Tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam đượ dự báo tăng 5-6%. Theo dự báo của công ty chuyên về nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở cả khu vực nông thôn và thành thị được dự báo ngang bằng nhau trong cả năm nay.
Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) khu vực châu Á và Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn bởi tốc độ phát triển có phần chậm lại. Nếu năm 2013, châu Á ghi nhận mức tăng trưởng 10% ở lĩnh vực này thì sang 2014 chỉ còn nhích 5,1% và đạt 4,6% vào 2015. Tốc độ tăng trưởng của thị trường FMCG tại Việt Nam ở khu vực thành thị trong năm nay cải thiện hơn so với hai năm qua, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm lại thấy rõ ở khu vực nông thôn, nhất là với mức 8,5% của năm 2015. Cả năm ngoái, toàn thị trường hàng tiêu dùng nhanh gồm thực phẩm đóng gói, nước giải khát, sữa, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe… chỉ tăng 8,8%, dấy lên lo ngại lĩnh vực này đã qua giai đoạn đỉnh cao trong chu kỳ phát triển.
Nhìn lại giai đoạn của những năm 2010- 2013, thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại nông thôn luôn giữ mức tăng trưởng cao, luôn trên 12%, thâm chí năm 2011, đạt mức 30,5% thì cho đến những năm 2014 – 2015 đã giảm xuống lần lượt còn 10,4% và 8,5%.
Giải thích về dự báo này, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh tại Kantar Worldpanel Việt Nam, cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP quí đầu năm nay chỉ đạt 5,46%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng này đánh dấu một khởi đầu không chắc chắn cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 6,5%.
Thêm vào đó, chỉ số CPI tăng nhẹ trong các tháng đầu năm cho thấy dấu hiệu lạm phát có thể quay trở lại. Tình hình kinh tế các quí tiếp theo nhìn chung sẽ gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng từ các vụ việc nghiêm trọng gần đây, cụ thể là tình hình hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài ở các tỉnh miền Tây,… Do đó, dự báo GDP Việt Nam năm nay có thể chỉ đạt tăng trưởng ở mức 6%. Tình hình tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ ảnh hưởng nhiều đến khu vực nông thôn.
Một trong những mặt hàng FMCG của người Việt Nam ưa chuộng trong năm nay vẫn là những mặt hàng đem lại sự tiện lợi, quan tâm đến sức khỏe. Trong 5 nhóm ngành chính của lĩnh vực FMCG, nhiều doanh nghiệp nội địa kinh doanh sữa, thực phẩm đóng gói, chăm sóc gia đình được nhìn nhận làm ăn khả quan. Các sản phẩm nói trên không chỉ đem lại sự tiện lợi mà còn giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian qua việc mua sắm ở những kênh tiện lợi, gần nhà hoặc trên đường về nhà. Lợi thế của doanh nghiệp nội là sự am hiểu người tiêu dùng, khẩu vị địa phương, nắm bắt xu hướng thị trường nhanh và cũng rất mau lẹ khi tung mẫu mới. Đó là lý do tại sao, bán lẻ truyền thống của Việt Nam vẫn chiếm ưu thế, bởi lẽ các kênh tạp hóa, trong đó chủ yếu là các cửa hàng bách hóa ở khu vực thành thị và các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn, vẫn giữ được thị phần và tăng trưởng ổn định.
Người tiêu dùng cũng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, đặc biệt năm nay rộ lên nhiều vấn đề xoay quanh thực phẩm bẩn, không khí và môi trường bị ô nhiễm, thì ý thức và hành vi bảo vệ sức khỏe từ người tiêu dùng sẽ càng thể hiện rõ nét hơn. Chúng phản ánh thông qua việc chọn lựa các sản phẩm tiêu dùng trong năm vừa qua, đó là các sản phẩm tốt cho sức khỏe như sữa đậu nành, thức uống lúa mạch hay sữa chua... đều được ghi nhận đạt mức tăng trưởng tốt liên tục trong vài năm gần đây.
Hương Thủy
Tổng hợp
Vietnam Report