, khuyến khích sự tham gia và tư duy đổi mới của nhân viên, đưa đổi mới vào văn hóa nội bộ).
Xây dựng chiến lược đổi mới – nền móng cho sự đổi mới hiệu quả
Theo khảo sát của McKinsey, hơn 80% giám đốc điều hành được khảo sát nói rằng đổi mới là một trong ba ưu tiên hàng đầu của họ, nhưng chưa đến 10% nói rằng hài lòng với hiệu suất đổi mới của tổ chức của mình. Bất chấp những khoản đầu tư lớn về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp, sự đổi mới vẫn là một mục tiêu khó nắm bắt. Các sáng kiến đổi mới thường thất bại và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì năng lực đổi mới. Một trong những vấn đề với những nỗ lực cải tiến đổi mới bắt nguồn từ việc thiếu một chiến lược đổi mới. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc sắp xếp rõ ràng các nỗ lực đổi mới với chiến lược kinh doanh của họ, thiếu hụt các chiến lược để gắn kết chúng với nhau. Trong khi đó, theo báo cáo “Reinventing innovation: Five findings to guide strategy through execution” của PwC, không phải quy mô mà chiến lược mới là mấu chốt quan trọng trong chi tiêu đổi mới.
Không doanh nghiệp nào có thể đạt được các mục tiêu kinh doanh xác định khi không có mối liên hệ rõ ràng giữa chiến lược kinh doanh và chiến lược đổi mới? Do những hành động đổi mới ngẫu nhiên hiếm khi được đền đáp, chúng ta không thể đặt cược mù quáng hay theo đuổi dàn trải, thiếu trọng tâm chủ đạo vào mọi sự thay đổi. Tham vọng của các công ty trong việc tận dụng sự đổi mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh của họ phải tiến hành thông qua xây dựng một chiến lược đổi mới rõ ràng. Đây là yếu tố cơ bản để khai thác tốt nhất tiềm năng và tối đa hóa kết quả.
Chiến lược đổi mới là gì?
Chiến lược đổi mới với tư cách là kim chỉ nam cho hoạt động đổi mới trong doanh nghiệp có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau và được theo đuổi dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhìn chung, một chiến lược đổi mới xác định loại đổi mới mà doanh nghiệp đặt trọng tâm, khía cạnh ưu tiên, cách thức tiến hành đổi mới, công nghệ và thị trường mà doanh nghiệp nên phát triển và khai thác tốt nhất trong giới hạn của các nguồn lực có sẵn của mình. Chiến lược đổi mới rõ ràng giúp doanh tập trung khả năng và các quy trình thích hợp được triển khai hiệu quả nhất để đáp ứng mục tiêu đổi mới và phù hợp với chiến lược tổng thể của doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu đổi mới hiệu quả, mang lại giá trị và xây dựng lợi thế cạnh tranh.
Chiến lược đổi mới không là các vấn đề riêng lẻ, mà liên quan đến các cách tiếp cận toàn diện và mạch lạc để giải quyết các vấn đề, quy trình đổi mới và đánh giá những thách thức và cơ hội bên ngoài cũng như lợi thế tiềm năng từ hành động đổi mới. Nếu không có chiến lược đổi mới, các bộ phận khác nhau của một tổ chức có thể dễ dàng theo đuổi các ưu tiên mâu thuẫn nhau - ngay cả khi có một chiến lược kinh doanh rõ ràng.
Tầm quan trọng của chiến lược đổi mới
Làm rõ các định hướng và mục tiêu trọng tâm: Tạo chiến lược đổi mới giúp chính thức hóa một số mục tiêu quan trọng nhất trong doanh nghiệp. Khi các mục tiêu của tổ chức được truyền đạt, nó giúp ưu tiên những gì quan trọng nhất đối với doanh nghiệp và cách có thể đạt được chúng một cách hiệu quả.
Tạo ra sự liên kết: Tương tự như việc làm rõ các mục tiêu, việc tạo ra một chiến lược đổi mới giúp tạo ra sự liên kết ở tất cả các cấp của doanh nghiệp. Cho dù là các nhiệm vụ cá nhân, chiến lược cấp cao hay quản lý hoạt động, mọi người sẽ có ý tưởng chung về các mục tiêu chính và cách họ nên đạt được chúng.
Tối ưu hóa để đạt được thành công lâu dài: Thay vì chỉ tập trung vào tương lai trước mắt, một chiến lược đổi mới làm rõ chuyển động chiến lược dài hạn của doanh nghiệp. Điều này mang lại ý nghĩa cho các nhiệm vụ ngắn hạn và mang lại cho công ty một quỹ đạo dài hạn để nhắm mục tiêu theo thời gian.
Thúc đẩy sự hợp tác: Khi đổi mới là trung tâm của một doanh nghiệp, thì sự hợp tác là cần thiết để thúc đẩy mọi thứ tiến lên. Việc tạo ra một chiến lược đổi mới vốn đã nhấn mạnh đến sự đổi mới giữa các cá nhân, nhóm và phòng ban. Điều này thúc đẩy môi trường tốt nhất để đổi mới thành công.
Toàn cầu hóa công nghệ và thị trường, với nhiều khách hàng, nhà cung cấp, đối tác và đối thủ cạnh tranh mới tiềm năng ở các khu vực khác nhau trên thế giới, đòi hỏi các công ty phải thực hiện một cách tiếp cận chiến lược đối với các hoạt động đổi mới của mình để tập trung vào một loạt các cơ hội và mối đe dọa ngày càng mở rộng.
Trừ khi các doanh nghiệp có thể trình bày rõ ràng các mục tiêu chiến lược dài hạn của họ đối với đổi mới, nếu không họ sẽ khó tương tác và hưởng lợi từ các chính sách khoa học và công nghệ của khu vực công trong các lĩnh vực như khoa học cơ bản, quy định và tạo tiêu chuẩn. Họ cũng ít có khả năng xây dựng sự hợp tác công nghệ lâu dài với các đối tác hoặc tìm kiếm các nhà đầu tư kiên nhẫn.
Các loại chiến lược đổi mới
Các chiến lược đổi mới có thể được phân loại thành chủ động, tích cực, phản ứng và thụ động (Dodgson và cộng sự, 2008).
Hình 2: Phân loại chiến lược đổi mới
Nguồn: Dodgson và cộng sự, 2008
Chủ động (Proactive): Chiến lược đổi mới chủ động đề cập đến một cách tiếp cận nhấn mạnh vào tính chủ động và tư duy tiến bộ trong việc xác định và theo đuổi các cơ hội đổi mới. Điều này liên quan đến việc tích cực tìm kiếm và tạo ra những khả năng mới từ trước thay vì chỉ đơn giản là phản ứng với áp lực cạnh tranh hoặc thị trường sau khi chúng xảy ra. Với việc hiểu bối cảnh đang phát triển và dự đoán các nhu cầu trong tương lai, các doanh nghiệp có thể chủ động xác định các lĩnh vực cần đổi mới và phát triển các giải pháp đáp ứng những nhu cầu đó trước khi các đối thủ cạnh tranh làm được. Các công ty có chiến lược đổi mới chủ động thường có định hướng nghiên cứu mạnh mẽ và lợi thế của người đi đầu, đồng thời là công ty dẫn đầu thị trường công nghệ. Họ tiếp cận kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau và chấp nhận đặt cược lớn bên cạnh rủi ro cao.
Tích cực (Active): Các chiến lược đổi mới tích cực liên quan đến việc bảo vệ các công nghệ và thị trường hiện có trong khi sẵn sàng đáp ứng nhanh chóng một khi thị trường và công nghệ đã được chứng minh. Các công ty sử dụng phương pháp này cũng có nhiều nguồn kiến thức và mức độ chấp nhận rủi ro từ trung bình đến thấp. Ví dụ như Microsoft, Dell và British Airways. Các công ty này chủ yếu sử dụng đổi mới gia tăng với nghiên cứu và phát triển ứng dụng nội bộ.
Phản ứng (Reactive): Đây là một chiến lược tập trung vào việc phản ứng với những thay đổi trong môi trường kinh doanh hơn là chủ động tìm kiếm và tạo ra các cơ hội đổi mới. Chiến lược này được kích hoạt khi các yếu tố bên ngoài thay đổi, như thay đổi điều kiện thị trường, tiến bộ công nghệ hoặc áp lực cạnh tranh,... Các doanh nghiệp áp dụng chiến lược này thường sử dụng phương pháp “wait and see” (chờ và xem), chờ đợi các tín hiệu hoặc tín hiệu bên ngoài trước khi bắt đầu các hoạt động đổi mới và sao chép sự đổi mới cụ thể đã được chứng minh. Các chiến lược đổi mới phản ứng có xu hướng liên quan đến mức độ chấp nhận rủi ro thấp hơn so với các chiến lược chủ động hoặc tích cực. Các doanh nghiệp tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu thị trường đã biết hơn là khám phá các “lãnh thổ” chưa được khám phá. Trọng tâm là giảm thiểu rủi ro và đảm bảo rằng những đổi mới phù hợp chặt chẽ với kỳ vọng thị trường hiện tại.
Thụ động (Passive): Các công ty có chiến lược đổi mới thụ động đợi cho đến khi khách hàng của họ yêu cầu thay đổi sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Một hạn chế của chiến lược này là về mặt thúc đẩy tăng trưởng dài hạn và lợi thế cạnh tranh. Cách tiếp cận bị động có thể dẫn đến việc bỏ lỡ các cơ hội, có thể khiến doanh nghiệp tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh chủ động và sáng tạo.
Cách phát triển chiến lược đổi mới
Về cơ bản, giống như việc tạo ra bất kỳ chiến lược tốt nào, quá trình phát triển chiến lược đổi mới nên bắt đầu với sự hiểu biết rõ ràng và xác định các mục tiêu cụ thể liên quan. Một chiến lược đổi mới mạnh mẽ cần xem xét các yếu tố then chốt:
Xác định rõ loại đổi mới, giá trị mà đổi mới mang lại: Xác định loại giá trị mà sự đổi mới sẽ tạo ra là yếu tố cần thiết hàng đầu do các khả năng cần thiết cho mỗi loại là hoàn toàn khác nhau và cần có thời gian để tích lũy. Thông qua nhận thức rõ ràng đổi mới sẽ tạo ra giá trị như thế nào, một tổ chức có thể đưa ra các quyết định sáng suốt về việc phân bổ các nguồn lực này một cách hiệu quả. Điều này bao gồm việc xác định nên đầu tư vào đâu, ưu tiên dự án nào và phân bổ nguồn lực bao nhiêu là hợp lý dựa trên việc tạo ra giá trị dự kiến. Việc xác định giá trị giúp đưa ra các quyết định phân bổ nguồn lực này một cách khách quan và chiến lược hơn. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để đo lường và đánh giá sự thành công của các sáng kiến đổi mới. Các số liệu và chỉ số giá trị rõ ràng có thể được thiết lập để đánh giá tác động, theo dõi tiến độ, xác định các lĩnh vực cần cải thiện và đưa ra quyết định sáng suốt về việc tiếp tục, sửa đổi hoặc chấm dứt các dự án đổi mới cụ thể. Nó cũng cho phép các tổ chức chứng minh lợi tức đầu tư (ROI) của các hoạt động đổi mới của họ cho các bên liên quan, điều này rất quan trọng để đảm bảo các nguồn lực và hỗ trợ liên tục.
Chiến lược đổi mới phải cụ thể về các cột mốc thời gian: Chiến lược đổi mới theo thời gian cụ thể cho phép các tổ chức đặt mục tiêu và cột mốc rõ ràng cho các sáng kiến đổi mới của họ, chẳng hạn như tung ra sản phẩm mới, thâm nhập thị trường mới hoặc thực hiện các cải tiến quy trình. Bằng cách chia nhỏ chiến lược đổi mới thành các bước có thể hành động với khung thời gian cụ thể, các tổ chức có thể theo dõi tiến độ, theo dõi hiệu suất và đảm bảo trách nhiệm giải trình. Tính cụ thể về thời gian giúp duy trì động lực và sự tập trung trong suốt hành trình đổi mới. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể phân bổ hiệu quả các nguồn lực và ngân sách phù hợp, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực, tránh “tắc nghẽn” và đảm bảo rằng các nỗ lực đổi mới luôn đi đúng hướng trong khung thời gian được phân bổ. Chiến lược đổi mới theo thời gian cụ thể giúp các doanh nghiệp quản lý những rủi ro này bằng cách thiết lập các mốc quan trọng để đánh giá và giảm thiểu rủi ro. Điều này cho phép đánh giá định kỳ tiến độ và kết quả của các sáng kiến đổi mới, cho phép các tổ chức xác định và giải quyết các rủi ro, thách thức tiềm ẩn một cách kịp thời.
Chiến lược đổi mới cần linh hoạt, cho phép điều chỉnh và cập nhật theo thời gian: Môi trường kinh doanh rất năng động và hoàn cảnh có thể thay đổi nhanh chóng. Điều kiện thị trường, sở thích của khách hàng, tiến bộ công nghệ và bối cảnh cạnh tranh đều có thể phát triển theo thời gian. Vì vậy, những gì có thể được coi là sáng tạo ngày nay có thể trở nên lỗi thời hoặc ít tác động hơn trong tương lai. Trong khi đó, đổi mới là một quá trình học hỏi. Các bên liên quan, chẳng hạn như nhân viên, khách hàng, đối tác và nhà đầu tư, có thể có những hiểu biết và quan điểm có giá trị để đóng góp. Bằng cách cho phép điều chỉnh và cập nhật, các doanh nghiệp có thể kết hợp phản hồi, ý tưởng và kỳ vọng của các bên liên quan vào chiến lược. Sự tham gia này tăng cường sự hợp tác, đồng thuận và hỗ trợ cho các sáng kiến đổi mới. Đồng thời, điều này cũng đảm bảo rằng chiến lược vẫn phù hợp với nhu cầu và mong đợi ngày càng tăng của các bên liên quan. Bên cạnh đó, khi các sáng kiến đổi mới tiến triển và đạt được thành công, các doanh nghiệp có thể cần mở rộng quy mô nỗ lực của họ. Chiến lược đổi mới linh hoạt cho phép các doanh nghiệp mở rộng quy mô các hoạt động đổi mới của mình bằng cách điều chỉnh các mục tiêu, mở rộng nguồn lực và khám phá các thị trường hoặc lĩnh vực mới. Ngược lại, nếu một số sáng kiến đổi mới tỏ ra kém thành công hơn hoặc gặp phải những thách thức không lường trước được, thì sự linh hoạt của chiến lược sẽ cho phép chuyển hướng hoặc chấm dứt các sáng kiến đó, tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực và giảm thiểu tổn thất tiềm ẩn. Tóm lại, một chiến lược đổi mới linh hoạt cho phép các doanh nghiệp học hỏi từ kinh nghiệm của họ, kết hợp phản hồi mới vào chiến lược, thúc đẩy văn hóa cải tiến liên tục để thích nghi với những thay đổi này và thực hiện những tinh chỉnh hợp lý. Với việc chuẩn bị một chiến lược đổi mới cho phép điều chỉnh cũng như cập nhật theo thời gian, các doanh nghiệp có thể điều hướng sự phức tạp của đổi mới một cách hiệu quả hơn và tăng cơ hội đạt được kết quả đổi mới bền vững.
Chiến lược đổi mới cần truyền cảm hứng và gắn với tầm nhìn, chiến lược kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp: Việc đảm bảo các nỗ lực đổi mới phù hợp với tầm nhìn và sứ mệnh tổng thể của doanh nghiệp giúp ngăn chặn rủi ro các sáng kiến đổi mới trở nên rời rạc và đảm bảo rằng các hoạt động đổi mới phù hợp với tầm nhìn dài hạn của họ, thể hiện sự gắn kết và nhất quán trong quá trình ra quyết định và hành động. Khi chiến lược đổi mới phù hợp với chiến lược kinh doanh, các sáng kiến đổi mới có thể tận dụng khả năng và năng lực cốt lõi hiện có của tổ chức, tích hợp các ý tưởng sáng tạo vào các khía cạnh khác nhau của doanh nghiệp, tối đa hóa tác động và giá trị được tạo ra từ những nỗ lực đổi mới. Sự gắn kết và nhất quán này làm tăng hiệu lực và hiệu quả của các nỗ lực đổi mới, giảm nguy cơ sai lệch và lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, việc truyền đạt rõ ràng về tầm nhìn của doanh nghiệpthông qua chiến lược đổi mới là rất quan trọng để đạt được sự ủng hộ từ các bên liên quan khác nhau, bao gồm nhân viên, khách hàng, nhà đầu tư và đối tác. Khi các cá nhân trong doanh nghiệp hiểu những đóng góp đổi mới của họ góp phần vào tầm nhìn rộng lớn hơn như thế nào hay của việc chuyển đổi đối với công việc hàng ngày của họ, cũng như đối với các mục tiêu kinh doanh tổng thể, điều này có thể thúc đẩy sự gắn kết và hiệu quả chuyển đổi. Hơn nữa, với việc truyền đạt hiệu quả tầm nhìn của tổ chức thông qua chiến lược đổi mới, các doanh nghiệpcó thể định vị mình là môi trường thú vị và có mục đích, coi trọng sự đổi mới và mang đến cơ hội phát triển cá nhân và nghề nghiệp, qua đó tác động tích cực đến thu hút và giữ chân nhân tài.
Các chiến lược đổi mới hiệu quả trong việc cải thiện hiệu suất trong một số môi trường nhất định có thể không hiệu quả trong các môi trường khác. Việc phát triển và sử dụng chiến lược đổi mới có thể thay đổi rõ rệt tùy thuộc vào việc doanh nghiệp mới hay lâu đời, lớn hay nhỏ, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ đơn giản hay phức tạp, hoạt động trong các hoàn cảnh thị trường và công nghệ được xác định rõ ràng hay không chắc chắn, có tác động lớn hay nhỏ đối với xã hội và môi trường. Nó cũng thay đổi tùy theo đặc điểm của các ngành và hệ thống đổi mới mà nó hoạt động. Do đó, không có kế hoạch chi tiết chiến lược đổi mới có thể áp dụng cho mọi doanh nghiệp. Các nhà quản lý phải tìm kiếm sự phù hợp giữa các chiến lược đổi mới của công ty và các điều kiện hiện tại của doanh nghiệp cũng như môi trường và những hoàn cảnh cụ thể mà họ tiến hành kinh doanh.
KẾT
Thế giới biến động, doanh nghiệp cũng không thể đứng yên. Xuất hiện như một phương sách hữu ích đối phó với khủng hoảng, suy thoái và những thời điểm khó khăn trong lịch sử, trong thời kỳ suy thoái với những biến động khó lường như hiện tại, đổi mới vẫn là một cứu cánh tối ưu cho các doanh nghiệp. Từ việc nhận thức rõ ràng về đổi mới cũng như xây dựng một chiến lược đổi mới thực sự phù hợp, các doanh nghiệp nắm trong tay cơ hội tái tạo lại bản thân, đối phó với suy thoái, nắm bắt những lợi thế cạnh tranh sản sinh từ khủng hoảng và vươn lên chiếm thế thượng phong trong một chu kỳ kinh tế mới.
Vietnam Report